previous post
next post
Sau khi phát hành cuốn thơ sử Việt Nam Lịch sử thú vị hơn em tưởng, tác giả Đỗ Cao Sang vừa tiếp tục cho ra mắt cuốn Bên bờ nước, tập hợp nhiều bài thơ được anh sáng tác trong vòng 6 năm trở lại đây. Bên bờ nước được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Hội nhà văn Việt Nam.
Một phần nhỏ của sách diễn thơ dựa trên bản gốc Thủy Hử truyện của Thi Nại Am – một tác phẩm văn học mà tác giả đã nghiền ngẫm và thuộc làu làu từ khi còn rất trẻ.
Anh cho rằng, Thi Nại Am có tâm hồn tiêu sái bay bổng. Ông không dính mắc vào bất cứ đạo lý, tôn giáo hay nguyên tắc nào. Ông đã thoát khỏi tư duy nhị nguyên (đúng – sai; tốt – xấu; hay – dở…). Đây cũng chính là nguồn cảm hứng để anh cho ra đời tác phẩm Bên Bờ nước.
Ba phần còn lại của sách là các dòng tư tưởng chính trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Các phần này trình bày hạt nhân triết lí, cách nhìn nhận thế giới phổ biến đã và đang thịnh hành từ bán đảo Ả Rập đến châu Âu, Đông Á, thổ dân châu Phi. Các bạn trẻ sẽ được tìm hiểu gián tiếp mọi luồng tư duy để mở rộng nhãn kiến nhìn ra thế giới.
Ví như, hệ tư tưởng của Ả Rập Xê Út là làm đi đôi hưởng lạc. Hưởng lạc ở đây đơn giản là những thú vui trần tục, chứ không phải cái gì cao siêu cả, không giống như là trà đạo, ngắm hoa lan…
Đọc sách, độc giả cũng bắt gặp những trường phái lý luận châu Âu như Nietzsche, Kant, Dercates, Goethe… và cả các hệ tư tưởng châu Á như Phật, Khổng, Lão, Trang… Nhưng bạn có bao giờ nghe kể về hệ tư tưởng đồng cỏ châu Phi?
Người dân châu Phi, với bản tính tự nhiên trời phú, họ thực sự không quan tâm đến các lí luận cao siêu như chúng ta. Họ không hỏi “sau cái chết là gì?”, “ta từ đâu tới?”. Cả đời họ chỉ làm 4 việc: Một là duy trì nòi giống, hai là kiếm thức ăn, ba là chống lại hoặc trốn chạy kẻ thù, bốn là nếu rảnh rỗi hơn thì nhảy múa hát ca.
“Chúng ta luôn chê họ mông muội và thú tính nhưng nhìn kĩ, cuộc sống đô thị chỉ là phản chiếu, phóng chiếu tinh vi hơn những việc làm trên.
Giữa ta và thổ dân châu Phi đã chắc ai hạnh phúc hơn ai? Chỉ chắc chắn rằng, họ – dân châu Phi – có não trạng đơn giản và thông suốt hơn não trạng chúng ta. Mà đơn giản lại là cảnh giới tối cao của thẩm mĩ và khoa học.
Người Phi bản sắc còn có lối hành xử cực kì văn minh với thiên nhiên và đồng bọn. Họ chỉ bắt chim thú vừa đủ ăn, không tích lũy và lạm sát. Họ luôn chia đồ ăn có được cho người xung quanh như một bản năng tự nhiên.
Người châu Phi không hề nghĩ gì đến kiếp sau kiếp trước. Và điều đó, biết đâu chả là thông minh nhất. Chúng ta cứ lo nghĩ về kiếp sau, kiếp trước hay những luân lý nọ kia, biết đâu chả thêm nặng mình”.
Cho nên, các hệ tư tưởng đều được trình bày trong cuốn sách, không phán xét đúng sai, ai thấy cái gì hay thì đi theo, thấy cái gì thú vị thì nghiên cứu thêm.
Tác giả nói, anh không bao giờ áp đặt nhãn kiến của bản thân. Bởi anh muốn để cho độc giả tự “thưởng thức” các dòng tư tưởng, các lời khuyên, hệ triết lý và thấy rằng thế giới này hoá ra thật mênh mông và vi diệu, hoá ra con người ta phải lấy vô chiêu để đánh thực chiêu.
Nghe có vẻ cao xa và trừu tượng, nhưng thực ra Đỗ Cao Sang lại rất quan tâm tới thị hiếu của độc giả ngày nay khi chọn lối viết “remix”. Đó là cả văn cả thơ ở trong một cuốn sách, không phải một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện, cũng không phải một tập thơ du dương, tỉa tót câu từ. Nó là một thể thơ nói, giống như một người kể chuyện có vần.
Đó cũng là lý do tác giả cho rằng, cuốn sách có thể dành cho mọi đối tượng – già trẻ, người học cao, người học thấp. Ai đọc nhiều sẽ nhận ra chỗ này là tư tưởng của Osho, chỗ kia là tư tưởng của Kant… Còn ai ít đọc thì cứ hiểu câu chữ theo cách thông thường.
Nhưng cuốn sách tuyệt đối không dành cho người đọc nhanh cho xong.
“Nó cần nghiền ngẫm và đọc thường xuyên cả đời như Thánh kinh. Nói thế không có nghĩa là tôi quá nâng cao bản thân. Chỉ vì sách này là tập hợp trí tuệ nhân loại, tôi đã tổng hợp lại qua thơ. Mỗi câu, mỗi trang đều đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm cả đời. Tôi không phát minh ra chúng, tôi chỉ nhặt và xâu nó lại giúp cho quý vị”.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi ra mắt sách Bên Bờ Nước
Cảm ơn các bạn báo chí đã đến phỏng vấn và viết bài!
Báo Vietnamnet
Báo Tiền Phong
Báo Giáo dục Thủ đô
Báo Lao động xã hội