Đỗ Cao Sang

AI KHỔ VÌ AI

Trong các lĩnh vực, các vấn đề xã hội thì tôi thấy giáo dục có tính tổng hòa hơn cả. Nghĩa là, nó là sự tham gia của vô vàn các nhân tố và các điều kiện. Cứ thiếu vắng một hoặc vài điều kiện thì giáo dục nảy sinh vấn đề và ung nhọt bắt đầu xuất hiện.

Bấy nay người ta có thói quen rất bản năng là: Hễ có vấn đề giáo dục là nhè đầu ông Nhạ ra chửi. Hễ có vấn đề y tế là nhè đầu bà Kim Tiến. Việc chỉ trích ông Nhạ và bà Tiến như thế có phần đúng cũng có phần chưa đúng.

Gian lận điểm thi ở Hà Giang không phải chỉ là vấn đề giáo dục. Nó là vấn đề xã hội. Nghĩa là to hơn giáo dục nhiều lần. Người ta nhầm lẫn quá lớn.

Ai sửa điểm cho các thí sinh? Sửa điểm vì ai? Ai đứng sau đó? Các cháu được sửa để vào trường nào? Trả lời những câu này thì sẽ hiểu nó không phải chỉ là câu chuyện của giáo dục.

Bà Tiến và ông Nhạ đại diện cho chính sách vĩ mô. Nhưng trên hai vị này còn các lãnh đạo to hơn nhiều. Hơn thế, sự điều hành một bộ lại liên quan nhiều đến các bộ khác. Ví dụ, Y tế sẽ liên quan rất mật thiết với giáo dục, giao thông, môi trường, nông nghiệp, hải quan, công an… Các bộ này yếu thì Y tế cũng chẳng khá lên được.

Nói riêng về giáo dục, ông Nhạ không thể đưa ra cải tổ gì mà trái ý với bộ chính trị và đường lối chung của nhà cầm quyền.

Ví dụ: Ông ta không thể đề xuất cắt bỏ (hoặc giảm thời gian) môn X ở hệ thống trường cao đẳng, đại học vì môn X là chủ trương của cấp trên to hơn ổng.

Ở dưới thì sao? Giáo viên môn X sợ mất quyền lợi và công ăn việc làm nên ra sức bảo vệ và đấu tranh để X tồn tại.

Ông Nhạ đứng ở giữa. Ông làm gì được?

Tạm thời cứ giả sử là ông Nhạ thuộc về phe cấp tiến thì đã chẳng làm ăn gì được. Huống hồ nếu ông thuộc phe bảo thủ thì tình hình càng bi đát hơn.

Chứng cớ rành rành: Ngày xưa ông Nguyễn Thiện Nhân đã muốn thổi một cơn gió cực mới và cực mạnh vào giáo dục. Ai dè trên sợ mất chính thể, dưới sợ mất quyền lợi. Ông bị công kích quá dữ dội nên buộc phải hạ ngọn cờ xuống. Huống hồ, bây giờ lại là ông Nhạ.

Đó là chính sách vĩ mô. Bây giờ bàn về cấp nhỏ nhất là giáo viên và phụ huynh. Giả sử chính sách vĩ mô đã tốt thì con người thực hiện nó cũng cần thời gian để thay đổi. Giáo viên vẫn thói dạy để phục vụ thi cử. Phụ huynh vẫn thích khoe con điểm cao, trường chọn thì khó mà làm nên đổi thay được.

Nhưng dù sao, cấp vĩ mô vẫn là quan trọng nhất. Đặc biệt là trong văn hóa Á Đông, xã hội hưng vong, thịnh suy vẫn lệ thuộc cơ bản vào đường lối lãnh đạo cấp tối cao từ mấy ngàn năm nay.

Tôi có mấy ý kiến về chính sách giáo dục vĩ mô thế này:

1. Cắt bỏ các môn lý luận chính trị ra khỏi khối Đại học, Cao đẳng. Chỉ duy trì ở các trường Công An và Quân Đội.

2. Xã hội hóa toàn bộ các trường Cao Đẳng và Đại Học. Để họ tự tuyển sinh, tự soạn giáo trình, tự thuê giáo viên, tự sống và tự chết. Bắt tất cả các trường phải trả tiền thuê đất, thuê nhà như một doanh nghiệp.

3. Cắt bỏ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với các trường cấp 1,2,3. Các trường cấp 1,2,3 chỉ chịu sự giám sát của Pháp luật và các quy định của Bộ giáo dục.

4. Giao một cục lương to đùng cho hiệu trưởng các trường để họ tự chi cho giáo viên cả năm. Hạn định số lượng giáo viên cho từng trường dựa trên mức tuyển sinh hàng năm. Để Hiệu trưởng có quyền sa thải, nâng lương, hạ lương với bất cứ giáo viên nào.

5. Thi sát hạch năng lực giáo viên hai năm một lần. Đơn vị thuê sát hạch phải là công ty, tổ chức giáo dục quốc tế hoặc không thuộc Bộ giáo dục.

Related posts

TÔI TÌM KHẮC TIỆP ĐÒI CÔNG LÝ

Đỗ Cao Sang

LUÔN PHẢI HỎI TẠI SAO?

Đỗ Cao Sang

ĐAU KHỔ TRẦN GIAN

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment