Đỗ Cao Sang

LỢI ÍCH CỦA VIỆC HỌC TIẾNG ANH

Khi tôi bàn về lợi ích của việc học Anh văn, nhiều bạn sẽ bĩu môi mà nghĩ “đề tài xưa như diễm”. Thực tế khi nói về vấn đề này, không phải ai cũng có cách hiểu giống nhau. Ngẫm lại hơn 20 năm qua, tiếng Anh thực sự đã và đang cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị.
Biết thêm ngôn ngữ gì cũng mang lại lợi ích lớn. Chẳng hạn, nếu bạn giỏi tiếng Ê-đê, tiếng Lào và gặp đúng cơ hội, bạn vẫn có thể đạt mức thu nhập khủng khiếp khiến chính bạn phải bổ ngửa. Tuy nhiên, tiếng Anh có tính phổ biến và thông dụng quá cao, việc biết tiếng Anh đã trở thành điều kiện không thể thiếu để cạnh tranh trong cuộc sinh tồn và để thực hiện những cao vọng khác.
TỪ LỢI ÍCH XÔI THỊT
Phần đa số người ta học tiếng Anh là nhằm vào mục đích xôi thịt. Nghĩa là học Anh văn để kiếm việc ngon, nâng lương, thăng chức, gọi chung là để “cá kiếm”. Cái đấy là chính đáng và chẳng có gì xấu.
Bàn về lợi ích này, ta hãy tưởng tượng một anh tài xế không biết tiếng Anh và điều gì xảy ra nếu anh ta giỏi tiếng Anh, dù chữ “giỏi” ở đây chỉ là đàm thoại sơ đẳng? Tôi tin rằng anh ta sẽ nâng giá trị lao động của mình lên 10 lần. Vì khi ấy, người mua sức lao động của anh ta sẽ là Anh, Mỹ, Úc và các nhà tuyển dụng quốc tế. Tương tự thế, một cô lao công cắt cỏ, một bà Osin biết tiếng Anh để làm cho chủ ngoại quốc sẽ nâng thu nhập lên tối thiểu hàng chục lần. Đối tượng khác như tiếp viên hàng không, giáo viên, kỹ sư, bác sỹ, diễn viên cũng tương tự như thế. Tôi nghe nói, tiếp viên hàng không của hãng Emirates được trả lương cực khủng (10 ngàn USD/tháng) nhưng họ phải nói tiếng Anh cực giỏi hoặc biết chừng 3 ngôn ngữ thông thạo.
Tại sao Ấn Độ thoát nghèo và trở thành một nước phát triển mới? Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ chốt vẫn do dân Ấn biết nói tiếng Anh. Ấn Độ có một đội ngũ nhân công chất lượng cao, giá rẻ trong lĩnh vực điện tử, máy tính để bán lao động cho Mỹ và Tây Âu. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ trở thành vô vị nếu nguồn nhân công ấy không thể giao tiếp bằng Anh ngữ.
Xét về chuyên môn ngành engineering, điện tử và xây dựng, nhân công Việt Nam cũng không hề tệ. Khoan cắt bê tông, đào đường, hầm mỏ, điều dưỡng y tế, làm nhà, đập bể phốt vốn là sở trường của dân Việt mà người Âu Tây, Mỹ, Úc luôn ngưỡng mộ và muốn thuê mướn. Tuy nhiên, chỉ vì thiếu tiếng Anh nên ta không xuất khẩu được lực lượng lao động tài hoa và tay nghề cao này.
Ấn Độ không phải là ví dụ duy nhất. Quốc gia đổi đời và trỗi lên rực rỡ nhờ tiếng Anh phải nói đến Singapore. Số phận một quốc gia cũng như số phận mỗi cá nhân vậy. Ban đầu, Singapore là một hòn đảo đầy đói nghèo, tội ác, và bệnh tật. Ở đó cái gì cũng thiếu, thậm chí cả nước ngọt cũng phải mua với giá cắt cổ. Những thứ lúc đó Singapore luôn dư thừa là dân gái điếm, dân ma túy, dân cờ bạc, dân buôn lậu, và hải tặc. Lý Quang Diệu viết trong hồi ký: “Trong đời, tôi đưa ra nhiều quyết định quan trọng với bản thân và với đất nước. Nhưng quyết định vĩ đại và sáng suốt nhất đời tôi là lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức của Singapore”. Việc này, chẳng những giảm bớt mâu thuẫn sắc tộc giữa các nhóm dân cư mà còn giúp Singapore mở cửa ngó ra thế giới, đón nguồn tri thức, vốn đầu tư và ánh sáng trí tuệ của nhân loại.
Có người lại hỏi, tại sao nhiều bạn giỏi tiếng Anh mà thu nhập vẫn không cao? Đó là vì họ chưa thực sự giỏi đủ. Có thể còn cân nhắc các giá trị khác ngoài thu nhập. Chẳng hạn như tôi, nếu chịu khó đi làm thuê cho các ông chủ lớn, hoặc đơn giản là rửa bát, chăm cây cảnh, quản gia cho Tây thì thu nhập sẽ ổn định hơn làm giáo viên. Nhưng làm công tác giáo dục và viết văn là sở thích của tôi. Khi đọc sách và chia sẻ kiến thức, tôi nhận được nhiều giá trị và niềm vui to lớn khác ngoài thu nhập.
ĐẾN CHUYỂN HÓA MỤC TIÊU
Với một số cá nhân, khi học Anh văn để mưu sinh, mưu lợi, họ đã chuyển hóa được nhân cách và mục tiêu xôi thịt ban đầu. Giống như trường hợp một cô gái lên chùa tu chỉ vì thích sư thầy đẹp trai. Nhưng tu lâu quá, nghe kinh và nghe pháp quá nhiều nên tâm hồn được chuyển hóa, lập tức cô ta biến thành Phật tử thuần thành, đắc quả Tu Đà Hoàn, lòng đam mê sư thầy biến mất. Nhiều người học tiếng Anh chỉ vì mong tăng thu nhập, về nhà mua cái xe, mảnh đất hoặc cưới vợ. Không ngờ càng học, càng phát hiện ra nhiều thứ vi diệu của tri thức và sự hiểu biết. Họ chuyển sang học chỉ vì ham học, học chỉ để thỏa mãn nhu cầu được học. Rồi cứ thế, họ biến thành triết gia, nhà văn, thậm chí danh nhân.
XÂY DỰNG VĂN HÓA
Văn hóa là gì? Có hàng tỷ định nghĩa khác nhau nhưng văn hóa là thứ không thể truyền đạt và tóm tắt. Những thứ ta đọc và xem được là tri thức, data chứ không phải văn hóa.
Văn hóa cũng không thể mua bán mà có được. Ví dụ, một đại gia nghìn tỷ không thể bỏ tiền để mua lấy cái hay cái thú của một bộ phim, một bức tranh, một bản nhạc. Hẳn nhiên, anh ta mua được phần thô của nó, nghĩa là mua được bức tranh, mua được bài hát, mua được bộ phim. Nhưng cái văn hóa tinh hoa vi diệu bên trong đó thì anh ta không thể mua được.
Vậy làm sao để cảm được cái hay của phim, tranh, nhạc và cảm được cái tuyệt vời của vũ trụ vạn vật? Bạn phải học thật nhiều rồi lại thoát khỏi chúng. Học đến chừng nào kiến thức ngấm vào máu bạn, hóa thành một thực tế không tách rời. Chừng nào bạn trở lại hồn nhiên như một đứa trẻ, ngây thơ và trong sáng. Lúc ấy là bạn đạt đến sự thần hóa cái sự học được. Học mà để dính mắc, tham đắm, si mê vào các lí luận và nguyên tắc sách vở là cái học chưa đến tầm.
 
Hãy học tiếng Anh và những thứ mà tiếng Anh đưa bạn đến. Rồi bạn sẽ cảm được điều kỳ diệu của cuộc đời, chỉ bạn cảm được mà thôi.
Sang Đỗ viết và Thu Nguyễn chỉnh sửa 2020  

Related posts

PHÁT HIỆN MỚI CỦA GIỚI SƯ PHẠM MỸ ÚC

Đỗ Cao Sang

GIỚI THIỆU BỘ THẺ BÀI TIẾNG ANH ĐẶC BIỆT

Đỗ Cao Sang

CHÍNH THỨC RA MẮT ENGLISH LIGHTS YOUR HOME (ELYH) – MỘT PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG ANH HOÀN TOÀN MỚI

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment