Đỗ Cao Sang

MARKETING VÀ PHẬT-KETING

HỎI:
Có lần tôi nghe thầy kể về phong cách làm việc của Apple. Xin được nói cụ thể hơn.

ĐÁP:
Bữa ấy là sáng thứ Hai. Steve Jobs bước vào phòng họp hội đồng kỹ thuật. Tay anh cầm cái máy Iphone 4 phiên bản mẫu. Với vẻ mặt đầy nghiêm nghị, Jobs nói:

– Chúng ta cần phải tạo ra một chiếc điện thoại hoàn hảo nhất thế giới. It nhất là ở điểm này. Nghĩa là tương lai nó sẽ không còn hoàn hảo nhưng ngay phút này, chiếc điện thoại chúng ta làm ra phải là tốt nhất và đẹp nhất. Thật đáng tiếc, sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận thấy chiếc iphone 4 này chưa toàn mỹ (không phải Cao Toàn Mỹ). Bởi lẽ đó, tôi đề nghị chúng ta làm lại từ đầu.

Mọi người ngã ngửa. Chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày thông cáo báo chí để trình làng iphone 4, công trình mà hàng trăm người đỉnh cao của trí tuệ đã phải cật lực nghiên cứu trong 3 năm. Bây giờ làm lại từ đầu ư? Cả hội đồng kỹ thuật lặng đi 5 giây. Đột nhiên một người đứng lên nói:

– Tôi theo anh, Jobs. Tôi theo anh!
– Cho tôi theo với!
– Cho tôi theo với!

Những cánh tay liên tiếp giơ lên. Họ sẵn sàng đập bỏ thiết kẻ iphone 4 đó để làm lại từ đầu.

Chuyện như thế này không xảy ra ở nhiều nơi. Bạn khó có thể tìm thấy công ty nào khó tính với chính mình như Apple. Và bạn cũng sẽ vô cùng khó để tìm ra ai kỹ tính và đặt ra tiêu chuẩn cao cho sản phẩm như Steve Jobs.

Đây là kinh doanh kiểu THIỀN HỌC. Hướng vào bên trong để truy tìm sự thật.

HỎI:
Tôi thấy người ta thường dạy nhau về vai trò của phòng thị trường, tầm quan trọng của điều tra thị trường và nghiên cứu thị hiếu, xu thế xã hội…Nếu nắm bắt được cảm xúc và xu thế xã hội thì sẽ thành công rực rỡ kể cả sản xuất hay dịch vụ. Apple có vẻ như làm ngược lại?

ĐÁP:
Apple có kiểu kinh doanh thượng đẳng do Jobs tạo nên. Nó không cần điều tra thị trường và ve vãn cảm xúc, thị hiếu của khách hàng. Họ lấy chính mình, tiêu chuẩn do mình đặt ra để làm thước đo cho sản phẩm.

Điều này khá rủi ro. Nếu thước đo ấy thấp hoặc phiến diện thì sản phẩm theo đó, sẽ lỗi và thất bại. Nhưng khi thành công thì lại cực kỳ rực rỡ. Vì tư duy này giúp công ty giảm chi phí rất nhiều. Cũng làm cho bộ não của đội ngũ được thông suốt và tối giản hóa.

Điều tra thị trường là lối tư duy phổ biến của khoảng 90% các công ty hiện nay. Họ làm vậy vì sợ hãi. Không tin bản thân mình. Họ phải hướng ra bên ngoài để củng cố niềm tin và nghị lực. Đạo lực và tiêu chuẩn thẩm mỹ, chất lượng của họ bấp bênh và hơi thấp nên mới có sự lo sợ đó.

HỎI:
Hình như điểm này rất giống với Thiền học?

ĐÁP:
Đúng vậy. Kẻ yếu bóng vía và nội lực thấp thì ít có an nhiên tự thân. Anh ta phải hướng tâm ra ngoài để mong cứu viện. Tâm biến động theo dòng đời biến loạn. Trái lại, kẻ nội lực mạnh thì tìm thấy an lạc ở chính mình. Không cần hướng đi đâu cả. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Tuy nhiên, khi yếu thì đừng nên ra gió. Biết thân biết phận mình kém thì nên làm theo 90% dân kinh doanh đang làm là an toàn hơn cả.

HỎI:

Vậy kẻ đạo lực thấp luôn phải chịu thấp mãi sao?

ĐÁP:

Không hẳn. Anh ta có thể tu dưỡng, rèn luyện, chân thành, khiêm cung học hỏi để nâng tầm tâm thức. Chỉ có tâm thức, năng lực bên trong nâng lên thì anh ta mới được giải phóng khỏi sự chi phối của thị trường. Thậm chí anh ta có thể giáo dục và chi phối lại thị trường. Apple là một ví dụ. Thị trường không tác động nhiều vào iphone mà chính iphone đã làm cho loài người bị phụ thuộc vào nó.

HỎI:
Có phải Jobs đã từng bại trận với tư duy lấy mình làm chuẩn mực?

ĐÁP:
Đúng thế.

Anh ta đã bại với Next, với Masintosh và nhiều sản phẩm khác. Gần đây là dự án iTV và iMovie. Chuyện đó cũng dễ hiểu. Không phải lúc nào tự mình cũng làm chủ được tình hình. Như hôm trước tôi đã nói, thành bại của một dự án hay một cá nhân còn tùy thuộc vào hàng nghìn nhân duyên khác, trong đó có nghiệp lực ở quá khứ nữa.

HỎI:
Bản thân thầy đang theo trường phái nào? Ve vãn thị hiếu khách hàng để kiếm tiền hay lấy mình làm trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng dịch vụ?

ĐÁP:
Tôi ủng hộ Steve Jobs. Tuy nhiên tôi không kiên quyết và mãnh liệt với chính lý tưởng của tôi. Nói cách khác, đạo lực của tôi chưa cao lắm.

Người nào làm theo ý của chính mình vì đó là hay và đúng thì thường nghèo tiền. Ví dụ thế này, có một ông bác sỹ mở phòng tư. Nếu ông ta khuyên bệnh nhân theo đúng khoa học và lương tâm thầy thuốc thì ông ta sẽ phá sản và nghèo nàn cả đời. Ông ta phải dối trá, lừa bệnh nhân làm đủ các trò nội soi và xét nghiệm. Ông ta phải bán loại thuốc gọi là xịn mà bệnh nhân vốn dĩ không cần. Như thế mới giàu được. Tôi cam đoan các bác sỹ tư và phòng dược tư đều ít nhiều làm bậy như vậy. Vì theo sở học của tôi về y khoa và dược thì con người vốn dĩ không mấy khi cần thuốc và cũng không cần chữa bệnh. Con người có cơ chế tự chữa lành rất hiệu quả mà tạo hóa ban cho từ lúc mới sinh ra.

Đấy. Các ngành khác cũng thế. Từ trường học đến nhà thương. Từ chính trị gia đến thầy chùa. Bạn không dối gạt và ve vãn thị hiếu u mê và tham ái của khách hàng thì cơ hội kiếm nhiều tiền là rất ít.

Tôi luôn làm cái tự mình cho là đúng nên suốt đời chỉ có 3 y một bát. Khất thực qua ngày. Muốn giàu, phần đa số chúng ta phải ve vãn và lừa gạt cảm xúc khách hàng. Marketing là vốn là thế. Ma đứng đầu các pháp. Ma là chủ tạo tác của mọi hành vi Marketing. Phật-keting chính là Steve Jobs vậy.

Nói thế cho vui chuyện chứ thực sự marketing, dù có nhiều thủ đoạn gian trá thì xét cho cùng nó cũng chỉ là công cụ. Ác hay thiện còn tùy vào người sử dụng nó ra sao.

Related posts

HÃY NGHE TÔI KỂ…

Đỗ Cao Sang

KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC

Đỗ Cao Sang

CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment