Đỗ Cao Sang

Người tỉnh thức là người thải ít rác nhất

Chưa khi nào tôi tỉnh thức và nghiêm chỉnh như lúc này khi tuyên bố không bao giờ chia sẻ về kỹ năng, kiến thức bán hàng, tăng doanh số và không bao giờ thúc đẩy tiêu thụ và kích động mua sắm.

Tôi đã tốn nhiều thời gian và tiền bạc tìm hiểu về nghề sale và marketing với ý định chia sẻ lại nhằm ăn tiền. Kết quả rất bất ngờ! Càng đi sâu, tôi càng nhận ra đó chỉ là trò lừa tiền, dụ dỗ núp dưới vỏ bọc tử tế và đạo đức viển vông.

Cách một thời điểm không xa, tôi có ý định làm điều này dù là với chủ trương “bán hàng tỉnh thức, kinh doanh có đạo đức”. Những thuật ngữ ấy, tôi nhận ra, chỉ là để mị dân mà thôi. Đã thúc đẩy mua sắm thì khó mà nói đến điều tử tế.

Đã đến lúc phải nói toẹt rằng: Kích động mua sắm và tiêu dùng là một tội ác của thế kỷ 21!

Đã từ lâu, người ta đinh ninh và tin chắc nên và nhất thiết phải kích cầu, kích mua sắm để thúc đẩy kinh tế đi lên. Ở Mỹ có khẩu hiệu: “Mua sắm nhiều là yêu nước; Những người mua sắm nhiều nhất là những người yêu nước nhất!”

Như lí luận kinh tế cũ, mua sắm nhiều sẽ kích thích dòng tư bản chu chuyển nhanh thêm, thúc đẩy sản xuất tăng trưởng. Nhưng lý thuyết này đã bộc lộ điểm yếu chí mạng trong thời đại hậu công nghiệp, khi mà vấn đề môi trường sống trở thành mối quan tâm số một.

DƯ THỪA VÀ RÁC THẢI

Hãy kiểm đếm trong nhà bạn, sẽ nhận thấy có khoảng 2/3 lượng đồ dùng, quần áo, giày dép…không hề phát huy tác dụng hoặc tác dụng rất ít. Số đồ thừa đó nhanh chóng trở thành rác, xả độc vào tự nhiên. Đáng buồn nữa, để sản xuất số đồ đó, ta cũng đã phải phá hoại tự nhiên ở mức độ nào đó. Như thế nghĩa là, tự nhiên, môi trường thiệt thòi cả khi ta sản xuất và khi ta thải rác. Và theo thống kê ở Mỹ, tổng đồ đạc ta mua về sẽ trở thành rác sau 6 tháng.

KÍCH THÍCH MUA SẮM LÀ TỘI ÁC

Hãy nhìn vào thời trang và Iphone! Bản chất Iphone 4 và Iphone 7 (cách nhau nhiều đời nhưng) không khác nhau bao nhiêu về công năng sử dụng. Nhà sản xuất đã đánh vào thị hiếu thích cái mới và nhu cầu thời trang (sao cho bằng chị bằng em) của người tiêu dùng. Người mua ham hố đỉnh cao mà người bán ham hố tiền bạc. Vậy là quá trình sản xuất cứ diễn ra điên cuồng. Nhịp độ cứ tăng tiến mãi, vòng đua ngày càng khốc liệt. Cuối cùng là môi trường, Đất Mẹ phải trả giá cho chính những đứa con thơ dại của mình.

Đáng ra, người mua chỉ nên mua những thứ thực sự cần thiết, nhà sản xuất cũng nên sản xuất những thứ thực sự cần thiết và khi nào có sự cách mạng lớn về công nghệ.

Người nào có thể đứng ra khởi xướng phong trào này? Nếu khởi xướng, sẽ đạt được cái gì khi mà ngay việc cắt giảm vũ khí hạt nhân và tháo ngòi nổ chiến tranh, loài người còn không đạt được kết quả đáng kể.

Harari (tác giả sách Sapiens) nói:

Cả loài người đổ xô đi làm những điều có vẻ quan trọng nhưng quên làm một thứ quan trọng nhất là tự cứu bản thân mình.

Tuy vậy tôi vẫn tin ở lương tri con người. Tôi tin sự thực tỉnh của nhân loại. Hãy cắt giảm mua sắm thời trang và đồ once-used bằng nhựa. Từ bỏ ống hút và li nhựa. Hãy cứu con bạn và con tôi.

Kích thích tiêu dùng à? Thật nhí nhố! Nếu cần thì người ta sẽ mua. Đói thì mua thức ăn, khát thì mua đồ uống, rét thì mua đồ mặc. Kích thích và dụ dỗ để làm gì nếu không phải là tìm cách đổ đầy túi tiền của mình bằng những mưu mẹo và thủ thuật? Chính nghĩa và đạo đức ở đâu?

Theo tôi, hãy nên đẩy mạnh đầu tư và bán hàng nếu thứ bạn cung cấp có thể:

1. Làm sạch và vô hại với môi trường.
2. Làm người ta bớt tham lam, sống chậm lại, nhân ái và chân thật hơn.

Nếu văn minh được hiểu là vơ vét, giành giật tiền từ túi người này bỏ vào túi người kia một cách điệu nghệ và tinh tế thì văn minh ấy còn thua loài chó lợn. Vì chó lợn chỉ kiếm đủ ăn, không hủy diệt môi trường sống và nòi giống của chúng. Chúng còn hơn hẳn loài ta ở đức tính thật thà.

 

Related posts

TƯƠNG LAI NHẬT BẢN VÀ LÝ QUANG DIỆU

Đỗ Cao Sang

SANG ĐỖ DẠY CON TRAI – P7

Đỗ Cao Sang

PHỤ NỮ VÀ ĐỨC PHẬT

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment