Đỗ Cao Sang

CÔ DÂU 9 TUỔI – P10

Hôm ấy, lớp Bống lại có giờ sinh hoạt cuối tháng. Cô Hoa giảng về đức giản dị, chuyên cần của bà Marie Curie, một phụ nữ đạt hai giải Nobel về hai lĩnh vực (vật lý và hóa học). Cô Hoa có nhắc đến một câu nói nổi tiếng của bà mà Bống rất ấn tượng: Tôi chỉ có ba cái váy đen để mặc thay đổi cả đời. Nếu bạn có nhã ý tặng tôi cái mới thì xin hãy tặng cái màu đen vì tôi có thể mặc nó khi làm việc mà đỡ mất công thay đồ.

Cô Hoa nói:

– Nhiều người quý tộc hoàng gia, phu nhân tổng thống mời bà dùng cơm tối, các báo lớn săn lùng bà khắp nơi để phỏng vấn, bà đều từ chối vì không muốn bỏ mất thời giờ quý giá vào những hoạt động mà bà coi là “vô ích cho khoa học.”

Một cánh tay giơ lên hỏi:

– Sống như vậy đâu còn là nhận biết được sự sống nữa. Đời còn gì là tươi đẹp và hạnh phúc thưa cô?

Bống ngó lên xem ai. Thì ra đó là bạn Thảo Ly, cô bạn nổi tiếng ăn diện và làm đỏm có nghề ở lớp. Cô Hoa cười rất tươi:

– Ở đời, mỗi người có một khái niệm riêng về sướng khổ. Một ngày đẹp trời của con giun là mưa sùi sụt nhưng ngày đẹp trời của ong bướm là nắng to. Cá thích nước còn chim thích trời. Nhà khoa học yêu say mê phòng thí nghiệm cũng giống như các hotgirl thích vũ trường và sàn nhảy vậy. Bà Marie Curie yêu mến dụng cụ thí nghiệm và chất Uranium còn hơn các cô người mẫu chân dài thích kim cương và siêu xe. Ở đời không có đúng sai, chỉ có lựa chọn mà thôi.

Bống lên tiếng:

– Thưa cô, em hiểu ạ. Nghĩa là muốn có thành tựu vĩ đại và tên tuổi lưu ngàn năm sử sách thì luôn đi kèm với nó là một cuộc sống cực ít về hưởng thụ, giao tiếp và cực nhiều về làm việc và suy tư ạ.

Cô Hoa nói:

– Đúng như vậy. Cô không khuyên các em phải giống như ai. Cô chỉ nêu ra để các em chọn lựa. Muốn làm nên việc lớn, sống cuộc đời ý nghĩa lớn hay sống cuộc đời bình thường. Lối sống nào cũng có cái giá của nó. Bất cứ ai lưu danh sử sách với công trình hoặc kì tích khác thường đều phải có lòng kiên nhẫn khác thường, ít tụ tập bạn bè và ít chơi bời, tiệc tùng. Cái giá phải trả là như vậy. Lựa chọn nào là tùy từng người. Đừng nên khinh rẻ và coi thường ai cả.

Bống nói:

– Nhưng hình như các thiên tài luôn vui vẻ và hạnh phúc với lối sống ít bạn, ít chơi bời cô nhỉ!

Cô Hoa cười:

– Cũng không phải lúc nào cũng vui vẻ đâu. Nhất là tuổi trẻ, cái dục vọng muốn đi chơi, muốn mua sắm và hưởng lạc luôn thôi thúc bất kì ai. Nhưng ý chí của họ mạnh quá nên ý chí đã chiến thắng dục vọng em ạ. Bruce Lee đam mê võ điên cuồng. Theo lẽ đó, tập võ sẽ luôn là niềm vui chứ? Không hẳn. Chính Lee thừa nhận, có nhiều phen muốn bỏ cuộc. Nhưng khát khao chinh phục bản thân và khát khao làm số 1 của Lee đã giúp Lee vượt thắng con quỷ lười biếng. Bà Marie, cũng như bao thiên tài khác, chắc cũng có lúc chán nản công việc như Lee vậy.

Bống hỏi:

– Hôm trước, em có nghe nói câu: Thiên tài khác người thường ở sức tưởng tượng. Xin cô giải thích thêm ạ.

Cô Hoa nói:

– Đúng vậy đó. Thiên tài rất mạnh mẽ trong tưởng tượng. Trong tâm trí họ, hình ảnh chiến thắng, hình ảnh đỉnh cao của thành công, hình ảnh về ngày vinh quang luôn hiển hiện mồn một từng chi tiết nhỏ. Tưởng tượng đó đem lại niềm tin lớn. Niềm tin lớn đem lại sức mạnh cho họ. Nên nhớ, niềm tin là cội nguồn của mọi vấn đề cuộc đời chúng ta.

Thảo Ly hỏi:

– Nếu ai cũng sống giản dị thì các hãng thời trang bán cho ai? Những đồ xa xỉ đắt tiền sẽ để cho ai dùng?

Cô Hoa cười giải thích:

– Cái sự lo đó là thừa vì ái dục và ham thụ hưởng là bản chất của loài ta. Chỉ rất ít người có năng lực thoát khỏi. Họ đều là những bậc quái kiệt. Hơn nữa, ta chỉ cắt giảm mua sắm và hạn chế đồ đạc, hạn chế chơi bời chứ không cần cắt hết. Mỗi người nên có ý thức giới hạn hợp với chính mình. Triền miên chạy theo ái dục và ham muốn chỉ đem lại đau khổ và hậu quả tai hại mà thôi. Người xưa còn khuyên, y phục xứng kì đức. Nghĩa là sự ăn chơi, thụ hưởng, bổng lộc, quần áo, xe ngựa phải xứng với đức độ và cống hiến đã làm được cho cuộc đời. Một số khác nghiêm khắc hơn thì phản đối lý luận này. Họ nói, đức càng cao, học càng rộng, danh càng to thì càng phải nên giản dị và khiêm tốn để kẻ kém cỏi hơn đỡ cảm thấy mặc cảm tự ti. Hai quan điểm này đang tranh chấp. Ai cũng có lý lẽ của mình cả.

(Mời quý vị theo dõi tiếp P11)

Related posts

NHƯ MỘT ĐÓA HOA

Đỗ Cao Sang

THƠ DANH NHÂN: MAHATMA GANDHI (1869 – 1948)

Đỗ Cao Sang

BÁO ĐỘNG GIÁO DỤC MỸ

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment