Gần đây tôi phát hiện ra một nghịch lý tồn tại phổ biến: Nhiều anh chị biết đọc sách là thiết yếu thì hầu như rất ít đọc sách. Rất nhiều anh chị biết vai trò của tiếng Anh lại không thể nào học được tiếng Anh.
Tôi giao lưu với một vài người, có cả già và trẻ, họ thao thao giảng về tác dụng của sách và việc đọc sách. Kỳ thực, sau khi chơi với họ hai tháng, tôi nhận ra họ không hề đọc sách như họ nói. Trong quá khứ, họ đọc vài cuốn nhưng tuyệt nhiên không nhớ được gì. Tương tự như vậy, tôi biết một số doanh nhân, một số chị em xinh (nữ doanh nhân, ca sỹ, người mẫu…) rất muốn nói tiếng Anh nhưng không tài nào học được.
Kể cũng lạ điều này vì học Tiếng Anh thực ra không khó. Vấn đề cơ bản của học ngoại ngữ là học thuộc và bắt chước kiểu vẹt (parroting). Thấy họ nói sao thì ta làm nguyên xi như vậy (imitation, mimicry). Đơn giản vậy thôi. Không cần tư duy hay suy ngẫm gì cả. Như vậy, một người học tiếng Anh không thành công không thể đổ lỗi cho chỉ số IQ được.
Hiện nay, một bản mường xa xôi như quê tôi, Mù Căng Chải, cũng có sóng wifi và sóng 3G bắn chiu chíu. Vậy không thể đổ tội là mình không có phương tiện để học.
Câu trả lời cho hiện tượng này chính là tâm THAM. Vì tham và ôm nhiều kế hoạch, nhiều dự định, nhiều công việc nên tâm chúng ta bị vọng động. Học và đọc sách lại cần một tâm thức an nhiên, tĩnh lặng.
Học tiếng Anh cũng vậy. Bạn càng khát khao biết nói thì bạn càng thất bại. Bạn càng có lòng tham IELTS tám chấm thì bạn càng dễ vỡ mộng. Hãy học trong sự tĩnh lặng và an nhiên. Như hít thở, như ăn cơm, như bao công việc hàng ngày bạn vẫn làm. Đừng đặt vào đó những kỳ vọng và khát khao. Càng kỳ vọng thì càng sợ hãi và lo lắng. Hãy biến việc học và đọc thành một THÓI QUEN.
Trong thiền tập cũng vậy, đừng nghĩ thiền để làm gì. Hãy ngồi thiền như một thói quen.
“Học Năng Đoạn Kim Cương, Quản Lý Nghiệp để giàu có bền vững”.
“Ngồi thiền để được bình an.”
“Làm việc thiện để có sức khỏe và hậu báo tốt.”
Tất cả những ý niệm này đều là ma chướng chặn đứng con đường đi lên tỉnh thức và giác ngộ.
Chỉ khi nào hành vi đọc, hành thiện pháp, diệt ác pháp và việc học trở thành THÓI QUEN thì bạn mới thực sự tiếp cận được và bền bỉ được với tri thức.
Tóm lại, khi tâm bạn còn tham đắm và vọng động, bạn đừng bao giờ hy vọng học được tiếng Anh và đọc nổi một cuốn sách theo đúng nghĩa của nó.