Ngày xưa mình học tiếng Anh bạc mặt mấy năm trời, về độ chăm thì chắc cũng chẳng thua ai. Thế mà còn không đâu vào đâu. Vậy mà có bác dám quảng cáo chỉ sau 3 tháng, từ số 0 thành người thành thạo Anh ngữ trong giao tiếp công sở, thuyết trình, đàm phán, viết luận văn. Đã vậy, người ta đổ xô nhau vào đăng kí. Kể đời cũng vui thật.
Năm 15 tuổi, mình thuộc truyện Kiều và hàng ngàn bài thơ, bài văn, kể vanh vách từng chương hồi trong Thủy Hử, Tam Quốc, thuộc lòng cả Dế Mèn Phiêu Lưu Ký. Năm 18 tuổi, thuộc cả 2 cuốn sách Ngữ pháp tiếng Anh. Nghĩa là có thể ngồi lì 5 giờ liền không đứng dậy, không ăn cơm. Chăm như thế mà với tiếng Anh vẫn phải học mãi, học mãi có lẽ học đến chết chưa hài lòng.
Mình không phải là kẻ thông minh và nhớ nhanh. Mình chỉ nhớ lâu và hăng say bền bỉ. Hồi đi học, ai cũng chê là chậm và đần độn. Mình mới nghiệm ra, thông minh quá thường đi với tính chủ quan và làm tắt. Cái gì cũng có cái hay cái dở. Người đọc sách mà lười nhác thì thông minh cũng chẳng có tác dụng gì nhiều. Hình như, sự kiên gan theo đuổi một thứ gì đó, đeo bám bền bỉ và dai dẳng một việc gì đó mới là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp và học tập.
Hôm trước có bác hỏi mình, 40 tuổi còn học ngoại ngữ được không. Mình thưa lại rằng, có cụ 80 bắt đầu học mà còn nói như gió được. Tuổi 40 của bác ấy có là gì.
Sự thật thì học tiếng Anh là việc rèn tập, tích góp tự giác cả đời. Mà phải tự lực nhé. Các khóa, các lớp không bao giờ đủ đâu. Chỉ con đại gia nghìn tỷ mới đủ tiền để học triền miên ngày qua ngày đến lúc giỏi. Mà cái giỏi ấy cũng không bằng qua công việc, qua phim, qua du lịch, qua đài báo, qua bài hát được.
Vì sao vậy?
Vì tiếng Anh là cuộc đời mênh mông. Cuộc đời to như đại dương bao la mà khóa học chỉ như giọt nước. Cầm cuốn textbook mỏng quèn mà bảo đó là cả thế giới thì tư duy ấy thật tội nghiệp lắm. Cuốn sách ấy chỉ là giọt nước nho nhoi, không phải là học xong có ngay B1, B2, C1, C2 đâu. Nó chỉ là vật tượng trưng cho trình độ ấy mà thôi.