Đỗ Cao Sang

TÀO MẠT VÀ NGHỆ THUẬT CHÈO

Theo kiến thức ít ỏi của tôi về môn nghệ thuật này, kiệt tác chèo Việt Nam, đầu bảng là Quan Âm Thị Kính, nhì bảng là Súy Vân Giả Dại. Nhưng đó là chèo cổ khuyết danh.

Chèo hiện đại thì không ai vượt qua được tên tuổi Tào Mạt.

Nhờ có đạo diễn, diễn viên Trần Lực (con trai của nghệ sỹ chèo nhân dân Trần Bảng) cho biết vài câu chuyện về Tào Mạt, tôi mạnh dạn viết bài này để bạn trẻ hiểu thêm đôi ba điều thú vị. Đương nhiên, bài viết không tránh khỏi nhữn phán đoán chủ quan.

Bộ ba vở chèo BÀI CA GIỮ NƯỚC của Tào Mạt là ba quả bom tấn lưu tên tuổi ông sáng rực trên sân khấu Việt Nam. Và đến nay, hình như cũng chưa có tác giả biên kịch và tác giả soạn lời nào vượt qua được Tào Mạt.

Nghe anh Trần Lực kể, tôi mới bắt đầu hiểu tại sao Tào Mạt lại thành công như vậy.

Đầu tiên chèo Tào Mạt đã thay mặt anh chị em nghệ sỹ, nói lên được tâm tư tình cảm, sự bức xúc và trăn trở của giới nghệ sỹ (qua nhân vật HỀ) trước vận mệnh quốc gia và những điều “nhung nhăng bậy bạ” lúc bấy giờ.

Khi ấy, có kẻ đang làm thơ thì nhảy lên làm lãnh đạo cấp cao, đưa ra những chỉnh huấn vô lối và có phần “bất nhân.” Có kẻ làm quan thì xa rời quần chúng, hoan lạc ăn chơi vô độ, quên đi điều khổ dân hại nước. Có kẻ dối trời lừa đất, nịnh trên đè dưới để thỏa mãn lòng tham ích kỷ. Đồng tiền, quyền lực và bổng lộc làm mờ khuất lương tri. Đồng tiên có góc có cạnh, nó lăn vào lòng người, làm chảy máu lòng người. Tất cả bức tranh điên loạn ấy được phản chiếu trong chèo Tào Mạt qua những hình tượng đặc sắc.

Những điều Tào Mạt ám chỉ trong tác phẩm của ông, đến bây giờ chưa đậm lắm. Thậm chí nhiều người cảm thấy nhẹ nhàng như gãi ghẻ. Nhưng đặt trong bối cảnh thời ấy, khi công cuộc chính huấn chỉnh quân đang lên độ cao trào. Người ta dễ dàng quy chụp nhau với những đòn đánh hiểm độc như “phản Đảng, bêu xấu chế độ, phản động, xét lại, phủ nhận thành quả cách mạng” thì sẽ thấy khí phách và tầm vóc của Tào Mạt là không hề nhỏ.

Nhưng công lao lớn của Tào Mạt cũng chưa hẳn nằm ở đó. Nói thẳng nói thật tuy ít ai dám nhưng không phải không có. Ngày ấy nhiều anh cũng bạo lắm chớ. Đâu chỉ riêng Tào Mạt. Nhưng theo cửa mềnh nhìn nhận, mang tính chủ quan, Tào Mạt có công cải tổ và làm giàu cho nghệ thuật chèo thêm đặc sắc.

Nghệ sĩ Tào Mạt biểu diễn trên sân khấu chèo

Như chúng ta biết, chèo có bao nhiêu làn điệu, bao nhiêu cách biểu diễn đều có thể tìm trong chèo cổ. Những kẻ dám canh tân nó đã hiếm hoi và canh tân thành công lại càng hiếm hơn.

Bộ ba BÀI CA GIỮ NƯỚC của Tào Mạt có pha trộn nhiều giai điệu rất mới và tiêu sái. Giống như một tay pha cocktail sành điệu, Tào Mạt không phá đi vẻ đẹp của chèo cổ và cũng không đưa thêm gia vị nào lố bịch. Chất mới với chất truyền thống chen vào nhau như nước với sữa. Cầm ly cocktail chèo của Tào Mạt, người ta không khỏi ngạc nhiên, khoái trá. Ông đưa vào chèo những phong vị tiếu ngạo giang hồ làm say cả thằng hát và thằng nghe. Rất đơn giản, vì Tào Mạt luôn pha chế trong lúc say.

Theo anh Trần Lực kể, khi ấy, anh còn là chân chạy cờ, khuôn vác trên sân khấu. Đi theo bố dự nhậu với Tào Mạt, anh chứng kiến Tào Mạt uống say, bắt đầu đứng dậy gõ bát hát. Một tên trợ lý đứng cạnh ghi lại ký hiệu thanh âm. Hôm sau sẽ chau chuốt và cả đội tập với nhau. Tào Mạt hát biến tấu tùy hứng, ông ấy không biết cách kí hiệu của nhạc Tây.

Ngay ở đời thực, Tào Mạt cũng sống khá hồn nhiên và bản năng. Nghe có kẻ cấp trên sàm tấu, ngăn không cho ông thành lập đoàn chèo (trong tổng cục hậu cần), ông ấm ức bảo với cụ Trần Bảng, khi ấy là bậc đàn anh: Em phải bắn chết tay này. Cụ Bảng khuyên: Bắn chết nó, chú được gì. Tào Mạt bảo: Rồi em tự bắn đầu em luôn. Nhưng rồi chuyện dần cũng qua đi.

Chuyện ấy đủ thấy, Tào Mạt thuộc tính cách hồn nhiên, có gì nói thế. Nóng giận dễ và vui vẻ cũng nhanh. Rất tiếu ngạo giang hồ, ông làm tôi nhớ đến Tản Đà, một thi sỹ tiền bối đa tài cùng quê với vua Chèo hiện đại.

Suy rộng ra, tôi muốn nhận mạnh ý cũ, những tay làm nghệ thuật nhưng chính trị giỏi và kiếm tiền giỏi thì văn chương sẽ vô cùng khắm. Khi muốn viết hay và sáng tác ra trò, người ấy phải tiêu sái, ngây thơ và phạc nhiên thực sự. Và nguy hiểm nhất và khắm nhất vẫn là những đứa cố tỏ ra mình phạc nhiên.

Nhân đây cũng phải chua thêm vài dòng. Tào Mạt tuy hồn nhiên nhưng không phải là người quá phạc nhiên bay bổng trong văn thơ. Nói cách khác, Tào Mạt chưa được liệt vào hạng đáo bỉ ngạn. Tào Mạt có những tâm tư trăn trở, đau đáu và ấm ức riêng trong lòng. Đặc biệt hồi ngài còn trẻ. Tôi không gần Tào Mạt nhưng cũng cảm được điều này qua chất chèo của ông. Thiện ác, hiền dữ, tốt xấu, đúng sai, giận thương, yêu ghét phân biệt rất rõ. Đôi khi có màu sắc lên gân lên cốt. Điều đó chỉ làm khổ cho chính ông.

Dù sao, với cương vị ấy, với hoàn cảnh ấy, hậu thế như chúng ta cũng chẳng nên đòi hỏi ông quá đáng. Thay vào đó, ta nên cúi đầu và đúc tượng cho ông, một nhà văn hóa, nhà cải cách chèo đáng khâm phục.

Related posts

DIỆU THÚY – MỘT CÕI ĐI VỀ…

Đỗ Cao Sang

THÍCH CA – DÂM VÀ DỤC

Đỗ Cao Sang

BẢY BÀI HỌC VÀO ĐỜI CHO SINH VIÊN

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment