Đỗ Cao Sang

ĐÔI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ VIỆC HỌC TIẾNG ANH

ĐÔI ĐIỀU VỀ TỰ HỌC
1. Xét về sâu xa, bản chất của giáo dục đào tạo là tự giáo dục, tự đào tạo. Dù bạn có thầy, có sách, có bạn thì kết quả của giáo dục vẫn là do quá trình tự chuyển hóa. Ví như bạn có thể dẫn con ngựa ra bờ suối, còn việc ngựa uống nước hay không lại là chuyện của con ngựa.
2. Bởi thế, nhiệm vụ hàng đầu của các nhà giáo dục là dạy kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, điều mà ở Việt Nam rất yếu. Tự học luôn quan trọng nhưng ở thời đại 4.0, khi mà công nghệ làm kinh tế – xã hội biến đổi theo từng giờ, thì năng lực tự học lại càng trở nên quan trọng. Nó đứng đầu trong mọi kỹ năng. Nó là thứ đầu tiên mà bạn và con bạn phải quan tâm. Qua thực tế công việc, tôi nhận ra nhiều người đến 50 tuổi vẫn không hiểu tự học là gì, tự học phải như thế nào. Tự học giống như ăn BUFFET SEN TÂY HỒ với hơn 1000 món từ khai vị đến tráng miệng. Ăn gì là quyền ở mình. Không ăn là quyền ở mình. Đừng nên máy móc và đừng nên ngong đợi ai đem món đến. Bạn đừng xơi món chua cay nếu đang đau dạ dày, đừng ăn nhiều hải sản kiểu shushi nếu có tiền sử bị rối loạn tiêu hóa. Nghĩa là bạn phải chọn thứ nào hợp với mình và con mình. Nhưng có hai thức ăn phải xơi ngay và luôn khi muốn học tiếng Anh là bảng chữ cái ABC và thuộc cho được tối thiểu 50 động từ bất quy tắc.
3. Tự học rất xa lạ với dân Việt Nam và dân Trung Quốc bởi ta đa phần quen với đọc chép, học thuộc theo yêu cầu của sách và giáo viên. Học sinh giỏi nghĩa là thuộc bài mẫu, đáp ứng tiêu chí và ý đồ của đáp án. Bởi thế, có những vấn đề, câu hỏi rất đơn giản nhưng phản ứng của học sinh, sinh viên (và cả người lớn) lại chậm chạp, lủng củng, rối ren. Thuyết trình kém, diễn đạt viết và nói yếu là do ta thiếu tự học tự rèn. Một phần cũng do giáo dục của ta bị khiếm khuyết.
4. Những doanh nhân thành đạt, những nhà bác học, những nghệ sỹ thiên tài đều tự học, tự rèn. Họ không trông chờ vào ai cả. Không máy móc và không chỉ làm đúng yêu cầu. Họ làm vượt yêu cầu cả trăm và ngàn lần.
5. Học tiếng Anh thành công hay thất bại chủ yếu phụ thuộc vào năng lực tự học. Người ta thường ỷ lại quá nhiều vào phương pháp, sách và thầy. Thật sai lầm hết sức.
6. Tự học có rất nhiều điểm mạnh và ích lợi không thể mô tả lại cho người chưa đi sâu vào nó. Bạn chỉ có thể cảm nhận sự tuyệt vời của tự học khi bạn đã trải nghiệm nó sâu sắc. Như thúc đẩy sự tự tin vì hiểu rõ tiềm năng của chính mình, nâng cao sức sáng tạo, đào sâu tư duy. Hơn nữa, bạn có thể chọn cái mình thích, lựa thời gian, địa điểm…mà không bị phụ thuộc vào bất cứ ai.
 
SONG NGỮ HAY ĐƠN NGỮ? 
Một số người sùng bái học tiếng Anh đơn ngữ (chỉ dùng Anh để học Anh). Họ cho rằng học tiếng Anh qua tiếng Việt theo phương pháp của Nguyễn Hiến Lê, Trương Vĩnh Ký, Thái Bá Tân là chậm và không hiểu quả vì phải dịch trong não rồi mới nói.
Đây là suy đoán và kết luận hồ đồ, không có cơ sở khoa học thực tế.
Tiếng Anh gọi kiểu suy đoán này là common myths.
Bạn dựa trên số liệu nào để kết luận học song ngữ là kém hiệu quả so với học đơn ngữ?
Dùng Anh để dạy Anh (mỡ nó rán nó) chỉ có tác dụng cao ở giai đoạn đầu sơ khởi, cho các bé chưa biết đọc viết tiếng mẹ đẻ. Người ta gọi là MÔ PHỎNG HÀNH VI TOÀN DIỆN – TPR. Nó cũng chỉ tác dụng cao khi có sự giao tiếp liên tục và ở cường độ cao.
Dạy lên tầm cao, nghĩa là sau 10 tuổi, phương pháp này bộc lộ nhiều trì trệ và yếu kém.
Tôi sẽ chỉ rõ trong hội thảo hàng tuần. Quý vị hãy tham gia và thoải mái biện luận.
Việc xài 100% giáo viên bản ngữ và giáo viên Phil hay Sing đều chỉ là bịt mắt các phụ huynh mà thôi. Thời lượng tiếp cận ít thì học kiểu PTR sẽ không nhiều tác dụng. Mà tiếp cận nhiều thì rất tốn kém tiền bạc và công sức.
Bây giờ, các bạn có những công cụ rất mạnh là Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, CNN, BBC, youtube, phim song ngữ. Lo gì việc viên giáo bản ngữ với giáo viên không bản ngữ.
Tối nay tiếp tục buổi thứ 2 chia sẻ Cách học tiếng Anh qua Bản tin Báo chí, quý vị quan tâm thì tham gia vui vẻ nhé.
 
TỰ HỌC TIẾNG ANH
Điều cản trở duy nhất
Trên đường học tiếng Anh
Lại chính là suy nghĩ
Và thắc mắc linh tinh.
Hãy nhại như đứa trẻ
Nhại miết sẽ giỏi thôi
Những ai hỏi nhiều quá
Thì ngoại ngữ rất tồi.
 
TỪ VỰNG
Ngày hôm nay vĩnh viễn
Không trở lại nữa rồi
Hãy học cụm từ vựng
Mỗi ngày chục cụm thôi.
Nước chảy làm mòn đá
Nó không dùng sức đâu
Mà dùng sự nhẫn nại
Bền bỉ và dài lâu.
 
LÀM MỚI
Chúng ta không thể có
Thứ tiếng Anh tuyệt vời
Nếu chưa muốn loại bỏ
Những thói quen lỗi thời.
Ham ăn chơi nhảy múa
Lại mong giỏi tiếng Anh
Là giấc mộng vô lý
Gây khổ cho chính mình.
 
DŨNG CẢM
Kẻ nói sau lưng bạn
Những lời không đàng hoàng.
Vì họ sợ sự thật
Nên không dám hiên ngang.
Đôi khi lòng dũng cảm
Không phải là hung hăng
Mà là sự chịu đựng
Trước lời ba lăng nhăng.
Khả năng biết kiềm chế
Mặc thiên hạ tấn công
Mặc những lời chế nhạo
Là cốt cách anh hùng.
Tiếp tục nghe và đọc
Dọa chết cũng không lui
Kiên định và dũng cảm
Bất chấp miệng người đời.
TRỌNG ÂM TIẾNG ANH
Nói tiếng Anh (từ hai âm tiết trở lên) phải chú ý nhấn mạnh vào trọng âm. Trọng âm là âm có ba đặc tính sau: cao nhất (highest), dài nhất (longest) và to nhất (loudest).
Làm sao để trọng âm trở nên nổi bật?
Thứ nhất, bạn phải nhấn mạnh, kéo dài giọng khi gặp âm trọng âm.
Thứ hai, bạn phải hạ giá trị của những âm bên cạnh xuống. Muốn hạ chúng đến mức thấp nhất, bạn đẩy chúng về âm [ə] hoặc /i/. Vì hai âm này là yếu nhất trong hệ ngữ âm.
Vậy là phát âm tiếng Anh cũng giống như đi tán gán. Thường mới đi tán một cô nào đó, ta thường đi với một hoặc hai thằng khác. Cái thằng đi cùng phải xấu trai và mờ nhạt hơn ta thì ta mới có cơ hội nổi bật trước nàng. Nếu thằng đi cùng đẹp trai lồng lộng, nước hoa thơm lừng, chạy Lexus, đàn hay hát giỏi thì cơ hội tán được gái của ta hầu như tiêu tan. Lúc đó, nhân vật chính lại biến thành nhân vật phụ. Nhất là khi ta lại chỉ có Dream Tàu, hoặc đi grabbike.
Làm sao để nhận diện trọng âm?
Thực ra trọng âm tiếng Anh cũng có những quy luật để nhận dạng. Tôi đã thống kê các quy tắc để nhận dạng trọng âm. Ví dụ, đa số danh từ và tính từ hai âm tiết thì có trọng âm ở âm tiết thứ nhất. Động từ hai âm tiết thường có trọng âm ở âm thứ hai. Bạn nào có nhu cầu, tôi sẽ gửi trực tiếp file word. Tuy nhiên, quy luật ấy cũng thường có ngoại lệ. Rất nhiều trọng âm phá lệ. Điều đó làm đó người học rất điên đầu. Nó là một trong những nguyên nhân khiến cho 10 anh học tiếng Anh thì 9 anh thất bại.
 
ĐỔ TIỀN LUYỆN IELTS – NÊN CHĂNG?
Nhiều bạn trẻ không xác định mình phải học tiếng Anh mà thường chỉ xác định mình đang luyện thi tiếng Anh.
Đương nhiên bạn xác định thế nào thì cũng đều là học tiếng Anh cả. Nhưng cảm giác mình đang luyện thi sẽ không đem lại cho bạn sự thoải mái và an lạc.
Theo các bác, nếu ông Obama đi thi TOEFL hoặc IELTS thì có phải luyện thi không?
Thực tế thì Obama hay bất cứ ai giỏi tiếng Anh đều phải luyện thi. Có điều Obama chỉ cần dùng 2 giờ để nghiên cứu cấu trúc và cách làm bài. Những người khác mất 20 giờ, 2 tuần, 2 tháng, hoặc 2 năm.
Trình độ tiếng Anh càng cao siêu thì thời gian luyện thi càng ngắn lại. Vậy thay vì đi luyện IELTS thi, tại sao ta không học tiếng Anh một cách đàng hoàng và chăm chỉ và quên việc thi IELTS đi? Đương nhiên là học theo định hướng học thuật (academic orientation).
Không mong cầu quả thì quả sẽ đến.
Thay vì luyện thi, tại sao ta không học tiếng Anh đến một cảnh giới cao siêu? Vì lúc đó, IELTS tám chấm sẽ tự về với ta như lẽ đương nhiên vậy.
Ai nhảy bổ đi luyện thi?
Đó là những anh lười. Tuổi trẻ không học nên khi cần mới cuống cuồng muốn có chứng chỉ. Đó là những anh nhà giàu không tiếc tiền đi luyện thi. Theo thông lệ thì kinh phí luyện thi tốn gấp đôi lớp học tiếng Anh thường. Anh ta có thể đến đích nhưng rất tốn kém. Vì thiếu hiểu biết, có nhiều bạn ném ra cả vài trăm triệu để luyện IELTS. Kinh hồn!
Đó là những anh thích sĩ diện và yếu đuối. Cái danh ôn thi IELTS đem lại một cảm giác oai phong và sang chảnh cho người ấy.
 

Related posts

SỰ KHỐN CÙNG CỦA SÁCH SELF-HELP

Đỗ Cao Sang

LỢI ÍCH CỦA VIỆC HỌC TIẾNG ANH

Đỗ Cao Sang

VĂN HỌC ƠI LÀ VĂN HỌC

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment