Đỗ Cao Sang

HAI TRƯỜNG PHÁI GIÁO DỤC

Câu chuyện 1:

Hồi ở Mỹ tôi có học một giáo sư tên là Sotroph. Ông này am hiểu nhiều lĩnh vực. Từ hội họa, âm nhạc, ngôn ngữ, văn học đến sinh học, vật lý và hóa học. Quan điểm của ông về giáo dục đáng để chúng ta lưu tâm, tham khảo.

Ông bắt đầu chủ đề bằng từ Awesome.

Ông nói, từ awesome vốn để chỉ những cái gì đó đẹp rùng rợn và gây cảm giác hơi sợ hãi. Có thể dịch ra tiếng Việt là ĐẸP RÙNG RỢN. Khi tả một thác nước lớn, một vách đá cheo leo ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) hoặc vẻ đẹp kỳ quái của hang động Sơn Đòong, dãy Grand Canyon của Mỹ thì ta dùng từ awesome là cực chuẩn.

Tuy nhiên, giới trẻ bây giờ luôn awesome khắp nơi. Bộ phim hay cũng awesome. Quần áo đẹp cũng awesome. Cô gái xinh cũng là awesome. Bát phở ngon cũng awesome. Ông Sotroph không hài lòng vì điều này. Ông nói, đó là cách dùng từ dễ dãi và cẩu thả. Nó vô tình giết chết khả năng ngôn ngữ của chính mình và của xã hội.

Ông nói thêm, ông kiên quyết phải đối dạy tiếng lóng và những cách diễn đạt mới đầy cẩu thả và quen tai của đám choai choai. Ở nhà trường, theo ông, chỉ nên dạy những chuẩn mực, những giá trị chân chính và đúng đắn được khoa học và lịch sử thừa nhận. Nói cách khác, chỉ nên dạy về cái CHÂN THIỆN MỸ.

Một anh bạn người Ba Lan hỏi: Nhưng cuộc sống muôn màu. Muốn giảng đường gần với sự sống và giúp trẻ thích ứng nhanh với sự sống thì tại sao không đưa cuộc sống vào giảng đường?

Mr. Sotroph nói:

Sinh viên có thể học tiếng Anh cặn bã và cứt chó ở xe bus, ở chợ. Đâu nhất thiết phải vào nhà trường để học mấy tiếng lóng và lối dùng từ nhí nhố. Nói cách khác, ngoài đời đầy rác rưởi. Nếu thích rác thì có thể ra đường hít thở và kiếm rác rất dễ. Đâu cần thiết phải bê rác từ cuộc sống vào giảng đường?

Nghe ra cũng có lý.

 

Câu chuyện 2:

Tôi có quen một ông chú vui tính ở Hà Nội. Ông này có cô con gái sinh năm 1990, rất xinh. Hôm chia tay tôi đi Úc 2012, nó ôm tôi đến nghẹt thở nhưng xin kể vụ ấy vào dịp khác.

Ông ta dạy con gái đủ trò. Từ uống rượu đến cách lên giường với trai. Làm thế nào để tránh thai, để tránh bệnh. Làm thế nào uống rượu không say. Ăn mặc thế nào là sexy đúng lúc, đúng cách.

Tôi thấy lạ quá hỏi tại sao chú lại dạy con gái như thế. Ông ta nói: Các cụ thường rủa tôi tại sao vẽ đường cho hươu chạy. Tôi nghĩ rằng bản chất con hươu luôn ham chạy. Mai đây hươu chạy khắp rừng, không có hươu mẹ đi theo. Tôi thà vẽ đường cho nó chạy còn hơn là để nó ngây ngô ú ớ chạy vào hang cọp hoặc lao đầu xuống vực.

Đưa cho con cái và học sinh toàn thứ tử tế và đẹp đẽ cũng không hẳn là hay. Tôi gật gù. Ngẫm ra lý luận của lão này cũng có lý.

Vậy thì, có nên hay không nên khi ta chỉ dạy con cháu về Trần Hưng Đạo, Gandhi, Lincoln mà không dạy về bọn vô lại, hèn nhát và tiểu nhân?

Có nên không khi ta chỉ bán và bày sách giới định tuệ của các bậc khả kính mà không có sách minh họa về tham sân si như Thủy Hử, Tam Quốc, các mưu hèn kế bẩn của lịch sử thế giới?

Ý KIẾN CÁ NHÂN

Theo tôi, nên cho trẻ tiếp xúc mọi thứ nhưng người thầy hay trung tâm giáo dục phải định hướng các cháu đến sự phù hợp. Vậy thì định hướng đến sự HỢP là then chốt của vấn đề chứ không phải ta bán sách gì và chủng loại nào.

Cũng xin nói thêm, Sotroph chính là giáo sư chuyên nghiên cứu về chửi thề và các loại hình chửi. Ông ấy làm luận văn tiến sỹ ngôn ngữ về đề tài CHỬI THỀ VÀ TÂM LÝ HỌC CHỬI THỀ.

Thật thú vị điều này.

Related posts

TƯỞNG THỨC – KINH NGHIỆM – NGHIỆP QUẢ

Đỗ Cao Sang

ĐẶNG THÂN

Đỗ Cao Sang

BẠO LỰC VÀ TÀN NHẪN – MÔ THỨC GIÁO DỤC ĐỈNH CAO

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment