Văn hào Bernard Shaw, Nobel Văn học 1925, nói, người vĩ đại luôn có hai trái tim. Một tim rắn như thép và một tim mềm như nước. Rắn như thép để vươn lên, chiến đấu với nghịch cảnh. Mềm như nước để khoan dung, tha thứ và nhẫn nại. Theo tôi, con người nhìn chung, cần tôi luyện thêm trái tim thứ 3. Đó là trái tim nóng như than để say mê, nồng nhiệt với cái gì đó.
Trong thiền học, người ta không khuyên nuôi dưỡng sự nồng nhiệt và hứng khởi. Vì hứng khởi hay u buồn là hai trạng thái tâm lý tiêu cực như nhau, đều có hại cho trí sáng suốt. Thực tế thì trí sáng suốt ra đời trong tĩnh lặng và thanh thản.
Nhưng hôm nay xin phép thực tế hơn chút, miễn bàn chuyện thiền học. Tôi đang tự hỏi, một người luôn điềm nhiên, lừng thừng, lập lờ và an trú thảnh thơi sẽ sống và làm việc ra sao. Nhất là tuổi trẻ. Theo tôi, tuổi trẻ cần phải say mê và hứng khởi với một cái gì đó, dù là đúng hay sai. Nghĩa là phải có mục đích sống và đam mê mãnh liệt. Với tôi, thà rằng trẻ con đam mê sai lạc còn hơn không hề biết thích điều gì.
Đã có những tấm gương say mê lý tưởng như Paven Corxaghin trong Thép Đã Tôi Thế Đấy, Tố Hữu say sưa với CNCS, cô gái Mỹ Lý ở thành Đoàn Sài Gòn say sưa với lý tưởng xả thân cho đất nước và hết lòng tôn thờ chủ nghĩa. Gần đây có những thanh niên đa cấp hết lòng phục sự cho sự nghiệp phát triển mạng lưới đến mức hóa điên hóa dại.
Tất cả bọn họ, dù sao, vẫn tốt hơn là kẻ không hề có lý tưởng và khát khao gì.
Lại quay lại chuyện Phật. Hồi trẻ, Ngài cũng đam mê và khát khao dữ dội đó. Đam mê hiểu biết và lý giải các hiện tượng vũ trụ như sanh lão bệnh tử. Đam mê giúp mình, giúp đời thoát khổ đau. Kẻ không có trái tim nóng bỏng, e rằng cũng khó mà làm nổi cơm cháo gì vì niềm tin là sức mạnh. Khi niềm tin và nhiệt huyết kém thì sức mạnh, nội lực cũng tiêu tan.
Với niềm tin mạnh mẽ, đôi khi người ta từ nhỏ bé trở nên vĩ đại, từ bình thường trở nên thần kỳ. Sống với niềm say mê, đó thực sự là hạnh phúc của nhiều người.
Bởi thế, mới có thơ rằng:
THẦN KHÚC ĐAN TÊ
Mấy hôm nay rảnh rỗi
Đọc Thần khúc Đan Tê
Có một đoạn thú vị
Xin kể mọi người nghe.
Đồn rằng người ta chết
Phải nhập cửa Thiên Tào
Ở đó sẽ phân định
Linh hồn về cõi nào.
Đứa ác xuống đại ngục
Ở tầng đáy khổ đau
Thằng tốt lên cảnh giới
Sáng sủa hơn, trên cao.
Dưới âm nhiều cõi giới
Cho nhiều dạng con người
Tùy thuộc vào đức hạnh
Họ được về đúng nơi.
Nghĩ việc tưởng đơn giản
Hóa ra khó vô cùng
Khi Diêm Vương đối mặt
Một loại người lạ lùng.
Loại người đó kỳ quặc
Nhưng nhan nhản cõi người
Chẳng tốt cũng chẳng xấu
Chẳng héo cũng chẳng tươi.
Họ không giỏi không dốt
Không ác cũng chẳng hiền
Không phải loại bố láo
Chẳng tỉnh cũng chẳng điên.
Họ không có chính kiến
Phát biểu cho riêng mình
Chỉ nói theo đa số
Nghe ngóng rồi đồng tình.
Bọn người ấy khi chết
Hồn vật và vật vờ
Mọi cảnh giới từ chối
Biết đi đâu bây giờ?
Diêm Vương bảo bọn chúng
“Lên đầu thai kiếp sau
Sống sao cho ra sống
Đừng để bố đau đầu!
Trong cảnh giới cõi chết
Chúng mày biết đi đâu?
Trước sống quá hờ hững
Giờ làm khổ bọn tao.”
Không làm nổi người tốt
Thì làm một ác nhân
Chết đi, trong chín giới
Còn có chỗ dung thân.
Trớ trêu là cuộc sống
Ai cũng tự cho rằng
“Mình không phải bọn ấy”
Đó mới thực “ban-căng”!