Đỗ Cao Sang

BA MẸ DẠY CON VỀ TÀI CHÍNH

Vua dầu mỏ Rockefeller sở dĩ trở thành một tỷ phú giàu nhất mọi thời đại, một phần nguyên nhân là do ông rất giỏi quản lí tài chính. Ông giỏi tính toán chi li tiền bạc từ khi còn nhỏ.

Là những người trưởng thành, chúng ta hiểu làm sao để quản lý tiền nhưng chúng ta đã quên nhắc trẻ em về những khái niệm rất cơ bản như: Tiền được làm ra do đâu? Việc cân đối bảng chi tiêu có ý nghĩa gì?

Những câu hỏi này đối với chúng ta không xa lạ gì vì hàng ngày chúng ta đều va chạm đến chúng. Còn với trẻ em, những khái niệm đó đều rất mới mẻ.

Cách luyện cho con bạn khả năng quản lý tài chính tốt nhất là để chúng lập ra bảng chi tiêu hàng ngày, thậm chí hàng tháng cho cả nhà với sự tư vấn của bố mẹ. Chẳng hạn bạn đưa cho con bạn bài toán sau: Hãy dùng 100 ngàn đồng (và chỉ có 100 ngàn đồng) để đi chợ mua thức ăn cho cả ngày với điều kiện bữa nào cũng có ba món chính và canh. Điều này buộc con cái chúng ta phải suy nghĩ, tính toán, viết ra giấy. Dần dần như thế, chúng sẽ có thói quen mua sắm, tiêu tiền rất đúng mực. Khi chúng hơn 16 tuổi, bạn nên hướng dẫn con mình cách lập bảng thu chi cho cả tháng theo bảng biểu, sổ sách.

Ngoài việc lập dự chi ngân sách gia đình, chúng ta cũng nên tổ chức những cuộc tổng kết tài chính hàng quý hoặc hàng năm để cho trẻ tham dự. làm như vậy, chúng sẽ hiểu được vai trò của mình trong gia đình ra sao và việc cân đối tài chính quan trọng như thế nào.

Tuy nhiên, việc dạy con trẻ ý thức về quản lý tiền bạc không phải như thế là hoàn thiện. Còn một mảng khó khăn hơn là giúp chúng hiểu những triết lý trừu tượng. Chúng cần hiểu giá trị của tiền, những khái niệm cơ bản để phân biệt keo kiệt, bủn xỉn với tiết kiệm. Chúng ta nên cho chúng hiểu trước khi là một đại tỷ phủ, Bill Gates đã rất biết tiết kiệm chi tiêu. Ngay cả khi có rất nhiều tiền, ông cũng không sống quá phung phí; và rằng tiết kiệm với ông ta, là một lối sống văn minh chứ không phải vì thiếu tiền bạc.

Sau đây là những bí quyết cơ bản bạn cần truyền đạt cho con mình để chúng học cách quản lý tiền từ nhỏ:

• Lập một tài khoản nho nhỏ ở ngân hàng để tạo thói quên dùng tiền có kế hoạch.

• Cố định sẵn tiền quần áo, nhu yếu phẩm như khăn mặt, kem đánh răng… thành một khoản cho con bạn tập quản lý.

• Giúp con bạn lập bảng biểu chi tiêu, phản ảnh hai thông tin cơ bản là chi và thu hàng tháng.

• Hãy giúp con bạn tổng kết, suy ngẫm về những khoản chi phát sinh ngoài dự tính. Giúp chúng hiểu ra rằng cần phải dành một khoản riêng để đề phòng những trường hợp bất trắc như xe hỏng, mất đồ dùng. Và những điều khẩn cấp và khó lường khác.

• Luôn sẵn sàng trả lời con bạn những thắc mắc về tài chính.

• Tốt hơn cả, bạn hãy dạy con bạn những bài học từ những tổn thất thực tiễn của hàng xóm hoặc của chính chúng gây ra khi chi tiêu sai nguyên tắc. Đây mới thật là một bài học sâu sắc và ý nghĩa nhất.

Related posts

RA MẮT 2 CUỐN SÁCH MỚI 22/5/2022

Đỗ Cao Sang

15/11/2020: HỘI THẢO “7 KỸ NĂNG Ở THẾ KỶ 21”

Đỗ Cao Sang

TẠI SAO TRẺ EM NGHIỆN GAME

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment