Ở thế kỉ 21, ai thải ra ít rác sẽ được coi là người đạo đức cao chứ không chỉ là thải đúng nơi quy định.
Muốn thải rác ít, hãy giảm mua sắm và nói không với cốc, ống hút và túi nhựa, hạn chế đi xe hơi riêng.
Hãy duy trì lối sống đơn giản vì nó giúp ích cho môi trường 1 thì giúp ích cho bạn 10. Kẻ sống tối giản thì niềm an lạc và trí tuệ rất dễ thăng hoa.
Hạnh phúc được đo bằng chỉ số phụ thuộc của bạn và đồ đạc chứ không phải bao nhiêu đồ bạn có. Phụ thuộc càng ít thì hạnh phúc càng cao.
ÔI HẠNH PHÚC!
An Na Luật và Bạt Đề Ly là đôi bạn thân. An Na Luật là công tử nhà giàu. Bạt Đề Ly là quan tổng trấn chỉ huy quân đội trấn thủ miền Bắc Ấn Độ, tương tự như tư lệnh quân khu bây giờ. Bạt Đề Ly có danh vọng to, quyền lực lớn, tiền tài đương nhiên luôn dư dả. Doanh trại và nhà ở của Bạt Đề Ly luôn có 21 người lính canh gác.
Vậy mà sau khi diện kiến Phật, cả hai đều nhất tâm bỏ tất cả để đi tu học theo Người. Sức cảm hóa của thế tôn thật mãnh liệt làm sao.
Hai người đem theo tư trang và nhiều vàng bạc để làm lộ phí. Họ muốn đi đuổi theo giáo đoàn của Phật đã rời đi trước đó 10 ngày.
Một buổi chiều kia, họ ghé vào quán hớt tóc của một anh thợ trẻ tên là Ưu Bà Ly. Anh chàng này là một người nghèo khổ độc thân, rất nhân hậu và tử tế. An Na Luật và Bạt Đề Ly xin ngủ qua đêm ở tiệm hớt tóc này.
Sáng hôm sau, hai người khách nói với anh chàng cắt tóc:
– Tôi thấy anh bạn cũng tốt tính lắm. Ngày mai chúng tôi đã tới gặp Phật để đi tu hành rồi nên không cần dùng tới mấy bạc vàng châu báu này. Chúng tôi muốn tặng lại cho anh. Hãy xài cẩn thận. Số bạc này, anh cắt tóc ba đời cũng chưa chắc đã làm ra đâu.
Ưu Bà Ly bối rối quá, chỉ biết nhận và cảm ơn. Nhưng hai người khách vừa đi được một quãng thì anh này bừng tỉnh, nghĩ: “Ô hay, người ta đã vứt bỏ bạc vàng để đi theo Phật thì chắc Phật hẳn là rất đáng quý. Sao ta lại nhận cái thứ mà người ta vứt bỏ?”
Thế là Ưu Bà Ly cũng vứt lại gói vàng bạc, tức tốc đuổi theo hai người khách để được cùng đến gặp Phật xin xuất gia. Bạt Đề Ly và An Na Luật vui vẻ cho Ưu Bà Ly đi theo mặc cho anh chàng cắt tóc này thuộc đẳng cấp nghèo hèn, thấp kém nhất trong xã hội. Quý vị nên nhớ, Ấn Độ ngày xưa và cả bây giờ, sự phân biệt giữa người thượng đẳng và kẻ hạ đẳng là xa bằng cả một đại dương.
Gặp Phật, Bạt Đề Ly tâu:
– Xin Thế tôn hãy để Ưu Bà Ly làm lễ xuất gia trước. Chúng con sẽ gọi Ưu Bà Ly là sư huynh. Như thế, tính kiêu mạn và tự tôn của chúng con sẽ được giảm trừ dần dần. Chúng con sẽ học được tính khiêm cung.
Phật khen ngợi và tán thưởng ý kiến này.
Sau này, cả ba người tu học rất tinh tấn và đều đắc quả A La Hán.
Một lần đang ngồi thiền, Bạt Đề Ly kêu lên rất khẽ: Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc! Một người huynh đệ đi qua, nghe thấy vậy liền bẩm tâu lên với Phật.
Sáng hôm sau, Phật triệu tập đại chúng đông đảo rồi hỏi:
– Này thầy Bạt Đề Ly, đêm qua có người nghe tiếng thầy kêu lên ôi hạnh phúc. Có phải thầy tiếc nuối công danh bổng lộc khi xưa? Xin thầy hãy giải thích để mọi người cùng hiểu!
Bạt Đề Ly chắp tay nói:
– Thưa thế tôn! Trước đây con có quyền cao-chức lớn, nhà to-cửa rộng. Vậy mà không đêm nào con được ngủ yên giấc. Có 21 lính gác mà con luôn bất an. Lúc nào con cũng cảm thấy có kẻ ám sát. Lo lắng công việc đến nỗi con không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Lúc bỏ lại tất cả để đi theo thế tôn, con chỉ có tay không và hai bộ quần áo. Nhưng con ngủ rất ngon, đầu óc không vướng bận gì cả nên con luôn mỉm cười khoan khoái cả ngày. Chưa khi nào con cảm thấy hạnh phúc viên mãn như lúc này. Bạch thế tôn, con vui sướng quá nên đêm qua có thốt lên ôi hạnh phúc, ôi hạnh phúc