Đỗ Cao Sang

NƠI TA THUỘC VỀ

Bất cứ ai, dù là bậc giác ngộ hay người phàm phu, đều có một nơi người ấy thuộc về. Nghĩa là người ấy cảm thấy dễ chịu nhất khi sống ở đó. Ở nơi ấy, dù chưa đủ đầy, chưa hẳn tươi đẹp, và chưa hẳn dễ sống nhưng đối với người ấy, vẫn là nơi dễ chịu nhất. Có lẽ vì thế mà dân Quảng Bình Quảng Trị (hai châu Ô – Lý ngày xưa) kiên quyết bám trụ quê hương nghèo khổ, khô cằn và nóng bỏng. Lũ lụt thiên tai khắc nghiệt, nghèo đói và sự mưu sinh cơ cực đến đâu cũng không thể khiến dân ở miền trung từ bỏ quê hương họ. Vì nơi ấy là nơi họ thuộc về.

Cũng như dân Israel, sau 4000 năm phiêu tán, lại trở về Canaan, mảnh đất khô cằn bóng rát, nơi họ đã sinh ra với bao nỗi đau day dứt, sự quyến rũ và niềm nhớ thương mãnh liệt.

Đây là tâm sự của người Israel khi bị Quốc vương Babylon bắt ép di tản khỏi quê hương Zion để định cư về viễn Tây khi dân tộc này bị xâm lược.

BÊN SÔNG BABYLON

Chúng con ngồi im lặng
Bên sông Babylon
Không ngăn được dòng lệ
Nhớ về xứ Zion.

Từ ngày bị đuổi giết
Phải rời đất quê hương
Vì bọn người xấu ác,
Lòng không nguôi nhớ thương.

Chúng con bị cấm hát
Những khúc ca đồng quê
Ở phương trời xa lạ
Biết ngày nao trở về?

Đêm nay ngồi đây khóc
Bên sông Babylon
Xin chúa cha chứng giám
Nỗi lòng của chúng con.

Chúng con ngồi im lặng
Bên sông Babylon
Không ngăn được nước mắt
Nhớ về xứ Zion.

Như con voi già biết mình sắp nằm xuống, chính Thích Ca đã nhằm hướng Ca Tỳ La Vệ để trở về nơi ngài sinh ra trước khi nhập diệt. Rất nhiều trí sỹ của ta lưu vong hải ngoại, cuối đời cũng có ước nguyện như vậy. Gần đây là trường hợp của thầy Thích Nhất Hạnh, một bậc khả kính hòa mình vào thế giới, làm con của vạn nhà, là cha, là ông của hàng triệu Phật tử. Ngài từng nói, với ngài, nơi đâu cũng là nhà, ai cũng là huynh đệ, ngài hiện diện ở mọi nơi và muốn được như vậy. Nhưng chính ngài đã tìm đường về cố thổ để gửi lại nắm xương tàn trước khi về cõi Phật.

Hà Nội không phải thành phố văn minh và sạch đẹp như Singapore, Sydney, Canberra, cũng không giàu có như New York hay Dubai. Nhưng Hà Nội đã trở thành một phần hồn của tôi từ bao giờ. Những tên phố khi được nhắc đến luôn khiến tôi rưng rưng cảm động. Có lẽ tôi đã thuộc về Hà Nội. Dù muốn hay không, đó là một sự thật.

Thật bất hạnh cho những ai không có nơi nào để thuộc về. Người ta gọi là sự vong bản. Mất đi cái gốc của mình và cái nơi mới đến chưa đủ lâu để bắt rễ thì anh ta lại dời đi. Được đi nhiều nơi, di chuyển liên tục, một số người cho đó là hạnh phúc. Tôi thì không cho như vậy. Dù bạn có đi trăm phương, bạn nên có một nơi để nhớ thương. Đó gọi là nơi bạn thuộc về. Bạn phải có một nơi như vậy. Sư tử, hổ, báo, voi, chim, cá, chó, dê, ngựa…đều có chung tâm lý ấy. Trước khi chết, chúng đều cố trườn, bò hoặc lê lết tấm thân tàn về nơi nó sinh ra. Hình như chúng ta, cũng như muông thú, được vũ trụ dạy cho điều này.

Ở miền Bắc Trung Quốc có giống ngựa quý. Người ta bắt nó về Hoa Nam để dùng. Mỗi lần gió bắc thổi, loài ngựa này lại hí vang, tung cao vó trước, nước mắt ướt đầm vì nhớ quê.

Ở xứ Giao Chỉ có loài chim quý cũng bị bắt về Miền Bắc làm cảnh trong vườn ngự uyển của vua Đường. Chúng thường chỉ đậu cành cây nào hướng về phía Nam.

Hôm nay nghe bài hát Ba Mươi Sáu Sợi Phố Hà Nội, nước mắt tôi trào ra. Không biết đây có phải là biểu hiện của tuổi già?

 

Related posts

TÂM KHIÊM TỐN VÀ LỜI KHIÊM TỐN

Đỗ Cao Sang

CƯ XỬ VỚI PHỤ NỮ SAO CHO ĐÚNG?

Đỗ Cao Sang

LINCOLN LÀM LUẬT SƯ

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment