Đỗ Cao Sang

VĂN NGHỆ

Câu chuyện 1:

Hôm ấy, cả khu trọ chỗ tôi đã rôm rả từ chiều. Do con Hoa khoe ầm ĩ lên từ mấy ngày trước là nó được tuyển vào đội văn của trường. Kể cũng lạ! Hai năm nay có thấy nó hát hò, nhảy nhót gì đâu. Ấy vậy mà từ sáng nó đã phao tin cho cả xóm là tối nay VTV3 phát chương trình văn nghệ của Đại học Quốc gia, trong đó có cả tiết mục của nó. Rồi cô nàng hối hả kê thêm ghế ngồi, chạy ù đi mua co-ca, fanta, hạt hướng dương bày sẵn để tiếp khách đến chơi. Chả mấy khi được lên TV, đương nhiên cả xóm sẽ mừng cho nó.

Sau dự báo thời tiết, TV bắt đầu phát chương trình văn nghệ mà con Hoa và cả xóm hớn hở trực từ xẩm tối.

Xem được năm phút vẫn không thấy hình con Hoa và tiết mục của nó đâu. Ủa, sao kỳ vậy! Mọi người nhao nhao hỏi. Con Hoa chỉ tay sát màn hình, đây nè. Bọn tôi nhìn mãi mới thấy một cặp kính và nửa cái đầu lấp ló trong dàn đồng ca khoảng 100 người. Con Hải hỏi có chắc là mày không Hoa. Cái Hoa vênh mặt lên nói không tao thì là ai. Có vậy thôi sao? Thằng Tiến béo kêu lên. Đây là dàn đồng ca, mày chỉ đứng sau hơ hơ mấy tiếng thế thôi à. Con Hoa cự lại, mày nghĩ ai cũng được lên TV như vậy sao. Thằng Tiến béo trót uống nước ngọt và ăn hướng dương rồi, đành dịu giọng, ừ thì mày giỏi. Mấy đứa lớn cứ rúc rích ôm miệng bỏ về lần lượt.

 

Câu chuyện 2:

Nhiều đôi đang yêu phải tan vỡ chỉ vì trò song ca mà ra. Lửa gần rơm thì lâu ngày cũng bén. Máu văn nghệ thì lại thích đong đưa.

Tôi nhớ hồi con Lê và thằng Tùng lớp tôi yêu nhau say đắm. Con Lê hát hay còn thằng Tùng thì chịu chết. Nói về hát hò, nó chưa hề thuộc một bài nào đến nơi đến chốn. Phụ trách văn nghệ nhà trường mời con Lê tham gia hát cặp với thằng Cường ở khoa Trung. Thằng Tùng biết nguy hiểm cận kề nhưng rất khó ngăn cản. Nó cũng sợ mang tiếng ghen tuông. Thế là cu cậu bỏ hết bóng đá, chỉ rình núp cửa sổ xem con Lê tập. Ai cũng hỏi mày ghen à. Cu Tùng nói tao mà thèm ghen. Không bao giờ nhé.

Đạo diễn giúp hai đứa đó dàn dựng bài TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN hay đáo để. Ban đầu là tiếng suối, tiếng chim hót. Con Lê mặc váy xòe bước ra, tay xoay xoay cái ô. Thằng Cường mặc quân phục bộ đội biên phòng, đeo cái ba lô. Ai xem tổng duyệt cũng tấm tắc khen đẹp và hợp cạ nhau như kẹo lạc với trà đá. Họ còn đoán tiết mục chắc giải vàng toàn trường chứ chả chơi. Duy mỗi cu Tùng không phục. Hắn cứ lẩm bẩm một mình: “Trông như điên!”

Con Lê đi tập về phòng là thằng Tùng bắt đầu hành tỏi tra khảo. Nào là hôm nay cười với thằng chó Cường hai lần nhé. Nào là tay thằng chó ấy nắm em hơi lâu, lần sau chết với anh. Lúc đầu thì anh em, sau thì cô với tôi. Con Lê cứ đi tập về là có chuyện.
Vào đêm diễn mới căng thẳng. Con Lê sợ thằng Tùng ghen. Tùng thì đau đầu quan sát hành vi của đôi song ca. Cu Cường cũng lóng nga lóng ngóng vì sợ cu Tùng.

Thế mà vào tiết mục hăng máu, đôi đấy hát hay và diễn tốt đáo để. Thằng Cường một tay nắm dây vai ba lô, một tay dắt con Lê ra sân khấu cúi chào. Cả hội trường vỗ tay. Cu Tùng lẩm bẩm chúng bay rồ à, có gì mà vỗ tay.

Con Lê đá đuôi nheo cười và hát “ai tin anh nớ…”. Thằng Cường cũng cười tình “vì sao em nói nghe nào…” Thằng Tùng quát to: “Vì cái thằng cha mày!” Cả đám đứng cạnh nó cười rũ. Đến đoạn nắm tay, thằng Tùng ra hiệu bắt con Lê đứng xích xa rồi chỉ đạo cho con Lê buông tay Cường. Khổ là thằng Cường không biết gì cứ say sưa hát “hình như có bóng cô nàng, và ai như bóng anh chàng, cùng hai cây súng đang ngồi bên nhau.” Thằng Tùng điên tiết tháo giày liệng lên sân khấu.

Đương nhiên cu Tùng bị túm cổ lôi ra khỏi hội trường. Đôi Tùng Lê sau chia tay. Lý do cũng vì song ca mà ra cả.

 

Câu chuyện 3:

Lại nhớ hôm lửa trại kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Tối ấy có văn nghệ ngoài trời rất vui. Con Lê lại song ca với thằng Cường bài TÌNH TA BIỂN BẠC ĐỒNG XANH. Ánh lửa phập phùng rất lãng mạn. Nhưng mặt người thì nhìn xa quá 25m thì không còn rõ. Đến lúc tên MC giới thiệu xong rồi thì con Lê nhún nhẩy đi quanh đống lửa hý hửng hát: Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi…Đợi mãi không thấy anh cu Cường hát. Con Lê lại tiếp tục vì sao anh ra khơi. Vẫn bặt tăm. Con Lê làm lại lần ba vì sao anh ra khơi. Lúc ấy cu Cường chạy vào, một tay đóng cúc quần một tay cầm mic hát hỏi làm chi sao em cứ bông đùa. Thì ra chiều tối cu cậu đánh chén lòng lợn tiết canh liên hoan bị đi ngoài. Lúc vào tiết mục thì vẫn đang ngồi xổm ở bờ kênh.

Related posts

DIỄN BIẾN NGÀY THỨ 49

Đỗ Cao Sang

THƠ DANH NHÂN: LÝ TIỂU LONG (1940 – 1973)

Đỗ Cao Sang

Ý nghĩa của giáo dục

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment