Hôm ấy là buổi sáng Chủ Nhật, như thường lệ, anh Quân, ba của Bống lại thảnh thơi ngồi cà phê với anh Tùng, ba của bé Thảo. Hai người thường cà kê nói chuyện phiếm đến gần trưa mới về nhà.
Anh Quân nói, mắt anh nhìn xa xăm:
– Tôi không hiểu vì sao loài người lại ca tụng người nhiều tiền, lắm nhà, nhiều đất. Xét về bản chất, kẻ lắm nhà nhiều đất là kẻ phá hoại trái đất và hủy diệt sự sống của đồng loại mạnh nhất chứ nhỉ? Yêu và tôn kính kẻ hủy hoại sự sống của chính mình. Rõ thật ngớ ngẩn.
Anh Tùng nói:
– Cho nên mới Phật đã tuyên bố cõi trần gian là cõi dục giới, u mê. Trái đất vận hành là bởi ham muốn sở hữu và khoái lạc của chúng sinh. Ta ca tụng kẻ sở hữu nhiều có lẽ là bởi ở đó phản chiếu nội tâm của ta. Chính ta ham muốn nên thấy ai sở hữu nhiều, ta hân hoan vì nhìn thấy giấc mơ của ta nằm ở đó.
Anh Quân thêm vào:
– Hình như tất thảy mọi nền giáo dục đều chú trọng dạy cách chiếm lợi, vơ vét thêm tiền và sở hữu nhiều hơn. Không có bất cứ nền giáo dục nào chú trọng khuyên người ta củng cố đời sống nội tâm và dạy nhau chung sống tử tế với Trái Đất, đồng loại và muông thú.
Anh Tùng nói:
– Nếu giáo dục là làm cho lòng người thêm thánh thiện và trong sáng hơn thì tốt biết bao. Đó mới đích thực là văn minh và tiến bộ chứ nhỉ. Theo tôi, văn minh phải được định nghĩa là sự thoát khỏi thú tính hoang dại như tham lam, đố kị, hận thù.
Anh Quân nói:
– Nếu đúng như vậy thì chính trẻ con là thầy của ta trên nhiều phương diện. Từ ngày có con Bống, tôi sống tử tế hơn và ít làm bậy hơn. Mỗi lần phóng nhanh vượt ấu, chính hình ảnh con bé đã làm tôi chùn tay lại. Mỗi lần định tham ô công quỹ, chính ánh mắt chân thiện của con Bống đã chặn đứng hành vi bất lương của tôi.
Anh Tùng nói:
– Tôi cũng vậy. Từ ngày có con Thảo, tôi ít đi đêm về hôm, ít rượu chè bài bạc, tụ tập đàn đúm.Từ ngày có con, tôi biết sống với giây phút thực tại. Tôi hết trượt đuổi những ước mơ vô vọng và xa vời. Tôi quên dần những đắng cay của tuổi trẻ.
Rồi anh Tùng trầm ngâm thú nhận:
– Từ ngày có bé Thảo, tôi học được cách sống đơn giản. Hóa ra để có niềm vui không hề cầu kỳ như tôi tưởng. Trẻ con sẵn sàng nằm đâu cũng là giường, ăn gì cũng là bữa, mặc gì cũng là áo. Nó luôn tươi cười và hào sảng với thực tại. Nó hạnh phúc thực sự và chẳng cần quá nhiều sở hữu. Nhưng mà chính tôi, chính tôi mới bày đặt ra hàng hiệu và xe sang, nhà lầu. Tôi đã tin một cách mơ hồ rằng đó là điều kiện căn bản để có hạnh phúc.
Anh Quân cười:
– Đúng như anh nói. Hơn nữa, người lớn như anh em mình giận ai đó thì cả đời không nguôi. Hàng chục năm vẫn muốn trả thù rửa hận. Nhưng trẻ con giận ai cũng chỉ một lát là hết. Ở nhiều góc độ, trẻ con thật vĩ đại. Vĩ đại bởi vì chúng là sản phẩm của vũ trụ, của chân lý vĩnh hằng, không mang chút tì vết của cái mà ta gọi là văn minh.
Anh Tùng nhìn đồng hồ rồi đứng dậy:
– Trẻ con đúng là cả một thế giới triết học vi diệu nhỉ.
(CÒN NỮA)