Trước hết, xin các cô chớ vội kết luận rằng mình viết mấy lời này là để dạy bảo, hay để đưa ra những lý thuyết nhạt nhẽo. Đừng nghĩ mình là kẻ ngồi lồng kính biên soạn chủ trương và ấp ôm nghị quyết. Không, mình là kẻ học từ thực tế, sách vở và Phật học. Nghĩa là được ké cẩm chút xíu ánh sáng của đạo lý tỉnh thức. Mình không phải một giáo sư đeo kính bằng đít chai, ngồi gò gẫm tra cứu tâm lý học đường với những thuật ngữ inh tai nhức óc.
Mình biết các cô vô cùng vất vả và cực nhọc, đã thế, đồng lương các cô nhận về thực sự là không thỏa đáng.
Theo mình, có hai nguyên nhân: Các cô tự làm khổ mình và thứ hai, nghề bảo mẫu và dạy cánh trẻ con quả là chẳng dễ dàng gì. Một số kẻ quan liêu bảo rằng, hễ yêu trẻ là làm được ngon lành. Bọn ấy đều là giáo điều cả.
—000—
Mình sẽ phân tích cặn kẽ để chúng ta cùng cảm nhận và thông hiểu với nhau.
Nói các cô tự làm khổ mình cũng không hẳn sai. Các cô luôn muốn cả lớp răm rắp làm giống nhau và đều tăm tắp như cái máy. Tâm lý này không chỉ các cô mầm non mà đa số cha mẹ và các giáo viên cấp cao hơn cũng mang nặng trong lòng. Ví dụ, trong giờ ăn trưa, cháu Tồ không ăn mà lại ngồi đọc sách. Cháu Tí không ngủ trưa mà lại ra ngồi chơi ghép hình. Các cô sẽ cảm thấy bực mình và có thể giận dữ vì điều đó lắm. Đó là một tư duy và một tâm lý sai hoàn toàn, thậm chí phản giáo dục.
Tồ không ăn trưa nghĩa là Tồ không đói. Tí không ngủ trưa là vì Tí không buồn ngủ. Các cô chỉ nên can thiệp khi Tí và Tồ phá đám bạn khác, chơi trò nguy hiểm cho bản thân và có thể gây thương vong cho bạn khác. Giáo dục đích thực là để trẻ em tự khám phá và phát triển tài năng thiên bẩm của chúng. Tí và Tồ tiềm ẩn “nguy cơ” trở thành hai thiên tài xuất chúng trong tương lai. Bởi vì, những trẻ ham việc gì đó mà bỏ ăn bỏ ngủ đều là mầm mống thiên tài cả. Các cô mà chặn đứng sự khám phá riêng tư của chúng đồng nghĩa là các cô đã từng ngày giết chết các thiên tài.
Ăn và ngủ là hai phản xạ sinh học rất đơn giản. Đói thì ăn, khát thì uống. Không ăn, không uống nghĩa là không đói và không khát. Các cô hãy gửi bài viết này cho các phụ huynh để họ không dày vò và làm khổ các cô nữa.
Các cô, nếu thông hiểu về giáo dục, việc dạy trẻ có lẽ sẽ nhàn hơn. Cụ thể là, các cô chỉ nên can thiệp khi xảy ra bốn tình huống sau:
1. Trẻ làm điều nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân chúng.
2. Trẻ làm điều nguy hiểm đến sức khỏe của người khác, loài khác, vật khác.
3. Trẻ phá rối, nhiễu loạn sự bình an của người khác.
4. Phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bệnh hoặc vấn đề sức khỏe kém.
Ngoài ra, chúng làm gì thì kệ chúng. Ăn hay ngủ. Chơi hay đọc sách. Chơi một mình hay chơi tập thể. Mấy chuyện đó không nên câu nệ. Einstein, Newton và Mary Curie cả đời không chơi xã giao với ai. Từ nhỏ đã lủi thủi một mình. Thế đấy, thiên tài thường vậy cả. Ông trời đã cho trẻ sẵn năng lực khám phá và một thiên hướng để đi, như ngọn đuốc rực cháy bên trong rồi đó.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là việc dạy trẻ sẽ nhàn. Các cô còn chịu áp lực bởi phụ huynh và các cấp quản lý. Quản lý luôn muốn các con chăm ngoan và giống nhau như trại lính. Phụ huynh muốn con mình được uống sữa đúng bữa, đúng giờ. Hai đối tượng đó ép các cô lâm vào cảnh tấn thoái lưỡng nan. Vậy thì, các cô hãy gửi bài viết này cho họ. May ra gỡ gạc được chút nào áp lực đè lên đôi vai nhỏ bé của mình.
Không những áp lực từ hai phía ấy, các cô còn phải chịu một thảm kịch khác. Đó là người ta sinh ra không giống nhau về tính khí. Tính khí của con người là tiếng vọng kết tập lại của nhiều nhân duyên từ xưa dội lại. Bên Phật học gọi là kiết sử. Việc này nếu mình giải thích, có lẽ phải mất một buổi. Ta cứ tạm hiểu rằng, lý thuyết “trẻ em là tờ giấy trắng” là hoàn toàn phi lí. Trẻ em không trắng cũng không đen, chúng sinh ra là kết tập của các hành vi tích tụ từ hàng tỷ sự sống trước đây mà người ta gọi là nghiệp.
Vua A Xà Thế đẻ ra đã thích giết người. Trái lại, có trẻ từ bé đã có giác ngộ cao siêu, 9 tuổi đi giảng pháp cho cả ngàn người. Đó là sư cô Thanh Tâm (Hòa Hảo giáo phái ) ở Miền Tây mà nhiều người từng biết.
Vậy thì, các cô đừng cầu toàn. Mỗi sáng thực dậy, các cô phải mỉm cười, hài lòng và vui vẻ. Mỗi tối trước khi ngủ, các cô kiểm điểm lại xem mình có làm gì trái lương tâm và đạo lý hay không. Nếu sai thì hôm sau phải sửa. Luôn hoàn thiện bản thân tốt dần lên trong tri thức, trí tuệ, phẩm hạnh, kỹ năng. Làm được vậy, các cô đã tuyệt vời rồi. Các cháu hư đốn hay ngoan hiền, kém cỏi hay giỏi giang, một phần lớn phụ thuộc vào nghiệp, hay kiết sử của các cháu nữa. Đừng nên cầu toàn các cô nhé.
Mấy lời mình nói trên đây không diễn tả đủ ý tứ của mình. Nếu có dịp, chúng ta sẽ gặp nhau và bàn sâu thêm về chủ đề nuôi dạy trẻ. Chúc các cô an vui và hạnh phúc. Các cô hạnh phúc sẽ khiến các con hạnh phúc. Thế giới, từ đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn!