Đỗ Cao Sang

SỰ KHỐN CÙNG CỦA SÁCH SELF-HELP

SÁCH SELF-HELP LÀ GÌ?
 
Đây là thể loại sách tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc và khai mở tư duy thành công với những tên tuổi nổi tiếng như Jack Canfield, Napoleon Hill, Adam Khoo…Những sách self-help có tiếng ở Việt Nam bao gồm CHA GIÀU, CHA NGHÈO, DẠY CON LÀM GIÀU, BÍ QUYẾT TAY TRẮNG THÀNH TRIỆU PHÚ, LÀM CHỦ TƯ DUY-THAY ĐỔI VẬN MỆNH… Ở Sài Gòn, thể loại sách này có từ trước 1975 với tác phẩm nổi tiếng là ĐẮC NHÂN TÂM do cụ Nguyễn Hiến Lê dịch.
Thể loại sách này rộ lên ở Việt Nam khoảng tầm 17 năm nay. Chúng đem lại cho tác giả, nhà in và các chương trình giảng dạy ăn theo hàng trăm tỷ USD. Ở Việt Nam có ông Phạm Thành Long kiếm hàng trăm tỷ VND mỗi năm nhờ công cụ này. Sách self-help và các khóa học truyền động lực là vô cùng cần thiết và là hòn đá tảng trong kinh doanh đa cấp và bảo hiểm.
Gần đây, tôi tình cờ đọc được một bài viết mổ xẻ tính chất sai lầm và phản động của sách self-help. Lời lẽ trong bài đó rất táo tợn và dữ dội. Bản thân tôi không đánh giá sách self-help tệ hại đến như vậy. Tôi chỉ nhận định rằng loại sách này có những tác dụng rất lớn nhưng cũng có những điểm yếu chí mạng trong lập luận nền móng.
Ở đời, muốn khen một thứ gì đó thì dễ. Muốn chê cái gì đó (có bài có bản) thì rất khó. Bởi vì khen thì không hiểu cũng khen được nhưng đã chê thì phải hiểu sâu và cặn kẽ. Nếu không sẽ bị phản đòn dữ dội. Tôi không tự mãn nhưng có thể khẳng định mình đã đọc sách self-help đủ nhiều để chỉ ra điểm yếu của loại sách mà được hầu như tất cả giới trẻ tung hô này.
Tôi có một người bạn đã từng dự hầu như tất cả các bài giảng của các diễn giả bạc tỷ hiện nay. Anh ta thao thao giảng về các kiến thức học được với một giọng đầy hào sảng và hứng khởi. Tôi lặng yên nghe hàng giờ nhưng thú thực tôi không xúc động lắm. Nói chính xác hơn, tôi đã từng xúc động mạnh như cậu ta ở thời điểm cách đây 15 năm, khi tôi chưa nghiên cứu Phật giáo.
Sau khi nghe cậu ta nói xong, tôi bắt đầu chia sẻ về bản chất của thành công theo cách nhìn của Phật giáo và quan điểm của Phật giáo về khả năng giác ngộ và tiến hóa của cá nhân, bản chất của cảm xúc và NLP. Cậu ta chết lặng. Một tuần sau, cậu ấy đã dọn sạch những sách self-help và sống trầm mặc như một ông già. Cậu ấy quay ra nghiên cứu lý luận của Phật học và nhận ra: Phật giáo lý giải cuộc sống theo một cách rất công tâm và khách quan nhưng không hề phủ nhận nỗ lực cá nhân, không thủ tiêu sự phấn đấu. Trái lại, Phật giáo còn đặt sự nỗ lực của cá nhân ở tầm quan trọng cao hơn cả Tây Âu.
NỀN TẢNG LÝ LUẬN
Nền tảng lý luận mấu chốt của sách self-help là CON NGƯỜI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC TẤT CẢ, AI CŨNG THÀNH THIÊN TÀI NẾU BIẾT CÁCH VÀ KIÊN TRÌ THEO ĐUỔI MỤC TIÊU. Lý luận này khiến con người ta được thăng hoa, có niềm tin tuyệt đối vào bản thân và sự nỗ lực cá nhân. Khổ nỗi đây là một lý luận ngụy biện.
Trong Phật học, sự nỗ lực cá nhân luôn được khuyến khích và đề cao nhưng cái thành quả thì Phật khẳng định không phải ai cũng như nhau. Thành công của một cá nhân phụ thuộc vào chằng chịt những nhân duyên và tương tác phức tạp, tinh vi chứ không đơn thuần “muốn là được” như sách Tây thường viết.
Ví dụ thế này. Cũng là một ông Bill Gates nhưng ông ta sinh ở Mỹ thì khác mà ở Việt Nam sẽ khác. Cùng là Bill Gates, cùng sinh ở Mỹ nhưng sinh vào thế kỷ 19 sẽ khác, sinh vào thế kỷ 21 cũng sẽ khác biệt lớn. Vậy để có ông Bill Gates như chúng ta thấy thì ông ta phải sinh ở Mỹ, trong điều kiện môi trường ấy, thời gian ấy mới ra kết quả như hiện nay. Điều này không ai có thể chối cãi được.
Ngoài ra, thiên tính bẩm sinh của mỗi cá thể cũng khác nhau. Mỗi cá thể chúng ta sinh ra có một hạt nhận thức bên trong như hạt sen ở đáy hồ. Trong thời gian 2 năm, với điều kiên môi trường như nhau nhưng có hạt thì ngoi lên mặt nước, thành cây sen, đơm hoa. Có hạt thì chỉ lấp ló mặt nước. Có hạt ra cây nhưng không ngoi lên khỏi mặt nước. Có hạt lại không thể mọc thành mầm. Nhận thức của con người cũng không đồng đều như vậy.
Chính Phật trong quá trình hành hóa, Ngài cũng thất bại nhiều lần khi gặp những kẻ có bộ não u mê và ác tính quá dày. Không phải ai Ngài cũng độ được dù cho đạo lực của Ngài rất cao siêu.
Nhưng Phật không hề thủ tiêu nỗ lực mà luôn cho rằng chỉ có chính cá nhân mỗi con người mới giải thoát và đem lại hạnh phúc cho bản thân anh ta, không thể trông ngong ở thế lực bên ngoài.
 
CẢM XÚC
 
Ai đọc nhiều sách self-help đều nhận ra tác động mà sách đem lại chỉ nằm ở cảm xúc. Khi đọc sách và ngồi trong phòng học thì hừng hực khí thế tự tin và quyết tâm cao độ. Khi ra khỏi sách khoảng 1 tuần thì cảm hứng lại về số 0. Một số khác thì chuyển sang trạng thái quá khích, cho rằng mình có thể xẻ núi lấp sông. Họ lao đầu vào những thứ khó xơi như thiêu thân mà không chịu học tập và rèn luyện dần dần từng bước nhỏ.
Cụ Lê Thẩm Dương nói cảm xúc là kẻ thù của thành công thì chỉ đúng một nửa. Cảm xúc có tác dụng đấy chứ. Trong tình yêu, ban đầu xuất phát là từ cảm xúc. Sau đó là tìm hiểu. Hiểu rồi thì mới có yêu thương đúng nghĩa. Nhiều cặp yêu không bền và đổ vỡ vì họ chỉ mới ở ngưỡng cảm xúc thì đã kết luận mình yêu và đi đến hôn nhân mà chưa trải qua giai đoạn tìm để hiểu.
Trong con đường đến với Phật cũng vậy. Người ta đến với Phật ban đầu là do cảm xúc mến mộ và tôn kính vô thức. Sau đó ta phải tiến tới tìm hiểu, chất vấn, nghi ngờ, phân tích, bắt bẻ để thấu hiểu Phật. Khi hiểu sâu rồi thì mới đi tới đi theo làm theo và đắc ngộ. Tiếc rằng dân chúng cũng thường chỉ dừng ở ngưỡng cảm tình mến mộ mà thôi. Rất ít ai hiểu Phật là gì.
 
CHỐT SALE
 
Chốt sale là thuật ngữ của dân kinh doanh, ý nói doanh số bán hàng tính đếm bằng số khách hàng thực sự mở ví nộp tiền sau khi thuyết phục.
Ở các lớp tuyên truyền bảo hiểm, đa cấp hoặc giáo dục đa cấp thường chốt sale vào cuối buổi – lúc cảm xúc của khách hàng thăng hoa tột đỉnh. Tỷ lệ chốt sale lúc đó cao ngất trời. Nhưng khi về nhà nằm thủ thỉ với vợ hoặc chồng thì mới vỡ lẽ mình đã chi tiền sai. Tại sao vậy? Vì khi cảm xúc thăng hoa, ta đã làm theo cảm xúc chứ không làm theo lý trí.
Cảm xúc đến rồi cũng sẽ có lúc ra đi. Nhưng thấu hiểu thì là mãi mãi. Tin yêu và mua hàng phải dựa trên thấu hiểu mới vững bền.
Bởi lý do này, người ta mới kết luận đa cấp, bảo hiểm là lừa đảo. Kết luận này hơi thái quá và oan ức. Nhưng thủ đoạn nhè lúc người ta không làm chủ được tuệ giác để chốt sale thì cũng chẳng khác lừa đảo là bao nhiêu.
Các lớp NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG, NLP của các diễn giả hiện nay luôn chốt sale vào cuối buổi học nhử mồi. Các lớp chia sẻ bán hàng đa cấp cũng vậy. Họ còn thuê cả học viên làm cò mồi. Bọn chúng ngồi bàn đầu hô hoán inh ỏi và mở ví xuống tiền ầm ầm để tạo hiệu ứng. Làm thế, nói là lừa đảo cũng chẳng oan là mấy.
Phật sinh thời không lừa ai bằng cảm xúc để thâu nhận đệ tử. Tôn giả Tu Bồ Đề sau khi nghe Phật thuyết pháp đã phủ phục xuống đất xin làm đệ tử. Bạn biết Tu Bồ Đề là ai không? Là một người đức cao vọng trọng nhất trong vùng, ai ai cũng ngưỡng mộ cả về tuệ giác và đức hạnh. Nếu có Tu Bồ Đề đi theo thì giáo đoàn của Phật sẽ cực kỳ thuận lợi. Nhưng Phật nói với Tu Bồ Đề: Ông về suy nghĩ thêm 10 ngày nữa. Đừng để cảm xúc nhất thời chi phố hành vi. Khi nào thực sự thấu hiểu giáo pháp của ta thì quyết định cũng chưa muộn.
Bởi vậy kẻ nào lừa người khác đi theo mình bằng cảm xúc và khích động nhất thời thì đều là ma giáo. Cho nên tôi mới khẳng định marketing và thuật bán hàng phương Tây dạy chỉ là những công cụ nhất thời. Rất dễ bị quần chúng sử dụng như một ma thuật.

Related posts

MARMATRIE

Đỗ Cao Sang

CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG

Đỗ Cao Sang

U23 TRẢ LỜI BÁO CHÍ GHÊ RỢN!

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment