Đỗ Cao Sang

THẾ TÔN DIỆT ĐỘ – P1

 

Lúc ấy vào khoảng chiều tối, trên đường trở về Ca-tỳ-la-vệ, giáo đoàn của Phật đi đến một làng nhỏ gọi tên là Câu-thi-a-na. Phật bảo mọi người rẽ vào rừng cây sala của bộ tộc Mạc-la để nghỉ chân. Phật lúc đó đã rất mệt mỏi do tuổi cao. Và trước đó, Người bị một cơn đau bụng dữ dội do ăn một loại nấm lạ của một Phật tử cúng dường. Nằm trên một chiếc phản nhỏ, đầu hướng về phương Bắc, Phật nói với A-nan-da:

– Thầy hãy báo với mọi người là Như Lai sẽ diệt độ vào đêm nay, tại rừng cây Sala này.

A-nan-da khóc mà rằng:

– Xin thế tôn đừng diệt độ ở đây. Câu-thi-a-na chỉ là một làng nghèo nàn nhỏ bé, không xứng đáng với thế tôn. Ở gần đây có thành Vương Xá, Xá Vệ, những nơi đó tốt đẹp hơn thưa thế tôn!

Phật nói:

– A-nan-da, ta thấy Câu-thi-a-na là một nơi rất tốt. Rừng cây sala này cũng rất đẹp và đáng yêu. Thầy có thấy không, hoa sala đã rơi trắng xóa cả lên áo Như Lai và lên áo của các vị khất sỹ.

Đương lúc ấy, có một đạo sỹ ngoại giáo xin được vào gặp Phật vì ông ta đã ngưỡng mộ đức hạnh của Người từ lâu. A-nan-da định ngăn không cho vào. Phật liền gọi vị thị giả mà nói:

– Cứ để vị đạo sỹ ấy vào đây. Như Lai có thể tiếp ông ấy.

Sau khi đảnh lễ, vị đạo sỹ hỏi Phật rằng vị đạo sư X và đạo sư Y có phải đã đắc đạo không.

Phật nói:

– Họ đắc đạo hay không, ta không nên bàn đến lúc này. Nếu ông muốn trở thành người an lạc và giải thoát khỏi khổ đau thì Như Lai có thể chỉ cho ông con đường. Khi thực hành tốt, chính ông sẽ được giải thoát.

Vị đạo sỹ kia cúi đầu xin được xuất gia theo Phật. Đây là đệ tử cuối cùng người thu nạp lúc còn tại thế. Thế tôn đã giảng về tứ diệu đế và bát chánh đạo, phép thực hành quán niệm hơi thở. Mọi người đều chăm chú lắng nghe trong tĩnh lặng.

Phật liền nói tiếp:

– Đêm nay Như Lai nhập diệt rồi. Quý vị ở đây còn ai muốn hỏi điều gì, xin cứ nói ra. Kẻo mai mốt lại ân hận là mình đã gặp Như Lai mà chưa kịp hỏi.

Một người nói:

– Thưa thế tôn, Ngài có giữ bí kíp bí truyền cho ai không ạ?

Như Lai khẽ mỉm cười:

– Tôi không có bí kíp riêng và cũng không có đệ tử nào gọi là chân truyền đặc biệt. Con đường tu tập và đi lên tỉnh thức chỉ có là bát chánh đạo. Sự thành công của quý vị là do chính quý vị chứ không phải do bí kíp.

A-nan-da hỏi:

– Thưa thế tôn! Khi Người nhập diệt rồi, mỗi người kiến giải một ý về đạo Phật. Người ta sẽ tự bịa ra vài câu chuyện rồi bảo là “Thế tôn từng dạy như vậy.” Sau này hậu thế biết lấy gì để phân biệt đạo Phật thực sự và đạo Phật tà ma?

Như Lai nói:

– Bịa chuyện cũng không thành vấn đế nếu vị giảng sư ấy đem lại cho con người an lạc, giải thoát trong sự tỉnh thức. Cái gì đem lại cho người ta an vui và hiểu biết thì đó là đạo Phật. Cái gì đem đến cho người ta sự mê man và chìm đắm trong danh sắc thì đó là tà thuyết. Khi ta diệt độ, người thầy của các vị chính là giáo pháp. Hãy dùng giáo pháp như ngọn đuốc soi đường. Hai chân ta phải tự bước đi đến giải thoát. Không ai có thể đưa ta đến giải thoát ngoài chính bản thân mình.

Nói chung, càng tu thì lối sống và cách nghĩ càng đơn giản. Nếu tu nhiều mà chỉ thấy mình thêm đam mê, dính mắc vào của cải và danh sắc, hoặc bị rối ren trong lý luận thì nghĩa là đang đi vào mê lạc.

A-nan-da lại hỏi:

– Khi tinh thần chúng con bị phân tán, chúng con lấy gì để an trụ?

Như Lai nói:

– Hãy lấy Tứ Niệm Xứ để an trụ. Quán thân bất tịnh; Quán tâm vô thường; Quán pháp vô ngã và Quán thọ thị khổ.

A-nan-da hỏi:

– Nếu có những người trong giáo đoàn bản tính độc ác và không thể giáo hóa, chúng con phải làm gì?

Như Lai nói:

– Giáo hóa nhiều rồi không chuyển biến thì hãy để anh ta trở về thế tục. Thế tục sẽ dạy anh ta thêm. Gọi là phép “mặc tẩn.”

Tôn giả A-nan-da e ngại khi Đức Phật nhập Niết Bàn rồi thì giáo đoàn sẽ bị kẻ thù tấn công.

Như Lai nói:

– Con sư tử khi gục xuống, chẳng con nào dám đến ăn thịt nó đâu. Chỉ là những ròi bọ, vi khuẩn bên trong làm cho thân xác nó thối rữa. Giáo đoàn khất sỹ đừng sợ kẻ địch từ bên ngoài mà hãy đề phòng sự chia rẽ từ bên trong. Hãy luôn yêu thương và gắn kết với nhau như nước với sữa thì không sợ kẻ thù nào cả. Nếu chia rẽ, phân biệt nhau như nước với dầu thì sẽ không tránh khỏi tai họa.

Một số thầy trẻ tuổi lúc ấy òa ra khóc lóc thảm thiết, Như Lai nói:

– Các thầy không nên khóc lóc mà nên vui mừng mới đúng. Vì hôm nay, các thầy đã thấu hiểu về chữ Vô Thường. Làm sao có thành mà không có hoại? Làm sao có tụ mà không có tán? Các thầy hãy tu học tinh tấn lên để đạt giải thoát. Lúc đó các thầy sẽ không còn thấy sầu khổ trước sự tan rã của xác thân tứ đại. Tứ đại (đất, nước, lửa, không khí) hợp nhất thì cũng có lúc sẽ phân ly. Các thầy hãy tinh tấn lên để đạt giải thoát!

Đó là câu nói cuối cùng của Đức Phật. Người đã nhập Niết Bàn.

Rừng cây sala đổ hoa xuống như mưa.

(còn nữa)

Photo by Min An from Pexels

 

Related posts

BA CÁI LĂNG NHĂNG TUỔI TRẺ

Đỗ Cao Sang

SƯ ÔNG LÀNG MAI THÍCH NHẤT HẠNH

Đỗ Cao Sang

VIỆT NAM GIÁO DỤC BẠI VONG

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment