Đỗ Cao Sang

LỜI HỨA CỦA DÂN KINH DOANH GIÁO DỤC

Trong các chương trình đào tạo, hoặc bước chân vào một cổng trường, cổng trung tâm giáo dục, người ta thường có lời hứa. Ví dụ như, theo chương trình này, sau một thời gian học X, học viên sẽ đạt trung bình kết quả là Y.

Thực ra, nhìn kỹ mới biết đây là một trò chơi ngụy biện mà rất ít người nhận ra. Hình thành kiến thức, sự phát triển tâm thức không giống như chạy ra chợ xòe tiền mua mớ rau, miếng thịt.

Tôi được biết cả Phật và chúa Jesus đều không đưa ra lời hứa nào khi có một đệ tử mới ra nhập giáo đoàn.

Rất đơn giản là:

Thứ nhất, mỗi cá thể có một ngưỡng tiến hóa tâm thức khác nhau trước khi về với giáo đoàn. Người cảnh giới đang cao thì giáo hóa dễ, cảnh giới thấp thì giáo hóa khó. Kết quả giáo hóa, vì thế không thể hứa được.

Thứ hai, ngộ tính của mỗi cá nhân khác nhau. Cho dù xuất phát điểm như nhau thì ngộ tính chênh lệch không cho phép cho ra hai kết quả giống nhau trong cùng một thời gian tu luyện.

Thứ ba, sự chuyên cần, ham học hỏi, cầu tiến bộ của mỗi cá nhân cũng khác nhau.

Phật nói: Giáo pháp của ta như mưa sa xuống đất. Mưa trải khắp thế gian nhưng ở mỗi nơi lại mọc lên những cây cối khác nhau. Có cây cao, có cây thấp. Có cây ra trái lành, có cây ra trái đắng. Nhiều cây không ra trái. Nhiều nơi còn không lên nổi thân cây. Sở dĩ có như vậy là do các nhân duyên hội đủ hoặc chưa hội đủ.

Các thầy nhập giáo đoàn nhưng ta KHÔNG THỂ HỨA HẸN ĐIỀU GÌ CẢ. Và các thầy sau này cũng đừng nên hứa với ai.

Quay lại vấn đề giáo dục hiện nay, tại sao người ta lại hứa chuẩn đầu ra?

Thứ nhất, vì họ coi giáo dục là một công nghệ, một môn khoa học. Đã là công nghệ khoa học thì phải có số liệu định lượng. Sống trong tổ chức buộc lòng phải đưa ra các con số. Chỉ có con số mới có thể đem ra nói chuyện với nhau trên giấy tờ.

Thứ hai, đây là trò chơi marketing gây ảo giác. Chẳng hạn những câu như: Sau ba tháng, bạn có thể xyz rất tốt, sau 2 năm bạn sẽ xyz… sẽ làm mủi lòng người nghe, nhất là những bộ não lười suy nghĩ. Họ xuất tiền ra rất nhanh.

Đừng tưởng làm giáo dục là không cần và không có ma giáo. Đơn giản vì quần chúng luôn say sưa và thích thú ma giáo. Các nhà giáo hãy cưỡi lên ngọn sóng ma giáo mà đi về bờ bên kia của tỉnh thức!

____

Ngày xưa đại đức Phú Lâu Na đi đến một hòn đảo hoang dại để làm giáo dục.

Thích Ca hỏi: Tôi nghe dân ở đó rất ngỗ ngược và dã man, họ không nghe thầy giảng thì sao? Phú Lâu Na nói: Con vẫn cố gắng hết sức. Không chuyển hóa tất cả thì cũng chuyển hóa được vài người. Không được vài người cũng sẽ có thể được một người. Không được người nào thì con cũng vui vẻ vì đã làm hết sức mình.

Thích Ca lại hỏi: Nếu họ mắng thầy thì sao? Phú Lâu Na cười: Không sao cả. Họ chưa đánh con là được. Thích Ca nói: Nếu họ đánh thầy thì sao? Phú Lâu Na nói: Không sao cả. Chắc họ chưa đánh chết con đâu. Thích Ca nói: Nếu họ đánh chết thầy thì sao? Phú Lâu Na cung kính chắp tay thưa: Nếu phải chết vì một điều chân chính và cao cả, con nguyện xin chết ạ.

Thích Ca quay lại nói với các đệ tử:

Muốn làm thầy giỏi thì nên học theo đức hạnh kiên nhẫn và từ bi của Phú Lâu Na. Ta hỏi để đại chúng được nghe, chứ ta biết đức hạnh của thầy ấy từ lâu rồi.

Thầy tốt là người thầy hứa như thế, chứ không phải là hứa chuẩn đầu ra, hứa sau X tháng thì IELTS mấy chấm.

 SÁU LỜI HỨA CỦA TÔI:

1. Luôn cư xử ôn hòa và công bằng với tất cả, dù là xấu hay đẹp, dù rất thông minh hay chưa thông minh, dù bạo dạn hay nhút nhát, dù ngoan ngoãn hay ngỗ nghịch.

2. Không giấu giếm kiến thức và cẩm nang, bí quyết gì cho riêng mình hay cho riêng học trò nào.

3. Luôn lựa theo ngưỡng tiến hóa và tính cách của từng học trò mà đưa ra cách dạy phù hợp.

4. Luôn để học trò có cơ hội sáng tạo, phản biện công tâm và thẳng thắn.

5. Luôn học tập liên tục cả về tri thức và đạo đức để xứng đáng làm thầy.

6. Luôn hết lòng vào công việc, không dám lơ là và coi nhẹ việc dạy học bất kể giây phút nào.

Related posts

GIỎI NGOẠI NGỮ

Đỗ Cao Sang

CÔ DÂU CHÍN TUỔI – P18

Đỗ Cao Sang

CÔ DÂU CHÍN TUỔI – P17

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment