Đỗ Cao Sang
SANG DO

QUẢNG TRỊ ĐẤT VÀ NGƯỜI

“Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi…” (Dân ca Bình Trị Thiên)
 
Ngày 01/3/2022, tôi ghé thăm Quảng Trị lần đầu, mảnh đất mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ ngay đến mất mát, đau thương, khỏi lửa, và bom đạn.
 
Ở đây, nếu bạn bốc một nắm đất lên bóp chặt trong lòng bàn tay, rất có thể bạn sẽ bị mảnh kim loại đâm trúng. Vỏ đạn và vỏ bom vụn vỡ theo năm tháng nhưng chưa hề mất hẳn.
 
Theo chị Hòa, một phụ huynh trong hội ELYH kể, mỗi gia đình ở gần Thành Cổ đều có một bàn thờ dành cho những linh hồn trận vong hồi Mậu Thân 1968. Phần bàn thờ ấy để riêng bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Ngày rằm và mồng một nào cũng hương khói chu đáo.
 
Nếu Việt Nam được (ông giời hoặc các đế quốc) chọn là chiến trường trong Chiến tranh Lạnh thì Quảng Trị là tâm điểm chiến tranh Việt Nam.
 
Có những địa danh mà chỉ nhắc tên cũng khiến lòng người nao nao thổn thức, dù người ấy là ở phe nào trong cuộc chiến. Nào là Lao Bảo, Gio Linh, Gio An, Làng Vây, Thành Cổ, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, Cầu Hiền Lương, Khe Sanh, A Sầu, A Lưới, Tà Cơn, Vịnh Mốc, cửa Tùng, cửa Việt…Những cái tên từ lâu nhiều người chỉ nghe trong thơ ca, sách vở.
Như một con hổ ôm trong mình bao thương tích mới lành, người Quảng Trị hoàn toàn có quyền hãnh diện về những vết thương ấy. Không phải vì chiến thắng hay thất bại, chính nghĩa hay phi nghĩa, chỉ cần bị thương và vươn lên khỏi vết hoang tàn cũng đủ để nơi đây góp nên một khúc ca bi tráng.
 
NGÀY VỀ 1
 
Đã qua rồi bóng tối
Vui ngày hội non sông
Mẹ già thay áo mới
Biết bao năm chờ mong.
 
Đã tan hoang đất nước
Tan hoang đời mẹ nghèo
Làng xóm mừng đoàn tụ
Khói bếp lên đìu hiu.
 
Ngày về hoa cờ đỏ
Mừng đất nước yên vui
Nhưng từ nay đời mẹ
Vắng các con thật rồi.
 
“Những đứa con của mẹ
Một thằng theo ông Hồ
Một thằng theo ông Diệm
Chúng coi nhau kẻ thù.
 
Một thằng chết Quảng Trị
Một thằng chết Play-me
Chúng nó chết vội vã
Không sửa soạn được gì.”
 
Mẹ bày mâm cơm giỗ
Xung quanh ghế không người
Giờ không còn nước mắt
Trái tim mẹ mệt nhoài.
 
Ở Quảng Trị, có 2 nghĩa trang đặc biệt là Nghĩa Trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn. Hai nơi này dùng để quy tụ hài cốt chiến sỹ hi sinh trong chiến dịch đường 9 – Nam Lào và trong chiến dịch Khe Sanh.
 
Nói một cách văn vẻ, Quảng Trị chính là đầu não tâm linh người Việt chứ không phải Sài Gòn, Huế hay Hà Nội. Tại sao vậy? Bất cứ tỉnh nào cũng đều có con em nằm lại mảnh đất này. Đấy là tôi không chỉ nói phe Bắc Việt. Phe Nam cộng hòa cũng thế thôi. Dưới thung lũng A Sao, A Lưới thăm thẳm, quanh dốc Gio Linh, dọc đường 9, ngang vực Khe Sanh vất vưởng hàng trăm ngàn linh hồn anh Tư, cậu Sáu, chú Hai, anh Ba, thằng Năm, thằng Út của đồng bào Đàng Trong?
 
Mỗi người đến viếng nghĩa trang sẽ đem về những cảm xúc và ý nghĩ khác nhau. Tâm trạng của tôi đương nhiên khác tâm trạng của một cựu quân nhân đã chiến đấu trên mảnh đất này, cũng khác tâm trạng của bọn con nít mới lớn. Tôi thấy ở 2 nghĩa trang này một vẻ đẹp rợn ngợp và trầm hùng. Giống như hồi tôi đến thăm nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ Arlington ở Washington DC vậy. Tôi không có cảm giác đau thương xót xa rơi lệ. Có lẽ điều ấy dễ thấy ở những cựu binh từng gửi cả tuổi xuân ở chiến trận hoặc người nhà có con em nằm lại nơi này hơn. Chiến tranh đã lùi xa quá so với lứa tuổi chúng tôi. Xa đến mức xương các liệt sỹ bên dưới mồ có lẽ cũng đã vụn thành đất từ lâu.
 
NGÀY VỀ 2
 
Khi tiếng súng yên ắng
Bàn chân anh bước lê
Trên con đường lạnh vắng
Ôi ngày vui trở về.
 
Bà mẹ mù nức nở
Chạy ra nắm áo con
Bao năm trời nhung nhớ
Đôi mắt kia héo mòn.
 
Làng quê nghèo còn đó
Người trai thành Anh hùng
Giờ chống chiếc nạng gỗ
Vẫn dắt trâu ra đồng.
 
Vui sao ngày chiến thắng!
Anh lính về quê nhà
Cha anh không còn nữa
Chỉ còn mẹ mắt loà.
 
Vui sao ngày chiến thắng!
Anh lính về thăm quê
Mộ vợ xưa xanh cỏ
Trăng lạnh cả triền đê.
 
Vui sao về Thành Cổ
Thăm Quảng Trị, Gio Linh
Anh lính bới cây cỏ
Tìm nắm xương bạn mình.
 
Vui về ngày chiến thắng
Sân trường cũ thành ao
Lớp học xưa rêu phủ
Ngày trở về vui sao!
 
Đến Quảng Trị, tôi chỉ có hai đề xuất.
 
1. Các tỉnh nên quan tâm hơn nữa cho người dân vùng này để họ tiếp tục công việc “không nơi nào có”. Đến đây mới biết, mỗi đoàn thể, ban ngành ở Quảng Trị đều nhận chăm sóc một khu vực nghĩa trang nào đó. Ví dụ, đoàn thanh niên trường X thì chăm sóc cho khu vực liệt sỹ Nam Định; cán bộ ngành điện lực tỉnh thì chăm sóc cho khu vực liệt sỹ Thái Nguyên…
 
2. Nên có một nơi tưởng niệm dù nhỏ để chiêu hồn những quân nhân phe Cộng hòa. Làm cho họ một nơi an nghỉ dù chỉ là một góc rừng nho nhỏ. Dân ta từ lâu có truyền thống nghĩa tình, bao dung, nhân ái. Nhưng sao chiến tranh xa quá rồi mà lòng hận thù của phe Bắc Việt vẫn chưa tan? Liệu có phải do giáo dục mà ra?
 
ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
 
Về Vĩnh Linh, Quảng Trị
Nên thăm địa đạo này
Ý chí của người Việt
Phản chiếu chính là đây.
 
Sâu xuống hai mươi mét
Khoảng một cây số vuông
Có địa đạo chằng chịt
Của ý chí kiên cường.
 
Có đủ cả giếng nước
Nhà vệ sinh, hội trường
Có bệnh xá, kho xưởng
Lớp học, như bình thường.
 
Ba tầng địa đạo ấy
Cũng có nhiều vách hầm
Chứa thuốc men, súng đạn
Từ Bắc chuyển vào Nam.
 
Sức chứa lúc đông nhất
Một ngàn hai trăm người!
Có mười bảy cháu bé
Từ lòng đất, chào đời.
 
Chín nghìn tấn bom Mỹ
Đã trút xuống nơi đây
Mảnh đất như huyền thoại
Tôi luyện trong đắng cay.
 
Ở nơi nào trái đất
Chất gan góc dạn dày
Như quê hương Quảng Trị
Khí thép ngút trời mây?
 
Ở nơi nào trái đất?
Có bầu trời xanh lơ
Như màu xanh xứ Quảng
Trong chiều muộn câu hò.
 
(Trích 3000 bài thơ Sử Việt – Sang Đỗ)
…………….
 
SANG ĐỖ – QUẢNG TRỊ T3/2022

Related posts

NGƯỜI CANH CỬA VÀ TỔNG GIÁM ĐỐC

Đỗ Cao Sang

TÁM ĐIỀU VI DIỆU VỀ CHÁNH NIỆM

Đỗ Cao Sang

BÓNG BAY ĐEN

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment