Đỗ Cao Sang

TIẾNG ANH LÀ NGÔN NGỮ ĐA ÂM GHÉP LỎNG

(Sang Đỗ, trích sách Hướng Dẫn Tự Học Anh Văn)
 
Tiếng Anh thuộc dòng ngôn ngữ đa âm ghép lỏng. Tiếng Việt thuộc dòng ngôn ngữ đơn âm ghép chặt.
Cụ thể là gì?
Sở dĩ định dạng như thế vì kho từ vựng tiếng Anh chủ yếu gồm các từ nhiều hơn hoặc hai âm tiết. Ví dụ như father (2 âm tiết), important (3 âm tiết), congratulations (5 âm tiết), environmental (5 âm tiết). Bởi lẽ đó, khi nghe tiếng Anh, ta cảm giác như một dòng nước đang chảy, một dải lụa đang bay. Còn tiếng Việt lại cấu thành bởi toàn bộ các từ đơn âm. Ngôn ngữ chúng ta phát ra được người phương Tây ví như những củ khoai tây hoặc những quả bóng chày.
 
Ghép lỏng là đặc tính thứ hai của tiếng Anh. Dù là đơn âm (ten, send, car, from, dad, son, write…) thì tiếng Anh cũng không có kiểu phát âm như tiếng Việt. Cụ thể là sự ghép nguyên âm và phụ âm trong tiếng Anh khá lỏng lẻo. Giống như một dòng sữa hoặc chè mạch nha, người ta thấy chúng quyện vào nhau như một thể nửa rắn nửa lòng. Trái lại, tiếng Việt dính vào nhau rất chắc chắn và đông đặc.
 
Hãy nghiên cứu ví dụ sau đây:
 
Từ CAM nếu là một người Anh phát ra, sẽ kéo dài và thấy rõ được âm đầu, âm cuối. Nhưng nếu người Việt nói, sẽ là một thể rắn đặc không thể nhận diện đầu cuối nữa.
BÀI HỌC RÚT RA
 
Người Việt – những người có ngôn ngữ mẹ đẻ thuộc dòng đơn âm ghép chặt – học tiếng Anh gặp bất lợi cũng do điểm này mà ra. Chúng ta, theo đó, sẽ mắc 3 lỗi căn bản.
 
 
Một là lỗi phát âm thiếu phụ âm cuối (ending sounds) ở những từ liên quan. Lỗi này do ta ghép quá chặt nên khi nói tiếng Anh, ta mang thói quen này sang. Như thế, âm cuối của từ đương nhiên sẽ biến mất do bị dính chặt vào nguyên âm trước đó. Ví dụ, khi ta nói chữ sing, come, nine, fight, like thì các âm /ng/, /m/, /n/, /t/, và /k/ sẽ thỉnh thoảng “biến mất.”
 
Hai là lỗi không trọng âm (without word stress) khi gặp các từ đa âm tiết. Đây là lỗi rất điển hình, nghiêm trọng và là lỗi lớn nhất của người Việt khi nói tiếng Anh. Cũng do tiếng Việt không có trọng âm. Từ đơn âm thì làm sao có trọng âm được! Nói cách khác, âm nào cũng là trọng âm cả. Bởi thế, ta cũng mang thói quen này sang tiếng Anh. Ta phải chú ý và thực sự nghiêm túc với vấn đề này. Sai trọng âm thì không thể nào nói tiếng Anh hay được. Đương nhiên, cả khi nghe cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không nhỏ.
 
Ba là không đọc đúng một số tổ hợp phụ âm (cluster of consonants).
 
Tổ hợp /tr/ gây rắc rối cho rất nhiều người khi nói tiếng Anh thì người Việt rất giỏi tổ hợp /tr/ vì chúng ta có nó trong tiếng Việt (trong, trước, trưởng, trục, trí, trường…)
Tuy nhiên, với tổ hợp “lạ”, nghĩa là tiếng Việt không có, bạn phải hết sức chú ý. Ví dụ:
– /fr/ trong các từ như fright, friend, from…
– /st/ trong các từ như last, start, steam, strong, consist, list, fist…
– /sk/ trong các từ như desk, dask…
– /pr/ trong các từ provide, prove, proof, pronunciation, prime…
 
 
Suy ra, khi nói tiếng Anh, hãy quên ta là người Việt. Khi nói tiếng Việt, hãy quên ta đã học tiếng Anh. Tuy nhiên, để làm được điều này, ta phải thực hành và trải nghiệm rất nhiều. Không phải cứ nói thế và biết thế là làm được ngay.

Related posts

ĐÔI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ VIỆC HỌC TIẾNG ANH

Đỗ Cao Sang

ÁM ẢNH MÙ TIẾNG ANH! “SẾP ƠI ĐỪNG LO”

Đỗ Cao Sang

ELYH ĐỒNG HÀNH TRỌN ĐỜI CÙNG CON BẠN CHINH PHỤC TIẾNG ANH

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment