Đỗ Cao Sang

CHỐI TỪ CƠ HỘI – NGHỆ THUẬT SỐNG ĐỈNH CAO

Ở kỷ nguyên chúng ta, mỗi cá nhân, thay vì tìm kiếm cơ hội, vồ lấy cơ hội, nắm bắt cơ hội, tạo ra cơ hội…, chúng ta cần phải học cách NÓI KHÔNG với các cơ hội.

Bạn nghe qua có vẻ kì cục phải không? Thực tế đây là một lời khuyên khôn ngoan nhất cho tuổi trẻ ngày nay.

Nhớ lại thời xưa, khi công nghệ thông tin và internet còn chưa xuất hiện. Để gặp được cơ hội thi triển tài năng, cơ hội tiếp cận giáo dục, tiếp cận tư liệu sách vở là một điều hiếm hoi và quý giá. Hiếm đến nỗi, để gặp nhà vua, mong dâng hiến tài sức vì sự hưng quốc an dân mà cũng phải chạy xuôi chạy ngược, vô cùng khó nhọc. Trước hết, anh ta phải gặp được tay quản gia của một quan tể tướng. Sau đó nhờ hắn cho gặp tể tướng để trình bày tài năng và nguyện vọng. Rồi lại nhờ tên tể tướng cho gặp vua. Tất thảy những bước đi đó, anh ta đều phải chi ra rất nhiều tiền bạc. Do đó, kẻ nghèo khó thì coi như bó tay luôn. Bởi thế mới có chuyện chàng tuấn kiệt nghèo khổ Phạm Ngũ Lão phải giả vờ đan sọt giữa đường, nhằm tiếp cận Hưng Đạo đại vương. Đó là chiến thuật PR bản thân cực khôn và khéo léo của Phạm Ngũ Lão.

Xa hơn thì có Khương Tử Nha (Lã Vọng) giả vờ câu cá bằng cây kim thẳng đứng để thu hút sự chú ý của vua Văn Vương ở đời nhà Chu bên Trung Quốc. Phùng Hoan thì gõ gươm hát nghêu ngao để đánh tiếng với Mạnh Thường Quân ở thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Các bạn nên tra google mấy điển tích này, đọc để mở mang tri thức.

Hẳn dân đọc sách còn nhớ chuyện nàng Chiêu Quân, một trong 4 đại mỹ nhân của Trung Hoa, chỉ vì không chịu đưa tiền đút lót cho tên thái giám hậu cung và bọn họa sỹ mà chịu số phận đau khổ nhiều năm trời. Số là ngày xưa, vua có nhiều cung tần mỹ nữ đến nỗi không thể đến gặp mặt tất cả. Người ta phải vẽ tranh, đóng thành catalogue, và đưa lên cho vua chọn. Cô nào đưa tiền cho họa sỹ thì được vẽ đẹp, đưa ít tiền hoặc không tiền thì bị vẽ xấu xí đi. Chiêu Quân bị dính đòn như thế. Đúng là một chuyện thật như bịa thời 0.4.

Chả bù cho thời 4.0 bây giờ, gái đẹp chỉ cần quăng dăm ba cái ảnh lên phây là có ngay hàng ngàn LIKE, tiếng đồn khắp thiên hạ. Bọn thái giám hết cửa làm ăn. Cũng như thế đó, tài năng như Phạm Ngũ Lão cũng chẳng cần đan sọt đợi ai. Chỉ cần lên FB đăng bài, hoặc tạo một vài cái profile quăng lên mạng là các công ty, tập đoàn lũ lượt gọi mời về. Lúc ấy, nói không với các cơ hội lại là bản lĩnh hơn đời của kẻ trí nhân.

Cũng như thế, trong giáo dục, ngày xưa, người ta phải lặn lội khổ sở mới đến được nhà thầy giỏi. Muốn thầy nhận cho vào học còn phải đủ đạo đức và tư cách. Khi dạy, thầy rút cuốn sách ở cạp quần ra, thi thoảng nhả cho vài chữ. Học trò đớp lấy đớp để, nghiền ngẫm cả tuần.

Bây giờ thì sao? Mở youtube ra thì cơ man nào là sách, video, bài giảng, phim, bản tin…đủ mọi thể loại. Giảng dạy từ việc gấp con hạc giấy cho đến sửa xe máy, học tiếng Anh, học excel, tin học văn phòng. Người học như muốn chết ngập trong bể thông tin. Chẳng những vậy, ngoài youtube còn có hàng tỷ trang giáo dục, sách bản mềm, vài tỷ kênh chia sẻ kiến thức của thập cẩm các loại diễn giả và nhà đạo tạo.

Vậy thì tại sao phải đi tìm kiếm cơ hội?

Hãy để cơ hội tìm kiếm bạn. Rồi từ hàng ngàn cơ hội ấy, bạn chọn ra một cái đúng với tiêu chí của mình rồi đi theo một cách kiên trì.

Thời này, thanh niên phải học cách buông và học cách nắm. Nắm lấy một thứ và buông bỏ những thứ vớ vẩn và ít quan trọng.

Cũng giống như đọc sách vậy, đọc cuốn nào cũng tốt cả, nhưng bạn phải đọc thứ mình cần trước để tinh thông, thành thạo cái nghề mình làm trước. Đọc sách cũng lại giống như chọn bạn, phải chơi và dành thời gian cho những kẻ xứng đáng làm bạn trước. Mà theo tôi, tuổi trẻ nên hạn chế tào lao với bạn bè. Chỉ nên gặp chúng nó để chơi thể thao xong rồi về. Nếu phải gặp ai đó vì công việc thì xong việc cũng về luôn.

Steve Jobs nói: “Học nói không với các ý tưởng luôn quan trọng hơn việc tập trung vào một ý tưởng. Phải biết buông bỏ 100 để nắm lấy 1 là điều khó khăn nhất trong đời tôi.”

Jack Ma cũng nói: “Tập trung nghĩa là nói không với các cơ hội. Vì mỗi ngày, tôi nhận được hàng ngàn ý tưởng trình lên từ nhân viên. Cứ chạy theo mấy ngàn dự án ấy thì tôi phá sản trong nháy mắt. Mặc dù những đề án đó không tệ chút nào.”

HAI LOẠI NHÂN VIÊN TỐT

1. Nhân viên sẵn sàng vì chủ mà hy sinh có phải là nhân viên tốt không?

Trong một tổ chức thường có hai loại nhân viên được coi là tốt. Một là bán mạng cho chủ, hai là bán mạng cho tập thể. Lãnh đạo có tầm thì YÊU QUÝ loại thứ nhất nhưng TRỌNG DỤNG loại thứ hai.
Ngày xưa Tào Tháo có Hứa Chử, Điển Vi sẵn sàng vì Tào Tháo mà lăn xả. Tào Tháo yêu quý vào thưởng hậu cho hai vị tướng này nhưng không dùng vào việc lớn. Bên Lưu Bị thì có Triệu Vân. Ông Trần Hưng Đạo có Yết Kiêu, Dã Tượng.

2. Người ta hay lấy Triệu Vân ra làm kiểu mẫu nhân viên mẫn cán, trung thành. Ý thầy thế nào?

Triệu Vân rõ ràng là một tướng tài, có cái vũ dũng vạn phu bất địch. Nhưng ngắm qua công trạng của Vân thì phần lớn là xả thân vì chủ hoặc con chủ. Ở Đương Dương chém 60 tướng của Tào cũng chỉ là để cứu A Đẩu. Hộ tống Lưu Bị sang Đông Ngô hỏi vợ cũng lập công lớn. Những công đó đều là vì chủ mà lăn xả. Đương nhiên ông chủ nào cũng quý loại nhân viên này. Nhưng ông chủ có tầm thì sẽ không cho họ chức quyền cao. Kẻ dám hy sinh vì chủ thì không còn trí lực dành cho tập thể nữa. Steve Jobs nói: Tôi cần loại nhân viên xả thân vì APPLE chứ không phải xả thân vì tôi hay vì gia đình anh ta.

3. Câu chuyện ông Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá hình như cũng liên quan chủ đề này?

Ngày xưa đời Lý, Tô Hiến Thành là một đại thần đầu triều rất thanh liên và chính trực. Trước khi mất, ông mắc bệnh liệt giường cả ba tháng trời. Có ông quan là Võ Tán Đường thường lui tới thăm nom rất chu đáo. Võ Tán Đường tự tay nấu thuốc, bưng cơm, rót nước hàng ngày. Trái lại, ông quan khác là Trần Trung Tá thì rất ít ghé thăm vì bận đi lo hộ đê chống lũ lụt. Ở trong triều, Trần Trung Tá cũng thường có tranh cãi đối khẩu với Tô Hiến Thành.

Đến ngày lâm chung, Đỗ thái hậu, mẹ đẻ vua Lý Cao Tông, đến giường hỏi: “Sau khi trọng phụ qua đời, tôi nên lấy ai trông coi việc đại sự?” Tô Hiến Thành nói: “Tôi tiến cử Trần Trung Tá!” Thái hậu hỏi: “Sao không phải là Võ Tán Đường?” Tô Hiến Thành nói: “Nếu thái hậu cần người bưng cơm rót nước, tôi xin tiến cử Võ Tán Đường. Nhưng việc quốc gia đại sự, tôi tiến cử Trần Trung Tá.” Như vậy, kẻ đại trí có tầm nhìn xa thường công tư phân minh. Họ phân biệt rõ ràng giữa tư tình và công việc. Kẻ xả thân vì chủ chưa chắc đã tốt cho tập thể và kẻ tốt cho tập thể chưa chắc đã yêu quý ta. Nhưng đã là lãnh đạo, phải biết đặt cái cộng đồng lên trên cái tình ý cá nhân.

4. Nếu loại nhân viên xả thân vì chủ được trọng dụng thì hậu quả ra sao?

Hậu quả là ông chủ đó sẽ có một loạt nịnh thần ở xung quanh. Những bọn tài năng, chính trực sẽ bỏ đi hết. Nhân viên bắt đầu chăm chú vào việc đón con cho chủ, chia bài tổ tôm cho sếp. Thậm chí đút cơm cho sếp trên bàn nhậu. Kẻ tài năng chính trực sẽ không thể vui vẻ và chấp nhận một môi trường như vậy.

5. Nói như vậy nghĩa là chủ sáng suốt chỉ nên thưởng hậu cho kẻ xả thân vì mình chứ không nên dùng vào việc lớn. Nhưng người nhân viên kia vẫn thích làm việc lớn thì sao?

Thì phải đào tạo và giáo dục cho anh ta thêm cái đức hy sinh vì tập thể. Nếu đạt chuẩn thì dùng. Không đạt thì đành phải hy sinh người đó thôi.

6. Có loại nhân viên vừa xả thân vì chủ, vừa xả thân vì công ty không?

Có. Nhưng rất hiếm.

 

Related posts

BÍ MẬT CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

Đỗ Cao Sang

HỘI THẢO VỚI THẦY ĐẶNG THÂN NGÀY 18/4/2021

Đỗ Cao Sang

LƯƠNG TÂM CON TRẺ

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment