Đêm nào mẹ của Bống cũng đọc một hai trang sách cho Bống nghe. Ban đầu mẹ đọc truyện dài nên Bống thường ngủ thiếp đi trong âm thanh đều đều của mẹ. Biết thế, mẹ đã cắt giảm số trang. Thường mỗi tối chỉ là hai trang không hơn. Sách mẹ đọc rất phong phú. Khi là sinh học, khi là địa lý, khi là Hạt giống tâm hồn. Bống thích nhất là sách NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ và tiểu thuyết KHÔNG GIA ĐÌNH. Khi đọc những trang mới, mẹ luôn hỏi Bống về nội dung của những trang hôm trước.
Cứ thứ Ba là đến đêm nghe mẹ đọc sách về Sinh học. Bống còn nhớ rõ nội dung tuần trước là phần nói về vi sinh vật.
Người ta tìm ra vi sinh vật từ thế kỷ 17, năm 1683. Kính hiển vi lúc ấy do một nhà sinh học Hà Lan chế ra chỉ mới phóng đại được vật thể lên 200 lần.
Khi chiếu kính vào một giọt nước, ông ta nhìn thấy một thế giới kì thú. Có con như điểm tròn, có con lại có đuôi dài, có con đầy lông lá, có con hình gậy.
Đến 100 năm sau, ông Luis Pasteur lại phát hiện ra rằng vi sinh vật có quan hệ rất lớn với sức khỏe con người.
Hiện nay, kính hiển vi có thể phóng đại vật thể lên 2000 lần nên thế giới vi sinh vật không còn xa lạ gì nữa với loài người.
Đấy, mỗi tối chỉ bấy nhiêu kiến thức nhưng Bống chẳng thể quên được. Tối thứ Tư lại là những trang sách về lịch sử thế giới.
Bống còn nhớ rõ nội dung tuần trước:
Năm 938, Ngô Quyền đánh bại Mộc Lương Hoằng Thao ở sông Bạch Đằng, mở ra thời kì tự trị cho nước nhà, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc Giao Chỉ.
Năm 960, nhà Tống ra đời ở Trung Hoa với vị vua hiền đức là ông Triệu Khuông Dẫn. Như vậy, vua Tống họ Triệu chứ không phải họ Tống như nhiều người lầm lẫn. Đây là câu đố tuần trước trong giờ chào cờ mà cả trường không ai trả lời nổi.
Năm 1096, ở châu Âu, cuộc thập tự chinh ở châu Âu bùng phát để tranh giành mảnh đất thánh.
Năm 1368, nhà Minh ở Trung Quốc ra đời với vị Hoàng đế Chu Nguyên Chương, còn gọi là Minh Thái Tổ.
Năm 1442 là năm mà khoa thi đầu tiên của nhà Hậu Lê được mở. Đây cũng là khoa thi đầu tiên mà tên tuổi các tiến sỹ được đưa vào văn bia Quốc Tử Giám.
Khi Bống cố nhớ lại thì mẹ Bống luôn lắng nghe để nhắc nhở. Nếu Bống thuộc được tất cả thì cuối tuần mẹ sẽ thưởng cho Bống một chuyến đi đạp vịt bơi ở công viên Thủ Lệ, trò chơi mà Bống luôn hào hứng mỗi khi nghĩ tới.
Bống ngẫm nghĩ về tấm bia đá khắc tên các tiến sỹ trong Quốc Tử Giám. Chợt trong đầu Bống hiện lên những câu hỏi lớn.
Tại sao ngày xưa người ta không khắc tên người giàu nhất và quan to nhất vào bia đá để lưu truyền ngàn năm mà lại là những người đọc sách?
Tuy nhiên, tuần trước, một chuyện bất ngờ xảy ra làm Bống suy nghĩ mãi không thôi. Cô giáo viên chủ nhiệm đã phạt Hà My phải giặt giẻ lau bảng và xóa bảng một tuần vì tội hai lần uống Koi Trà trong giờ học. Bống thấy ba của Hà My quát thầy hiệu trưởng ầm ầm vì việc đó.
Tại sao bây giờ kẻ giàu lại phách lối như vậy? Câu hỏi ấy làm Bống nghĩ hoài không thôi. Có lẽ Bống sẽ hỏi mẹ tối nay.
____
CÔ DÂU 9 TUỔI là bộ sách giáo dục do Sang Đỗ biên soạn gồm nhiều phần trường thiên tiếp nối nhau. Kính mời quý vị đón xem.