Đỗ Cao Sang

MỘT TƯ DUY GIÁO DỤC HOÀN TOÀN MỚI

Sau đây là quan điểm của tôi về giáo dục thời đại bùng nổ công nghệ và máy móc, thời đại mà trí thông minh nhân tạo (AI) bắt đầu thay thế dần trí thông minh con người. Kính mong quý vị phụ huynh đọc và nghiên cứu một cách nghiêm túc.
 
1. Thời đại AI (trí thông minh nhân tạo – Artificial Intelligence) có nghĩa là sự sản xuất tự động hóa (automatization) sẽ chiếm dần đi một số phần công việc thiên về chính xác và logic như trong ngành kế toán, ngân hàng, cơ khí, sản xuất dây chuyền… Nói “một số phần công việc” vì không phải lĩnh vực nào robot và AI cũng có thể thay thế được con người. Ví dụ như trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lí nhân sự, robot chỉ là công trợ phụ trợ tương đối. Lãnh đạo quản lí có tính truyền cảm hứng và am hiểu tâm lý, khoản này thì robot không thể làm nổi. Dù trăm năm, nghìn năm nữa cũng không thay thế nổi con người.
 
2. Còn nói đến văn học, nghệ thuật, văn hóa, thẩm mỹ, những lĩnh vực liên quan quá nhiều đến cảm xúc thì robot chắc chắn bó tay. Suy ra, ngành phiên dịch cũng không bao giờ bị mất việc hẳn, đặc biệt như dịch tiểu thuyết, thơ ca, sách truyền cảm hứng. Sẽ không có máy dịch nào làm tốt được như con người, dù một tỉ năm nữa.
 
3. Các phụ huynh, các thầy cô, các học sinh hiện nay đang làm gì?
Tôi thấy người ta đổ xô đi học robot và STEM gì đó rất ồn ào. Hình như có gì hơi sai sai. Tại sao tôi nói vậy?
Bạn không thể học robot và STEM để đấu lại được với trí thông minh nhân tạo. Dù bạn dùng cả đời, bạn cũng không thể dùng trí thông minh thông thường của mình để đấu lại được máy móc. Một máy tính cho phép trong một giây, một phần mềm cờ vua có thể tính được hai tỷ nước đi. Con người dù thông minh cỡ nào cũng đấu không lại máy. Đó là tuyên bố của kiện tướng cờ vua thế giới năm 1995, sau khi ông ta đấu thử với một cỗ máy tính đời cổ lỗ sĩ (tính đến thời điểm này.)
Vậy ta học STEM và cho trẻ chơi với robot để làm gì? Nếu để điều khiển robot thì xin thưa, một bà lão bán trà đá cũng có thể dùng iphone nhoay nhoáy sau vài lời chỉ dẫn. Nghĩa là robot không cần mất nhiều thời gian để sử dụng. Cứ ngẫm như tôi mà ra, không hề có ai dạy dùng máy tính, mò mẫm 2 tháng mà cũng biết dùng tương đối giỏi những thao tác căn bản.
Vậy là ta cho con đi học STEM và robot để sản xuất robot ư? Đây là công việc không hề dành cho đám đông! Sản xuất ra robot là công việc của những nhà chuyên môn. Con cái chúng ta, nếu yêu thích và giỏi về máy móc thì cho đi theo nghề đó. Nếu không thích và không giỏi thì tại sao phải đâm đầu vào mấy cỗ máy vô hồn ấy từ bé tí?
 
VẬY TA NÊN LÀM GÌ?
 
Hãy cho con học các ngành nghệ thuật, cảm xúc (thiết kế, mỹ thuật, làm đẹp, văn thơ, âm nhạc, kể chuyện, diễn thuyết, ngoại ngữ…). Dù giỏi dù kém thì cũng nên phải học vì đó là lợi thế duy nhất của chúng ta khi đối diện với thời đại của máy móc. Đó là những lĩnh vực mà robot hoàn toàn bất lực.
Tại sao con hổ lại thi bơi với con cá heo? Tại sao con khỉ thi chạy với con ngựa vằn? Chúng ta đang đem cái sở đoản của mình (thông minh logic) để đấu với máy móc. Thật là một bài tính ngu ngốc. Sao không đem cái sở trường (trí thông minh cảm xúc – emotional intelligence) mà đấu với máy móc?
 
Hãy đọc cuốn MỘT TƯ DUY HOÀN TOÀN MỚI để thêm thông tin nhé. Bạn sẽ hiểu ý kiến của tôi nêu trên không phải là suy luận tào lao.

Related posts

MẸ HỒ ĐIỆP VÀ ĐỖ NHẬT NAM

Đỗ Cao Sang

MỜI CÁC BẠN THAM GIA NGÀY SÁCH HÀ NỘI 2022

Đỗ Cao Sang

DANH NHÂN

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment