Nhân viên tốt, chăm làm, trung thành, được lòng ông chủ không thể bằng được một nhân viên DŨNG CẢM.
Tại sao vậy?
Nhân viên tốt thường chỉ làm tốt việc của mình và làm hài lòng chủ. Họ hoan hỷ với việc nhặt rau, đi chợ, đón con cho chủ. Và hoàn toàn sống an ổn. Nhưng lãnh đạo nào cũng có lúc quyết định sai. Có sai nhỏ, có sai lớn. Có cái sai làm mất luôn cả cơ nghiệp. Nhân viên dũng cảm sẽ dám vì đại cuộc và tương lai của tập thể mà nói lời trung nghĩa. Anh ta sẵn sàng chịu mất chức, chịu bị đồng đội và chủ xa lánh và ruồng bỏ để nói ra tiếng nói chân thật chứ không phải lợi lộc của bản thân mà té nước theo mưa, nói lời xiểm nịnh. Kẻ không có dũng cảm lớn thì không thể làm được.
Tuy rằng có thể điều anh ta nói chưa hẳn đúng thì người lãnh đạo có tầm cũng phải biết quý trọng loại nhân viên này vì ở đời những kẻ đó thường rất hiếm gặp.
Ngày xưa thời Tam Quốc có ông Vương Lũy treo mình trước cổng thành để khuyên chủ. Chủ ông ta là Lưu Chương, dẫn quân đi đón quân Kinh Châu vào thành yến tiệc mà không biết rằng đang trở hổ về nhà. Trước đó đã có nhiều người khuyên can và bị Lưu Chương bẻ răng, bỏ tù. Vương Lũy đành dùng một dây thừng treo mình dốc ngược đầu trước cổng thành. Nếu khuyên Lưu Chương không được thì sẽ cắt dây tự vẫn.
Có gương khác là ông Điền Phong can chủ là Viên Thiệu không nên xuất quân ra Quan Độ đánh Tào Tháo vì Điền Phong biết trước bại vong. Thiệu không nghe nên đã định chém Điền Phong. Sau có kẻ khuyên can nên chỉ bỏ tù.
Lại có ông Chu Văn An, đời Trần, dâng sớ lên vua Dụ Tông xin chém bảy nịnh thần đang thao túng chính sự quốc gia. Không được chấp thuận nên cụ đã từ quan về Thanh Trì dạy học.
Những bậc ấy thường hiếm hoi. Chỉ có lãnh đạo có tầm, có tâm mới nhìn nhận và dung nạp được họ.