Có câu, Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ tạo tác. Thật vậy, trong giáo dục và nuôi dạy con, nội tâm cha mẹ ra sao thì đứa con được (hoặc bị) nhận hậu quả tương ứng một cách đương nhiên.
Cha mẹ với tâm an định bình tĩnh thì khi con gặp sự cố về sức khỏe, học tập hay tâm sinh lý sẽ truy tìm nguyên nhân, bình tĩnh giải quyết theo một con đường sáng nhất. Cha mẹ không an định thì trí tuệ bất minh, lập tức đưa ra những hành động và quyết định sai lầm, bộc phát và nguy hiểm.
Tâm thức và bản lãnh của cha mẹ yếu thì sẽ làm hại con một cách vô tình. Mắng chưởi, đòn roi là biểu hiện của tâm thức yếu. Gầm rú và kêu rên là tâm thức yếu. Sợ con ăn kém là tâm thức yếu. Giận con mặc đồ trái ý mình là tâm thức yếu. Cay cú vì con đi làm diễn viên thay vì học y dược (giống mẹ) là tâm thức yếu. Thấy con bị tai nạn, mẹ xoắn quẩy lên, nói líu lưỡi là tâm thức yếu. Con điểm kém, mẹ hoảng loạn là tâm thức yếu.
Vậy nên cha mẹ phải rèn nội tâm vững mạnh trước đã. Muốn có tâm thức mạnh, phải học và tu luyện, tìm hiểu về thiền và nguyên lý của quán thân, quán tâm, quán vô thường, quán thọ.
LION KING
Hôm trước tôi có nói đến nguyên tắc DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN trong giáo dục con cái. Nghĩa là chỉ cần giữ lấy cái cốt lõi và căn bản, linh động và bỏ qua những điều bất như ý lặt vặt. Cha mẹ nói càm ràm quá nhiều những thứ lặt vặt sẽ bị con cái khinh nhờn vì tự bỏ mất uy phong.
Cả rừng già phải khiếp sợ con sư tử vì nó ít nhảy nhót, ít nói năng tào lao nhặng xị như đám chim sáo chim ri. Sư tử cả tháng chỉ gầm lên đôi ba bận nhưng khi nó gầm, cả rừng im phăng phắc, khỉ ngưng chuyền cành, chim ngừng hót, ngựa vằn ngừng gặm cỏ. Tất cả đều lắng tai nghe và quy phục.
Tại sao vậy?
Vì nó chỉ gầm khi cần thiết. Nó không gầm tào lao. Cha mẹ muốn có uy như sư tử thì hãy cất tiếng khiển trách con đúng lúc, đúng phong độ. Uy nghi và đĩnh đạc.
Hãy xem phim LION KING 1 để hiểu thế nào là vừa có uy vũ vừa có nhân từ. Theo tôi, đó là bộ phim kinh điển độc nhất vô nhị, đáng xem nhất về giáo dục học và nuôi dạy trẻ em.
Săm trổ, nhuộm tóc, mặc quần bò thủng, ăn vặt, lười ăn là những thứ vặt vãnh. Bậc cha mẹ trí tuệ không nên để tâm quá nhiều. Một phụ huynh mang tướng tinh sư tử sẽ nói như sau:
“Con thích săm trổ phải không? Quyền tự do cá nhân đúng là phải được tôn trọng. Săm trổ không phải là xấu và không phản ánh tính cách và nhân phẩm của con người. Tuy nhiên, đa số dân Việt hiện bây giờ không có thiện cảm với dân xăm trổ. Từ lâu, người ta đã đồng nhất (stereotype) dân xăm trổ với du côn, tội phạm. Nếu con thích xăm trổ, con sẽ bị người đời hiểu lầm. Bị hiểu lầm thì rất thiệt thòi, cả trên giảng đường và cả trong con mắt của anh em thân hữu. Tùy con quyết định. Theo ta, săm trổ là việc không nên.”
Một phụ huynh khả kính chỉ nên dừng lại ở đó. Không nói thêm, không càm ràm, không nhảy xếch, không gầm gừ, không đấm ngực, không khóc lóc trước sự săm trổ và ăn mặc (tạm gọi là nhí nhố) của con.
Trẻ em tuổi teen thích nổi trội nhưng họ còn bồng bộc và nông nổi trong cách thể hiện cái tôi. Chuyện đó rất bình thường. Thời gian sẽ giải quyết tất cả. Cha mẹ không nên can thiệp quá sâu.
BỐN MẦM ĐẠI HỌA
Nhưng những biểu hiện cho thấy bốn mầm đại họa thì phải lập tức chặn đứng bằng mọi giá. Bốn mầm đại họa đó là:
THAM LAM – ÍCH KỶ: Một đứa trẻ có biểu hiện tham lam ích kỷ, khi lớn lên sẽ không có tầm nhìn xa. Ích kỷ tham lam rất dễ đi đến tội ác và mê muội. Càng tham thì càng mất. Càng ích kỷ lại càng không giữ được gì. Đó làm sự thật hiển nhiên. Bàn tay mở ra thì nhận thêm, bàn tay nắm chặt thì không nhận thêm gì cả.
NÓI DỐI – Nói dối là biểu hiện bên ngoài của hèn nhát và tham lam. Hèn nên không dám đối mặt sự thật. Tham nên nói dối để mưu lợi cá nhân. Kẻ nói dối luôn bị khinh bỉ và xa lánh. Bị đồng loại xa lánh thì không thể thành công được.
HÈN NHÁT – Hèn nhát không có nghĩa là không dám đánh nhau. Hèn nhát là kém khả năng chấp nhận sự thật. Bị tiền bạc mua chuộc, bị tham dục tấn công, chi phối. Một kẻ hèn nhát không thừa nhận mình sai thì không thể tiến bộ. Xã hội có nhiều kẻ hèn nhát thì xã hội sớm bị hủy hoại.
LƯỜI BIẾNG – Lười biếng thì không làm nổi bất cứ điều gì. Tệ hại nhất của lười biếng là lười nghĩ. Lười nghĩ, lười tư duy, lười học là cội nguồn của ngu dốt, tội ác và chết chóc.
2 comments
Thank you for sharing
Hay qúa ạ! Thầy viết nhiều hơn đi ạ!