Đỗ Cao Sang

NGUYỄN HUY THIỆP

 Tướng Về Hưu đưa tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp trở thành cây bút số một ở Việt Nam vào những năm đầu Đổi Mới. Ông Thiệp nổi tiếng đến mức làm lu mờ tất cả những tên tuổi khác trên văn đàn ngày đó. Ký giả, văn sỹ nước ngoài hễ đến Việt Nam là hỏi thăm về ông Thiệp. Cứ ý như ở Việt Nam ngày đó, nhà văn, nhà thơ đã chết hết cả rồi, chỉ còn mỗi Nguyễn Huy Thiệp. Cả ngày ông Thiệp bận tiếp khách đến nỗi không còn thời gian ăn ngủ và đi vệ sinh.
Nguyễn Huy Thiệp hay có khuynh hướng tìm tòi sự chân thiện theo một thể tính nguyên sơ, không có sự pha tạp của xã hội. Chẳng hạn, những gì ông coi là chân thiện mỹ thì đa số sống ở rừng rú, không đi học, không va chạm gì đến xã hội mà ta gọi là văn minh. Trái lại, những gì ta cho là đại diện của công lý và tiến bộ (cán bộ nhà nước, công an, bộ đội, quan chức, thương nhân…) đều là tầm thường, đạo đức giả, hoặc quỷ đội lốt người. Theo như ý của ông, một con người chỉ thực sự đẹp đẽ và đáng yêu khi anh ta trở về với thiên nhiên, được sống là mình với những bản năng sẵn có.
Thỉnh thoảng những triết lý nhân sinh mà Nguyễn Huy Thiệp đưa ra đôi khi rất mông lung, chẳng biết ông theo trường phái nào cụ thể. Chính cái lẽ mập mờ bâng quơ ấy khiến văn ông có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Xem Tôn Ngộ Không (1986), hẳn chúng ta còn nhớ tập Bát Giới hỏi vợ. Khi đó bốn vị Bồ Tát nhận thấy tâm tính Trư  Bát Giới còn ham ái dục quá mức nên muốn dạy cho hắn một bài học. Bốn vị liền biến thành một gia đình toàn là nữ giới vô cùng xinh đẹp để gạ gẫm thử lòng bốn thầy trò Đường Tăng. Đường Tam Tạng, Ngộ Không, Ngộ Tĩnh đều nói không với lời mời mọc, duy chỉ có Bát Giới là thích ở lại làm rể. Các cô gái đẹp liền bịt mắt Bát Giới rồi bảo hãy chơi trò Bịt Mắt Bắt Dê. Vồ được ai thì sẽ được lấy người đó làm vợ. Đương nhiên Bát Giới sướng rêm và đồng ý đuổi. Nhưng đuổi cả ngày chẳng túm được ai. Bát Giới mệt phờ. Chưa kịp mở mắt thì đã bị các Bồ Tát làm phép treo lên cây như treo lợn.
Đọc văn Nguyễn Huy Thiệp cũng hơi giống trò bịp mắt bắt tiên nữ. Tiên nữ thì thằng đàn ông nào cũng ham. Khổ nỗi chẳng có ai túm được tiên nữ bao giờ. Nguyễn Huy Thiệp không bịt mắt ai nhưng ông thường tung ra một làn sương khói mờ ảo, mộng mị. Những mệnh đề, những câu nói ông cứ bỏ lửng khiến ai cũng ham khám phá, ai cũng cảm tưởng như mình đang sờ vào điều gì đó rất tuyệt diệu. Nhưng xét kỹ lại thì không túm được gì cả.
Thêm vào đó, Nguyễn Huy Thiệp cũng thường xuyên đặt những thứ đối lập đứng cạnh nhau trong cùng một bầu khí quyển. Cái cao thượng đứng cạnh cái thấp hèn, cái nhân văn đứng cạnh cái vô cảm, cái chân thực đúng cạnh cái giả dối, cái trong sáng đứng cạnh sự nhơ bẩn. Điểm này hơn có vẻ giống văn phong Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, Tội ác và Trừng Phạt của Dostoevsky. Trong một vũng nước lầy cáu bẩn đầy tăm tối lại lóe lên ánh sáng của lòng nhân ái và chân thiện tuyệt vời.
Nguyễn Huy Thiệp dũng cảm sục tung đống bùn lên, đã cáu bẩn thì ông làm cho nó cáu bẩn hơn nữa. Để rồi, nói như cách của ông, từ bùn lầy thoát lên thành bướm và hoa lung linh rực rỡ.
TƯỚNG VỀ HƯU
Tướng Về Hưu kể về trận chiến bại của người lính trong thời bình. Trận chiến mà ông không hiểu đầu cua tài nheo ra sao. Nó cứ rối tinh rối mù đến nỗi ông không tài nào lý giải được. Mưu mô chiếm dụng tài sản công, tranh giành đất đai, ngoại tình, bồ bịch ngay trước mặt nhau, con cầm dao đuổi đánh cha, chồng đốt nhà, rũ bỏ vợ con, người lương thiện hóa thành trộm cắp… Tất cả đều cuốn theo đồng tiền! Sẵn sàng vì tiền mà làm tất cả những thứ vô lương tâm, bỏ quên hết lý do và ý nghĩa của sự sống đích thực.
Ở những năm đầu thập niên 1990, những gì phản ánh trong truyện đúng là một sự thật đau lòng. Kẻ nào nắm tiền bạc có nghĩa là nắm quyền sinh quyền sát trong gia đình và cả ngoài xã hội. Nhân nghĩa, đạo đức trở thành những điều tầm phào, vớ vẩn.
Trong truyện này, Nguyễn Huy Thiệp đưa chi tiết ghê rợn: Con dâu ông Tướng Về Hưu là Thủy, đã thu gom bào thai ở bệnh viện phụ sản về để nuôi cả đàn chó công nghiệp bán lấy thịt. Cái chi tiết này xuất hiện ở đầu phim và cả cuối phim với một ý tứ không hề rõ ràng. Nguyễn Huy Thiệp định đưa ra thông điệp gì? Phản đối sự man rợ của của loài người hay ủng hộ? Hay đơn thuần chỉ là đưa ra một sự thật để mọi người cùng thảo luận? Đấy! Cái mập mờ đó chính là sự hấp dẫn trong cách viết của ông.
Thế là thiên hạ tranh nhau bàn luận: Chó ăn người, người ăn chó. Suy ra vạn vật thế gian này là như nhau. Người mà như chó rồi thì cần gì phải nói chuyện đạo đức? Nguyễn Huy Thiệp thì tuyệt nhiên im lặng. Ông mặc kệ người đời tha hồ bàn luận.
Lạ thay! Với những tội ác dù là kinh tởm nhất của loài người, Nguyễn Huy Thiệp như đứng từ trên cao quan sát với một con mắt không hằn học, căm thù. Có vẻ như ông xem họ còn đáng thương như một lũ bọ hung đang nhung nhúc đùn đẩy trong một đống phân. Phải chăng Nguyễn Huy Thiệp đã thấm nhuần triết lý của Phật pháp và sự phản ảnh trong văn học là kết quả rất tự nhiên?
QUA SÔNG
Một thời người ta bảo Qua Sông là truyện ngắn phản động. Có kẻ còn đòi bắt Nguyễn Huy Thiệp bỏ tù. Truyện rất đơn giản. Tôi đã đọc truyện này cách đây 15 năm nên không nhớ quá chi tiết. Nó kể về một chuyến phà qua sông. Trên phà ấy có đủ hạng người, nhà thơ, nhà kinh doanh, nhà sư, nhà giáo, một đứa bé và cả một tên ăn cướp. Đứa bé nghịch cái bình đồ cổ của một doanh nhân, không may tay nó thọt vào trong cổ bình và không rút ra được. Phà sắp cập bến. Mọi người thi nhau hiến kế sách này mưu mẹo kia nhưng chẳng có cách nào giúp bé em rút tay ra được. Tên cướp điên tiết quá đập choang một cái. Bình quý vỡ tan. Tay em bé lành lặn. Thế là xong chuyện.
Câu chuyện này hàm chứa quá nhiều tầng ý nghĩa. Suy luận thế nào cũng được.
Thứ nhất là đạo lý buông bỏ của nhà Phật. Cái bình tuy quý nhưng phải biết cái gì quý hơn. Sự sống! Đúng vậy, sự sống mới đáng giá. Chỉ vì cái bình mà làm cho kiếp người hao tâm tổn trí thì đập nó đi là đúng. Mà giữ lấy sự sống đôi khi lại chẳng hề khó khăn gì nếu ta biết buông bỏ.
Thứ hai, tương lai của dân tộc (trẻ em) không thể trông chờ vào bọn đạo đức giả và trí thức rởm. Chỉ có thể trông chờ vào những người tử tế, trong sáng, chân thiện dù là ít học (tên cướp).
Thứ ba, có những việc rất đơn giản nhưng loài người chúng ta cố tình làm cho nó phức tạp lên. Chỉ có những ai giữ cốt cách chân thực tự nhiên như hồi vũ trụ sinh ra thì mới có thể hành động đúng đắn. Có lẽ nào sự đúng đắn phải lấy vũ trụ làm chuẩn mực chứ không thể lấy tiêu chuẩn là con người và những thứ con người đang mê đắm?
Quả cũng có lý! Loài người đang say đắm trong dục vọng sai lầm và tư duy sùng bái vật chất đang chiếm thế thượng phong. Đó là con đường vô minh, u tối. Khi một thứ đang sai lạc được đem ra làm chuẩn mực cho chân thiện mỹ thì sai lầm chỉ thêm chồng chất sai lầm.
NHỮNG NGƯỜI THỢ XẺ
Những người thợ xẻ là một câu chuyện cũng gây nên nhiều tranh cãi. Bường là một tên vô lại, rất bỉ ổi và dơ bẩn nhưng thỉnh thoảng hắn phát ra những tuyên bố rất đáng suy nghĩ.
Trên đời có tình yêu thánh thiện đích thức không? Hay chỉ là những toan tính dục vọng và toan tính lợi ích? Quả là một câu hỏi khiến nhiều thế hệ triết gia từng trăn trở. Nguyễn Huy Thiệp cũng không hề đưa ra câu trả lời rõ ràng. Ông cứ để mọi người tự suy luận và tự tìm con đường đi trong một ma trận.
Loài người, bản chất là bầy súc vật chạy theo đam mê dục vọng, bị dục vọng tự nhiên sai khiến HAY loài người thánh thiện, nhân văn và khác súc vật? Câu hỏi ấy cứ treo lơ lửng giữa đời ta.
Loài người đau đáu đi tìm một lẽ sống, một sự minh bạch, một niềm tin suốt hàng chục ngàn năm qua mà không thể có một triết lý nào hoàn toàn thỏa đáng. Xét ra sự lập lờ trong triết lý nhân sinh của Nguyễn Huy Thiệp cũng phản ảnh đúng thực tế sự sống của chúng ta. Ở đời, có cái gì là có thể phận định rõ ràng trắng-đen, phải-trái rành mạch đâu mà đòi nhà văn phải rành mạch trong từng trang viết? Mà rành mạch rồi thì văn còn hấp dẫn nữa không?
 
Gần đây Nguyễn Huy Thiệp không viết nữa. Ông nhận thấy viết cũng chẳng ích gì khi bao nhiêu câu hỏi lớn của cuộc đời còn chưa thể giải đáp. Càng viết chỉ càng thấy mông lung thêm. Một người cầm bút đang ở đỉnh cao vinh quang như thế mà từ bỏ sự viết lách, không tiếp xúc gì với quần chúng nữa thì quả nhiên rất đặc biệt.
Có lẽ ông đang quay về bên trong để quan sát và tu tập. Kẻ nào luôn day dứt về những câu hỏi lớn của kiếp nhân sinh, tâm tư về những sai lạc của loài người thì luôn bị rơi vào cô đơn. Đôi khi còn thấy tuyệt vọng.

Related posts

LƯƠNG TÂM CON TRẺ

Đỗ Cao Sang

CẢM ƠN BỆNH TẬT

Đỗ Cao Sang

TUỔI THƠ CỦA MIKHAIL LOMONOSOV

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment