Hỡi người bạn không quen biết,
Vậy là bạn đã theo tôi từ phần 1 đến phần 15 của chuỗi bài Việt Nam Giáo Dục Bại Vong Sử. Bạn có thể không đồng tình với tôi, thậm chí căm giận, nhưng điều đó với tôi không quan trọng. Điều tôi mong mỏi lớn nhất là bạn sẽ suy nghĩ về những điều tôi nói. Những điều tôi nói là sự thật trần trụi và trắng trợn. Thật đến não lòng. Bởi vậy, những kẻ yếu bản lĩnh thì không thể ngó vào dù chỉ vài dòng.
Nên mới có thơ rằng:
GIÁ CỦA SỰ THẬT
Một bác cán bộ nọ
Thuộc lớp người cao niên
Cuộc sống khá đầy đủ
Có tý chức, tý quyền.
Một hôm đi ra phố
Bác gặp một lão già
Mở sạp hàng rất lạ
Bán cho người đi qua.
Hàng mà lão ấy bán
Là Sự Thật, lạ chưa
Có đủ mọi chủng loại
Lớn, nhỏ và cỡ vừa.
Có sự thật một nửa
Cả sự thật rất to
Và sự thật trần trụi
Cất kỹ ở trong kho.
Bác ta thấy lạ quá
Đến gần và hỏi mua
Cụ già nói: “Quý khách
Có đủ tiền hay chưa?
Tiền nào thì của nấy
Nếu sự thật càng nhiều
Thì tiền mất càng lớn
Liệu cách mà chi tiêu.”
Bác nói: Tôi thích loại
Sự thật trăm phần trăm
Sự thật loại chính hiệu
Làm nhức nhối lương tâm.
Giá bao nhiêu cứ nói
Nếu hợp lý sẽ mua
Còn sự thật một nửa
Tôi cũng đã có thừa.
“Chà, lão già nhăn mặt
Loại ấy đắt ông ơi
Ông sẽ hết tài sản
Và chức tước trên người.
Với loại sự thật đấy
Tôi phải cất trong hòm
Ban ngày không dám mở
Chỉ liếc trộm đêm hôm.
Để có sự thật ấy
Ông mất vợ mất con
Mất luôn cả nhà cửa
Danh tiếng cũng mất luôn.
Nếu ông dám đánh đổi
Thì tôi bán cho ngay
Nhưng trước khi quyết định
Hãy cân nhắc điều này”.
Bác cán bộ tái mặt
Đứng thờ thẫn một hồi
Rồi chắp tay xin phép
“Chào cụ, tôi cáo lui.
Cái loại sự thật ấy
Bản lĩnh tôi chưa nhiều
Lúc này đâu dám nghĩ
Thôi, để lúc về hưu.”
Cụ già cười, nói nhỏ:
“Để có được bình an
Ông đã không mua nó
Là quyết định khôn ngoan
Nhiều kẻ đã thèm muốn
Nhưng chẳng ai dám mua.
Một sự thật trần trụi
Đâu có phải chuyện đùa.”
Như tôi đã nói nhiều lần, tôi không bi quan cũng không lạc quan. Tôi là người thích chân lý và thích nói thật. Giáo dục Việt Nam có bại vong thật hay không thì chưa thể trả lời chắc chắn vì tương lai còn do chúng ta quyết định. Chúng ta tạo ra số phận của chính mình và cũng có quyền thay đổi nó.
Sách! Sách! Sách!
Tôi và con trai tôi có một cảm hứng đặc biệt với sách. Đi vô siêu thị thì nơi chúng tôi dừng chân lại nhiều nhất chính là khu bán sách. Tôi rất mừng vì con tôi thích đọc. Vậy là nhiệm vụ giáo dục của tôi với nó đã giảm đi 70% gánh nặng. Các bậc chân sư và hiền giả tầm thế giới sẽ làm osin giúp việc cho tôi. Nghĩa là tôi chỉ cần hướng dẫn cho con tôi đọc loại sách nào, nó sẽ bước vào nói chuyện và tâm sự với mọi hiền giả và các danh nhân vĩ đại nhất lịch sử. Và cũng qua sách, con tôi sẽ học chất vấn những ác nhân kim cổ.
Còn gì sung sướng và thú vị hơn quanh tôi và nó, nền văn mình hơn 6 ngàn năm của nhân loại vây quanh. Còn gì sung sướng hơn khi quanh tôi và con trai tôi đều là Đức Phật, Jesus, Platon, Abraham Lincoln, Newton, Pasteur, Tagor, Victor Hugo, Puskin, Alexan Duma và hàng chục ngàn trí nhân vĩ đại của thế giới. Họ đang về dạy con tôi thành người.
Tác dụng của sách
Người Trung Quốc có câu: Rất hay không gì bằng đọc sách. Rất cần không gì bằng dạy con. Họ cũng nói: Cho con bạc vàng không bằng dạy con một nghề. Khuyên con trăm điều không bằng dạy con một sách.
Từ lâu tôi luôn quan niệm rằng nếu gia đình may mắn đẻ ra một đứa con mê sách thì cha mẹ đã được gỡ bỏ phần lớn gánh nặng giáo dục. Họ chỉ việc chọn mua sách tốt cho con nữa là có thể yên tâm. Tối đến cha mẹ nên làm gương, đọc sách cùng con để tạo nên một thói quen cho cả gia đình.
Tác hại của sách
Sách cũng như thầy. Có thầy dởm thì đương nhiên cũng có sách dởm. Đôi khi không phải tại sách dởm mà do người đọc chưa đủ bản lãnh để đọc những loại sách tà đạo.
Giống như luyện công, sách cũng có từng tầng từng bậc. Nhiều cuốn sách viết chỉ dành cho những người đã có nội công và nền đạo lý thâm hậu. Thật tai hại nếu chúng vô tình lọt vào tay những người nội lực còn non yếu.
Chẳng hạn như “Nghệ thuật quyến rũ”, “Bốn mươi tám nguyên tắc của quyền lực” là những sách hay dành cho người có tuổi và nhiều bản lĩnh. Giới trẻ đọc vào sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Thậm chí dẫn đến chết người. “Cửu âm chân kinh” không dành cho những người non bản lĩnh.
Người viết ra Thủy Hử là một kẻ đạt đẳng cấp tư duy tiên ông. Người viết ấy đứng cao hơn nhân loại nhiều bậc. Ông ta ngó xuống trái đất xem nhân thế như một bầy kiến và mô tả với vẻ điềm nhiên và an định của bậc thánh nhân. Sự căm giận, yêu ghét, buồn vui là tự người đọc tạo cho mình qua trang văn chứ bản thân người viết hoàn toàn làm chủ tâm thức. Tất cả những tài danh và những trí nhân thực sự đều như vậy. Yêu ghét buồn vui là tâm lý, tình cảm của chúng sinh. Nếu kẻ yếu bản lĩnh dẫn có thể bị những sách kiểu này làm cho mê man vì văn phong cực kỳ lạ.
Khi chọn sách đọc cho trẻ, bạn phải phân tầng, phân bậc. Sách nào trước, sách nào sau. Nếu vậy, cha mẹ phải là người am hiểu sách. Nếu không, cần nhờ ai đó tư vấn chọn sách cho con mình.
Việc đọc sách ở Việt Nam hiện nay
Nếu bạn coi việc đọc sách ở Việt Nam đang yếu và ít thì tại sao các nhà sách mọc lên như nấm và họ sống khỏe. Tại sao ít người đọc sách mà các nhà làm sách đã có cả biệt thự, xe sang?
Điều này quả là phi lý. Có lẽ chúng ta cần làm một cuộc khảo sát nghiêm túc về vấn đề đọc sách của người Việt Nam để có cách lý giải khoa học và đúng đắn hơn. Tôi rất trăn trở về sự khó hiểu này. Có ai giải thích được không?