Đỗ Cao Sang

BẢN CHẤT TIẾN TRÌNH VĂN – TƯ – TU

Có nhiều bạn trẻ học Phật giáo, nghe nói về quá trình VĂN/TƯ/TU trong sự phát triển tâm thức nhưng lại hiểu lầm quá trình này theo cách rất thô sơ.

Phần lớn chúng ta tách biệt và phân tầng ba giai đoạn này ra như xây nhà. Ta lầm tưởng xây dựng cõi tâm và nâng tầm tâm thức cũng giống như xây nhà. Nghĩa là có trước có sau, rành mạch và bóc tách từng mảng công việc. Có văn rồi chuyển sang tư, có tư rồi chuyển sang tu.

Không phải vậy.

Thực tế VĂN TƯ TU không đơn giản như vậy. Ba tiến trình này có thể diễn ra cùng một lúc và đan xen vào nhau.

Hãy nghiên cứu ví dụ sau đây:

Bạn không thể thuộc lòng Truyện Kiều nếu bạn không tư duy và hiểu về nó. Đương nhiên cái hiểu và cái tư duy của mỗi người mỗi khác nhưng trong quá trình học thuộc, bạn buộc lòng phải có tư duy thì mới có thể thuộc được.

Bạn không cắt nghĩa được nội dung, bối cảnh ra đời, các điển tích, điển cố và giai thoại cũng như phương pháp ẩn dụ, tu từ trong Truyện Kiều thì bạn khó lòng có thể học thuộc được.

Con vẹt có thể nói vài câu mà không cần tư duy. Nhưng nó không thể nói cả một cuốn sách mà không có suy nghĩ.

Tôi chưa thấy người nào thuộc Truyện Kiều mà lại không giải thích được các điển trong đó. Đương nhiên, cấp độ giải thích có độ nông sâu khác nhau.

Thêm vào đó, khi bạn thuộc Truyện Kiều, bạn ngâm vịnh mua vui cho bạn bè đã là tu rồi. Ru được con ngủ và kích thích được lòng yêu chữ nghĩa của con cái. Bạn nêu lên một tấm gương về đọc sách để chuyển hóa và truyền cảm hứng cho người khác thì bạn đã tu rồi. Nghĩa là bạn đã đưa sách vở vào cuộc sống rồi. Đâu phải múa kiếm như Từ Hải, hô hào đấu tranh giải phóng phụ nữ mới là đưa Truyện Kiều vào ứng dụng thực tế.

Vậy nên đừng dại gì mà bóc tách VĂN TƯ TU. Bóc tách văn tư tu như quan sát quá trình pha mỳ tôm hoặc xây nhà là một sai lầm. Nên cẩn thận điều này.

Nhiều bạn vì nhận thức sai lầm, đã nhảy ngay vào TU mà nói rằng bản thân mình đã thừa VĂN và TƯ rồi.

Một số khác cho rằng mục đích cuộc đời là an nhiên tự tại, chỉ cần sống an nhiên tự tại thì không cần kiến thức bên ngoài nữa. Ở Hà Nội, tôi có một người bạn có tư duy này. Bạn ấy tự thấy đọc sách là một việc vô ích vì bạn ấy có thể tìm được chân lý và giải thoát mà không cần đọc sách. Tiếc rằng bạn ấy lại làm diễn giả.

Sự thật là, một diễn giả, dù đạo hạnh cao siêu và niềm an lạc đã đến cảnh giới A-la-hán thì cũng không thể giảng dạy được cho ai nếu không chịu đọc sách. Không có văn hay và nhiều kiến thức, làm sao có thể giảng dạy và chia sẻ được? Nên nhớ thầy Thích Thông Lạc, Thích Nhất Hạnh, Thích Chân Quang, Thích Minh Niệm đọc sách rất nhiều. Đọc nhiều nhưng chưa bao giờ nói là đủ. Dù rằng tư tưởng và các triết lý trong sách đó đều thua xa Phật học.

Tại sao họ vẫn đọc?

Họ đọc để có văn tuệ mà nói chuyện. Có chuyện đời để mà chia sẻ. Người ta gọi là hiểu người thì mới khuyên và giáo hóa được người. Bạn không thể hiểu bọn teen nếu không biết khuynh hướng thời trang và các idol của chúng. Bạn không thể giáo hóa người trẻ nếu không biết tý gì về bà Tưng, Lệ Rơi, Tùng Sơn, Hương Tràm, Chia tay anh không đòi quà.

Bởi thế các thầy giảng sư của chúng ta luôn nắm mấy tin tức này rất chắc và cực kỳ cập nhật. Bạn quay lưng với bà Tưng, Lệ Rơi, chia tay anh không đòi quà thì có nghĩa là bạn đã quay lưng với cuộc sống. Quay lưng với cuộc sống nghĩa là đã xa rời đạo Phật.

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền, tu nhiều mà không có ích cho đời và cho mình thì tu để làm gì?

 

Related posts

SỐNG TRONG CHÁNH NIỆM

Đỗ Cao Sang

NGÔ BẢO CHÂU (1972)

Đỗ Cao Sang

BẠN CÓ BIẾT RẰNG……

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment