Đỗ Cao Sang

NGUYỄN CAO KỲ

Đó là một người Sơn Tây ít học hành trường lớp, một mình vào Nam lập nghiệp và thành đạt từ khi tuổi còn rất trẻ. Đó là một phi công đẹp trai, nỗi khát khao của hầu hết nữ sinh Sài Gòn, Đó là kẻ văn võ song toàn, kiểu mẫu đàn ông với bộ ria mép lý tưởng. Đó là Nguyễn Cao Kỳ, người trưởng thành từ thực chiến và cuộc sống, không câu nệ sách vở hàn lâm.

HỎI

Tướng lãnh Sài Gòn có nhiều, tại sao Cao Kỳ lại nổi tiếng như vậy?

ĐÁP

Cao Kỳ nổi tiếng vì nhiều lý do. Thứ nhất, tướng Kỳ rất đẹp trai, biết lái phi cơ ở trình độ điêu luyện. Ngày đó và bây giờ, phi công luôn là niềm khát khao và mơ mộng của nhiều người. Thứ hai, tướng Kỳ có phong cách sống của một hảo hán Lương Sơn Bạc nên binh sỹ rất nể trọng và lan truyền những câu chuyện thú vị về ông ta. Thứ ba, tướng Kỳ không tham nhũng và thẳng tay trừng trị tư bản tham nhũng, nói được làm được. Thứ tư, không kém phần quan trọng, cuộc tình li kì của tướng Kỳ và hoa khôi đẹp nhất Sài Gòn, bà Tuyết Mai, cũng khiến ông ta trở nên nổi tiếng.

HỎI

Tại sao nói ông ta lái phi cơ điêu luyện?

ĐÁP

Hồi trẻ, để tỏ tình với Tuyết Mai, tướng Kỳ đã buộc một banner TÔI YÊU TUYẾT MAI vào càng trực thăng. Banner to lắm. Có lẽ to bằng hai cánh cửa. Tướng Kỳ dùng trực thăng bay đến sát nóc nhà bố vợ tương lai và trụ lại ở trên không trung 20 phút. Nên nhớ, giữ cho trực thăng đứng yên trên không trung là một kỹ năng rất khó. Tim bà Tuyết Mai lập tức tan chảy. Không tan chảy cũng không được.

Lần tiếp theo, một cố vấn Mỹ, hình như là tướng Westmoreland, có ý nói binh lính Sài Gòn hèn và sợ chết. Cao Kỳ nghe thế tức lắm. Ông ta liền mời tên kia đi thị sát biển Đà Nẵng, rồi bay ra biển Quảng Bình. Cao Kỳ tự lái phi cơ. Cứ bay là là sát mặt biển, nước chạm vào càng trực thăng, bắn lên tung tóe. Westmoreland sợ hết hồn, vì như thế, có thể bị ngư lôi Bắc Việt xơi tái bất cứ lúc nào. West giục Kỳ bay lên cao và quay về. Kỳ giả vờ điếc không nghe thấy. West phải phủ phục xuống lạy như tế sao thì Kỳ mới chịu thôi. Khi về Sài Gòn, mặt West xanh như đít nhái. Kỳ nói dõng dạc: Từ nay, ông đừng bao giờ nói người Việt chúng tôi là hèn nhát.

HỎI

Còn phong cách hảo hán nghĩa là sao?

ĐÁP

Một lần đang ngồi trên xe đi công tác, tướng Kỳ phát hiện ra thái độ khác thường của anh tài xế. Tướng Kỳ hỏi lý do tại sao hôm nay cậu ta lại ít nói và có vẻ bất an. Cậu lái xe thú thật là ở quê Cà Mau, vợ đang trở dạ đẻ mà mẹ thì già, không ai chăm sóc nên lo lắng quá. Tướng Kỳ liền cho dừng xe lại và bảo cậu tài xế lấy xe về quê mà thăm nhà, nghỉ phép luôn nửa tháng. Cậu kia hỏi vậy sếp về bằng gì. Kỳ nói tao đi bộ. Câu kia lại kêu khổ vì hết tiền. Kỳ lại móc túi lấy hết tiền đưa cho.

Phong cách đại ca giang hồ như vậy nên binh sỹ rất nể và cảm phúc Cao Kỳ. Lính Sài Gòn có rất nhiều bài hát nhạc chế hát về Cao Kỳ như người ta hát về một huyền thoại vậy. Mãi sau năm 1975, người ta vẫn hát “Nguyễn Cao Kỳ, anh hùng của dân, Nguyễn Cao Kỳ, anh hùng rừng xanh. Tôi đi theo anh. Tôi đi theo anh…”

Khi tướng Kỳ làm phó tổng thống, thủ tướng chính phủ, ông ta đã ký lệnh xử bắn nhà đại tư bản Đài Loan tên là Tạ Vinh ngay giữa chợ Sài Gòn để trị tội đầu cơ tích trữ lúa gạo. Vụ án đó gây rúng động quốc tế vì Tạ Vinh là kẻ có tiền, có thế trong giới tư bản. Giới chính trị luôn phải kiêng nể. Nguyễn Cao Ký đưa ra quyết định xử bắn chứng tỏ Kỳ là kẻ dám làm dám chịu. Một phong cách rất giang hồ và Bao Chửng.

HỎI

Tướng Kỳ có thực sự không tham nhũng không?

ĐÁP

Có trời mới biết. Nhưng theo tôi là không. Tướng Kỳ tuyên bố chưa từng tơ hào một đồng nào của ngân khố, chưa từng nhận hối lộ và làm ăn phi pháp. Và của thật, theo những người biết việc mô tả, tướng Kỳ không có của chìm của nổi. Nhưng có một điểm người ta luôn thắc mắc là, vợ ông Kỳ và vợ ông Thiệu buôn bán gỗ lậu và sừng tê, ngà voi từ Lào, Căm về Việt Nam mà ông Kỳ lại lờ đi. Lúc đó tướng Kỳ đang nắm quyền hành pháp và hoàn toàn làm ngơ trước đường dây buôn lậu đó.

HỎI

Cuối đời, tướng Kỳ định hòa hoãn và làm thân với cộng sản?

ĐÁP

Không phải thế đâu. Bạn xem lại bộ video phỏng vấn tướng Kỳ dài mấy chục tập để hiểu rõ hơn. Lời đồn đại tào lao của thiên hạ thì tin làm gì. Tướng Kỳ thấy việc đánh nhau là không thể nữa rồi. Chỉ còn cách xúc tiến cho Việt Nam nhanh chóng hòa giải và canh tân đổi mới là duy nhất tốt lành. Biểu tình chống đối với bộ cờ vàng ba sọc sẽ không đem lại kết quả gì. Nếu chủ nghĩa cộng sản là sai và tệ thì tự nó diệt vong. Tại sao phải ra tay cho mệt? Nhiệm vụ của con dân Việt là hòa giải và xây dựng quê hương. Không xây được bằng tiền thì bằng lời nói. Đánh nhau bây giờ có ích gì. Chỉ thêm đổ máu vô ích. Mà đánh cũng không thắng được. Tướng Kỳ tuyên bố, ông ta ủng hộ hòa giải dân tộc và sự thịnh vượng cho nhân dân VN nhưng không bao giờ ủng hộ cộng sản. Từ ngày đầu đi lính và cả đến khi chết đều nhất quán một quan điểm.

Rồi cả khái niệm mất nước cũng vậy. Nhiều kẻ cho rằng mất nước sau ngày 30/4 là sai. Tướng Kỳ nói:

Người Việt vẫn đang quản lý người Việt. Đất Việt vẫn thuộc về người Việt. Có mất cho Pháp, Mỹ hay Tàu đâu mà gọi là mất nước. Các anh cứ nói quá lên. Tôi ủng hộ thống nhất đất nước, ủng hộ công cuộc thịnh vượng. Nhưng tôi kiên quyết không bao giờ ủng hộ cộng sản. Đứng giữa HN và SG tôi vẫn trả lời báo chí như vậy.”

Related posts

VỀ VIỆC ĐỌC SÁCH

Đỗ Cao Sang

NHỮNG NGƯỜI TỰ DO

Đỗ Cao Sang

CUỘC SỐNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CĂN BẢN

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment