Đỗ Cao Sang

HỌC TỪ VỰNG

Trong bài “5 sai lầm cơ bản khi mới học tiếng Anh” tôi đã phân tích tại sao từ vựng là yếu tố then chốt tạo nên ngôn ngữ. Do vậy, để học và sử dụng được một ngôn ngữ thành thạo bạn cần phải biết càng nhiều từ vựng càng tốt.

Với từ khóa “cách học tiếng anh” trên Google, bạn có thể tìm thấy rất nhiều phương pháp học đa dạng phong phú. Mỗi phương pháp lại có ưu điểm khác nhau. Vậy giữa rừng phương pháp như vậy, chúng ta nên đi theo hướng nào?

Câu trả lời đơn giản là: Chúng ta nên chọn phương pháp nào phù hợp với mình. Vì, bộ não của mỗi người có thiên hướng trí nhớ khác nhau. Có người thiên về hình ảnh, màu sắc, có người thiên về âm thanh, có người thiên về cần cù chăm chỉ hoặc có những người đặc biệt chỉ cần mở ra đọc thôi đã thuộc được, nhớ được.

Đầu tiên, khi học từ vựng phải tập trung vào 5 phương diện như tôi đã phân tích ở bài “5 sai lầm cơ bản khi mới học tiếng Anh”: chính tả, phát âm, loại từ, nghĩa và cách dịch, cụm đi kèm phổ biến (collocation).

Thứ hai, khi học từ vựng nên học mọi lúc, mọi nơi, mọi nguồn. Muốn vậy, bạn luôn phải nghĩ “mình là người học tiếng Anh” thì đi đâu bạn cũng tìm thấy thứ để học: mẩu báo, tờ hướng dẫn sử dụng, vỏ sản phẩm… nên ghi lại, chụp lại để về tra từ và học. Như vậy bạn sẽ nhớ rất lâu vì những từ đó gắn với thực tế cuộc sống. Thêm nữa, não bộ sẽ nhớ nhanh, nhớ lâu những gì từ trải nghiệm thực tế hơn là chỉ ngồi đọc từ giáo trình. Ngoài ra, tiếng Anh cũng ở khắp mọi nơi: phim ảnh, youtube, các kênh VOA, CNN, BBC… là nguồn tài nguyên cho bạn học mọi lúc mọi nơi. Đừng giới hạn khả năng học của bản thân vào giáo trình và thời gian trên lớp. Tư duy như vậy là rất hạn hẹp!

Thứ ba, công cụ đắc lực giúp bạn có thể học mọi lúc là những tấm thẻ từ. Thẻ từ là một tấm bìa cứng, cỡ chỉ bằng cỡ quân bài tú lơ khơ. Ô trung tâm ghi từ cần học và đánh dấu trọng âm và từ loại gì (danh từ – n, tính từ – a, động từ – v,… ), xung quanh ghi các từ liên quan và từ phái sinh của từ gốc đó. Nên sử dụng bút dạ, chữ to, gạch chân trọng âm, ghi phiên âm nếu như bạn chưa rõ cách đọc. Quan trọng nhất vẫn là cụm từ đi kèm phổ biến (collocations).

Ví dụ: với từ SUCCESS (n) bạn có thể ghi một số từ liên quan và từ phái sinh như sau:

  • từ đồng nghĩa (n): triumph / victory
  • từ trái nghĩa (n): failure
  • tính từ (a): successful – unsuccessful, successful businessman
  • động từ (v): to succeed in doing something

+ từ trái nghĩa với succeed: fail to do something

+ từ đồng nghĩa với succeed: prevail

Mỗi ngày hãy mang theo 10-15 thẻ từ, bạn có thể học mọi lúc mọi nơi, tận dụng thời gian rảnh. Hôm sau lại chuẩn bị 10-15 thẻ khác mang theo học rất tiện lợi. Thậm chí có thể cùng học với bạn bè như một trò chơi đố từ cũng rất hay.

Lưu ý: Không nên mua thẻ từ có bán sẵn hiện nay. Những bộ thẻ dạng 3000 từ của giáo trình TOEFL hay TOEIC, IELTS …không kích hoạt được năng lực trí nhớ. Các thẻ đó không có bài tập kích thích não bộ hoạt động. Thẻ từ phải do các bạn tự lập ra. Hoặc khi cầm thẻ, não bạn phải tư duy mới có tác dụng củng cố trí nhớ. Chúng tôi đã sản xuất một loại thẻ như vậy để bán cho các bạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến khích quý vị tự làm. Hãy đọc bài HỌC TỪ VỰNG QUA THẺ CỦA SANG ĐỖ để tìm hiểu thêm.

 

Thứ tư, nguồn từ vựng nên phong phú từ sách, báo, truyện, phim… không chỉ bó buộc trong phạm vi giáo trình sẽ dẫn tới sự hạn hẹp vốn từ.

Nguồn nào để tự học tiếng Anh hoàn hảo nhất? Theo tôi, nguồn học tiếng Anh qua phim và báo chí thời sự là hoàn hảo nhất.

Cách học về cơ bản như sau: Chọn bộ phim thuộc thể loại bạn yêu thích có phụ đề tiếng Anh. Lần thứ nhất xem nên đoán nghĩa, tra từ mới. Sau đó xem mỗi 10 phút phim/ lần, xem đi xem lại, học thuộc ngữ âm, lồng tiếng. Làm đi làm lại cho tới kết quả cuối cùng là khi tắt hết phụ đề bạn vẫn có thể nghe, hiểu được lời thoại. Đỉnh cao hơn là khi tắt phụ đề, tắt tiếng mà bạn vẫn biết nhân vật đang nói gì.  

Tôi sẽ hướng dẫn cách HỌC ANH VĂN QUA PHIM VÀ BÀI HÁT ở một bài viết tiếp sau cùng danh sách những bộ phim kinh điển nên sử dụng để học.

Thứ năm, các bạn nên tìm đọc cuốn “Tôi tài giỏi bạn cũng thế” của Adam Khoo. Trong đó hãy đọc nội dung viết về cách nhớ từ vựng siêu tốc và sơ đồ tư duy của tác giả Tony Buzan. Cách ghi thẻ từ như tôi nhắc đến tại mục thứ ba cũng là một loại sơ đồ tư duy như vậy.

Chúng ta, ai cũng có thiên hướng não bộ khác nhau nên cần phải chọn cách thức tiếp cận nào phù hợp nhất đối với mình thì áp dụng. Phù hợp là khi mình cảm thấy thoải mái nhất, hiệu quả nhất. Không có phương pháp nào là đúng cho tất cả mọi đối tượng. Phương thức chỉ là phương tiện, công cụ đưa bạn “qua sông”. Quan trọng và quyết định là ở tinh thần, sự nỗ lực, kiên trì tự học mỗi ngày của bạn!

 

TÓM TẮT

  1. Từ vựng là vấn đề then chốt.
  2. Học mọi nơi mọi lúc mọi chỗ mọi nguồn.
  3. Ghi từ vựng theo sơ đồ.
  4. Học từ vựng qua nhiều nguồn.
  5. Tập trung và nghiêm túc là chìa khóa của trí nhớ từ vựng.

 

Related posts

ĐAU NAM CHỮA BẮC – NGHỆ THUẬT HỌC ANH VĂN KINH ĐIỂN

Đỗ Cao Sang

CHIA SẺ CỦA MỘT PHỤ HUYNH SAU BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN BỘ THẺ “TIẾNG ANH VÀ CÁC CÔNG TRÌNH VĨ ĐẠI THẾ GIỚI”.

Đỗ Cao Sang

ELYH ƯU ĐÃI LỚN MỪNG NĂM MỚI 2022 – ĐÔI DÒNG TÂM SỰ

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment