Đỗ Cao Sang

HỘI THẢO ‘SIÊU TRÍ NHỚ TIẾNG ANH’ 25/4/2021

Hội thảo đặc biệt trọn một ngày (từ 8h30 đến 17h30): SIÊU TRÍ NHỚ TIẾNG ANH!
 
Chương trình này sẽ được tổ chức ở vài tỉnh thành lớn. Nội dung chia sẻ bao gồm tổng hợp mọi kiến thức và phương pháp gia tăng trí nhớ tiếng Anh (từ vựng, phát âm, lối diễn đạt phổ biến…) đã và đang tồn tại trên thế giới. Với phương châm TỐI ƯU HÓA THỜI GIAN – KHOA HỌC – DỄ ÁP DỤNG, hi vọng đây là chương trình được mong đợi nhất của nhiều gia đình.
 
THỜI GIAN: 8h30-17h30, 25/04/2021
ĐỊA ĐIỂM: BIBLIO COFFEE, Làng Sinh Viên, 79 Nguỵ Như Kontum, Hà Nội
 
……………………
 
BÀN VỀ TRÍ NHỚ VÀ SỰ NẠP THÔNG TIN
 
Thanh Tịnh một lần thở dài than với Tô Hoài: Thật khổ cho những người nhớ lâu. Nhớ lắm thì khổ nhiều!
Đúng vậy! Nhớ nhiều kỷ niệm để hoài cổ và ủ ê thì đúng là mất việc và hao tổn năng lượng. Nhưng đã chắc những người hay quên là sướng?
 
Hôm qua, chúng tôi có bàn về sự trong sáng và trống rỗng trong tâm thức trẻ em. Đó là tinh khiết được thượng đế gây dựng từ ban sơ và ngài luôn ưu ái trao cho chúng những tinh hoa tuyệt đỉnh của nghệ thuật và sáng tạo. Một bạn chợt đứng lên hỏi: Vậy ta học và tích nhiều thông tin để làm gì? Cứ để ngu ngơ và trống rỗng như trẻ con suốt đời có phải tốt hơn không?
 
Nay tôi xin làm sáng tỏ điều này.
 
Trẻ em là tinh khiết, là sáng suốt và tuyệt vời. Nhưng trớ trêu rằng cuộc đời không cho phép ta sống mãi như vậy. Giống như đứng trước một dòng sông đời cuồn cuộn chảy, không một ai cứ đứng yên ở bờ mãi được. Anh ta phải nhảy xuống, phải bơi và phải chuyển động. Cuộc sống là chuyển động, đạo Phật gọi là vô thường (impermanence). Còn vượt sông để làm gì ư? Cuộc đời này thực ra chẳng để làm gì cả. Vượt sông đơn giản chỉ vì ta phải vượt mà thôi. Cũng giống như hơi thở, ta chẳng biết thở để làm gì nhưng vẫn phải thở liên tục.
 
Hãy tưởng tượng thế này nhé. Con dê đâu thích mưu mô, đâu thích xảo trá nhưng trước nguy cơ bị con sư tử vồ, bản năng của dê vẫn phải học chạy, học ẩn mình, học trò man trá để tồn tại. Bạn sinh ra vốn hiền lành, ghét tranh đua và ưa nhàn nhã thong thả. Nhưng cuộc sống ồn ào và ầm ầm di chuyển này không cho phép bạn sống như thế đâu.
 
Con người có vô vàn mâu thuẫn bi kịch. Một trong những bi kịch đó là, phải mưu mô và thủ đoạn cho dù bạn có thích điều đó hay không. Cuộc chơi ở nhân thế không cho phép bạn ngây ngô và trong sáng. Đó là sự thật không ai chối cãi được.
 
Muốn vượt sông, bạn phải có công cụ, có kỹ năng làm việc, có trí khôn, có mưu mô xử thế. Muốn sinh tồn và né tránh kẻ thù, ta cũng cần có kỹ năng, kiến thức, và những thủ đoạn sinh tồn. Lúc này, sự ghi nhớ kiến thức, học tập từ sách vở, từ bạn bè, từ công việc, từ sư phụ, từ cha mẹ lại rất ý nghĩa. Trí nhớ lúc này thật phát huy đúng tác dụng.
 
Một lần đọc cuốn sách THUẬT XỬ THẾ VÀ GIAO TIẾP của Dales Carnigie, tôi thấy một luận điểm thú vị. Ông ta tuyên bố muốn giao tiếp giỏi, buộc lòng bạn phải có trí nhớ tốt. Nghe qua thì phi lý nhưng nghĩ kỹ thì phát biểu này thật xác đáng.
 
Ví dụ như nghe chuyện của người, ta nhớ được, kể lại được thì ta mới bày tỏ được tấm lòng quan tâm và đối phương sẽ rất tin yêu ta. Thật tuyệt vời nếu chỉ một lần tiếp xúc, bạn nhớ hết được tên người ấy, địa chỉ nhà ở, tên công ty và thậm chí tên con của người ấy. Nếu bạn có thể nhớ được sở thích và ước mơ của người ấy thì mối quan hệ của bạn với người ấy sẽ nhanh chóng gần gũi và thân thiết. Đã gần gũi thân thiết thì bạn làm gì cũng đâu còn khó khăn gì nữa, dù là bán hàng, giảng dạy hay yêu đương.
 
Ghi nhớ tốt còn giúp ta có tư liệu để tư duy, liên tưởng và sáng tạo. Người Tây gọi là soup for brains. Bạn sẽ lấy gì để liên tưởng và sáng tạo với một cái đầu quá ít thông tin lưu trữ sẵn?
 
TRÍ NHỚ CỦA TÔI
 
Tôi có một trí nhớ khá đặc biệt. Những công thức toán học, vật lý, cách giải phương trình bậc hai…tôi vẫn nhớ khá nhiều dù 30 năm không dùng đến. Còn thơ văn thì khỏi nói, ai từng biết tôi đều khinh hãi (tôi phải dùng từ này) trước những gì tôi ghi nhớ được. Nếu bạn chưa biết, sao không gặp tôi để thẩm tra đích xác?
Nhưng trái với lời của Thanh Tịnh, tôi thấy trí nhớ của tôi giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc. Cái nhớ của tôi không phải để ủ ê hoài cổ. Tôi cũng không nhớ để căm thù hay giữ hận trong lòng như anh em hai miền Nam Bắc Việt Nam sau chiến sự. Tôi kể chuyện lịch sử như kể chuyện vui, tếu táo cho sướng tai sướng mồm. Chả để làm gì cả.
 
Còn với tiếng Anh và viết văn, trí nhớ giúp tôi viết rất nhanh và liên tưởng rất mau lẹ. Tóm lại, tôi vẫn thấy trí nhớ nhiều, nhớ nhanh, nhớ dai là rất tốt.
 
PS:
Những tay ca ngợi sự trong sáng vô tư hồn nhiên và phủ định vai trò của ghi nhớ thông tin đều là những tay kiệt xuất về ghi nhớ và nạp thông tin siêu hạng. Đặng Thân cả đời phủ nhận vai trò của đọc sách, học thuộc lòng, phủ nhận cả công nghệ, phủ nhận mọi thứ thuộc về tích lũy thông tin. Nhưng chính ngài ấy có một bộ não chứa thông tin siêu khủng và ngài đọc sách điên cuồng. Nếu tri thức của tôi là một cành cây thì tri thức của họ Đặng là cả khu rừng. Không đọc sách, không ham học, không nằm bò ra tra cứu mà có được ư? Hãy nhìn những thứ Đặng Thân làm. Chớ nghe những điều Đặng Thân nói.
 
Thích Ca luôn ca ngợi sự buông bỏ và phủ nhận vai trò của tri thức, phê phán sự cầu tri kiến nhưng trước khi buông, ngài đã nắm rất nhiều. Ngài đã học hết kinh điển và các môn khoa học của Ấn Độ lúc bấy giờ. Hãy nhìn những điều Thích Ca làm, chớ nghe những điều Thích Ca nói.
 
Những kẻ qua sông rồi thì luôn miệng nói thuyền bè là vô dụng. Nhưng bạn đã qua sông chưa?
 
…………..
 
MỌI THÔNG TIN XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ: 0966.878.299 (ZALO).
 

Related posts

TALKSHOW – ELYH – THÁNG 3/2022

Đỗ Cao Sang

HẠNH PHÚC Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ

Đỗ Cao Sang

CÓ HẸN VỚI TRƯỜNG PTTH ĐÔNG TIỀN HẢI – THÁI BÌNH

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment