Chuyển đổi (transform) bao giờ cũng bắt đầu bằng dịch chuyển (shift) tư duy. Trong lễ phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards” năm 2021 ngày 1/4/2021, tôi có nhận định rằng công cuộc chuyển đổi số này thực sự phải là một cuộc “Đổi mới tư duy” và là Đổi mới lần hai, sau cuộc đổi mới lần một vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học (The Structure of Scientific Revolutions)”, Thomas Kuhn đã chỉ ra rằng khoa học hay những tiến bộ có tính bước ngoặt không phát triển theo một đường thẳng, hay nói cách khác không phát triển tuyến tính, bằng việc tích luỹ đều đặn tri thức mới, mà phải trải qua những cuộc cách mạng, tức là phải trải qua những bước chuyển dịch “mẫu hình” (paradigm shifting), trong đó có sự thay đổi đột ngột về bản chất của công việc tìm tòi và phát triển khoa học và xã hội.
Chừng nào chúng ta vẫn giữ các khuôn mẫu cũ thì khó lòng có thể tạo ra những đột biến hay thay đổi triệt để vấn đề. Các giải pháp cuối cùng chỉ là hình thức chắp vá, tối ưu những thứ đang hiện hữu. Tính cách mạng đi liền với thay đổi mẫu hình, dịch chuyển sang một hệ hình mới.
Trong cuốn sách FUTUREPROOF – 15 nhân tố quyết định tương lai của doanh nghiệp của hai tác giả Caleb Storkey và Minter Dial mà Saigon Books vừa cho dịch và phát hành có nói về 15 nhân tố quyết định tương lai của doanh nghiệp và nghề nghiệp cá nhân, tác giả đã nêu lên sự dịch chuyển hình thức tư duy cũ và mới trong tình hình hiện nay (xem hình bên trên) trong đó
1) Bạn không thể tách bạch hoàn toàn công việc và cuộc sống.
2) Học phải đi đôi với hành, học tập nhanh và không ngừng.
Đó cũng là thái độ sống mà tôi xác định cho mình.
Chúc các bạn học tập được những điều mới mẻ đang diễn ra hàng ngày và có thể sống và làm việc hòa quyện làm một.
Tác giả: Đào Trung Thành