Đỗ Cao Sang

KHI TƯ DUY THAY ĐỔI

A Di Đà Phật là ai? Tại sao niệm? Gần hai phần ba dân ta niệm câu này mà không hề biết mình đang làm cái gì. Tôi sẽ góp phần nhỏ giúp bạn giải quyết những vấn đề vô lí tương tự đang đầy ngập trong cuộc sống.
Hàng ngày rất ít khi chúng ta dùng đến não. Tôi đang muốn nói đến việc tư duy phức tạp.
Nói các bác đừng giận, đa phần chúng ta (trừ dân Spiderum) chỉ hô theo và nói theo bộ não của kẻ khác. Chẳng hạn, tung hô về ông này ông nọ thì rất to nhưng ít ai đọc đàng hoàng lấy một mẩu chuyện nhỏ về các ông ấy. Chưa nói đến sách này sách nọ.
Cả đời trung bình, ta chỉ xài được 2% năng lực của não. Điều gì xảy nếu ta biết dùng não mọi lúc trong cuộc sống?
NHẬN THỨC CỦA TA
Khoa học phương Tây chỉ ra con người có 5 giác quan XÚC, THÍNH, KHỨU, VỊ, THỊ trên cơ thể. Ngũ quan này tiếp nhận tác động từ bên ngoài để tạo nên 5 thức. Trong cổ học phương Đông lại cho rằng còn một thức nữa không cần thông qua giác quan nào. Đó là TƯỞNG. Cho nên mới có khái niệm sáu căn, sáu trần và sáu thức.
Tưởng nghĩa là tưởng tượng. Ví dụ bạn nhắm mắt lại, nghĩ về một quả chanh. Bạn cắt nó ra. Bạn chấm muối. Bạn nhét nửa quả chanh cho vào miệng. Và bạn nhai. Bạn có thấy nước bọt tiết ra ào ào không? Đó chính là tưởng.
Tưởng thức là do kinh nghiệm đem lại. Tưởng không thể tồn tại nếu không có kinh nghiệm của 5 quan. Thật thú vị làm sao! Một con quái vật bạn tưởng tượng ra thì bản chất nó cũng giống giống con nào đó bạn đã nhìn thấy.
Ví dụ con rồng có phần giống cá sấu, có phần giống cá chép, có phần giống sư tử, có phần giống gà, có phần giống con rắn. Không thể có một sản phẩm nào của tưởng lại nằm ngoài kinh nghiệm.
John Locke nói, con người làm nô lệ của kinh nghiệm. Không nô lệ kiểu này thì là nô lệ kiểu kia. Đừng ai nói rằng mình thoát khỏi kinh nghiệm.
Ông Harari, nhà văn, nhà triết học vĩ đại nhất thế kỷ 21 thì nói, lịch sử loài người là lịch sử của quá trình phân tích dữ liệu, kinh nghiệm. Do sự chứng kiến khác nhau (qua 5 căn để tiếp nhận 5 trần, dẫn đến 5 thức) nên loài người có những khái niệm và quan điểm khác nhau.
Không có gì đặc biệt cả khi bạn căm thù Mỹ. Đơn giản vì bạn đọc toàn sách nêu lên cái dở của Mỹ, hoặc bạn chứng kiến, nghe toàn điều tồi tệ về Mỹ. Không có gì đặc biệt cả khi bạn yêu Mỹ vì bạn ( từ nhỏ đến nay), chỉ tiếp xúc toàn thông tin tốt về Mỹ. Ngay cả khái niệm TỐT và XẤU cũng do kinh nghiệm (ai đó dạy bạn) mà có được.
Vậy là chúng ta đều là nô lệ của các số liệu và dữ kiện. Harari nói, hóa ra loài người, xét về bản chất, đang sống theo chủ nghĩa dữ liệu DATAISM.
Hãy nghiên cứu ví dụ này.
Bạn nhìn thấy một tai nạn thương tâm trên đường Phạm Văn Đồng. Tại hiện trường có 2 viên cảnh sát đang cúi xuống làm gì đó.
Tối về, phây búc của hai người qua đường sẽ có hai sờ ta tút khác nhau:
Sờ ta tút 1: “Tai nạn vừa xảy ra thì nhanh chóng có hai cảnh sát đến và kịp thời giải quyết, giúp đỡ nạn nhân rất nhiệt tình.”
Sờ ta tút 2: “Tai nạn xảy ra một thời gian rất lâu mới thấy hai cảnh sát đến. Hình như định hôi của.”
Tút 1 là của một công dân yêu Đảng, yêu chế độ. Tút 2 là của một đảng viên Việt Tân.
Do đâu mà cùng một cảnh huống lại có hai tút hoàn toàn trái ngược?
Đó là vì kinh nghiệm. Hai người đó có hai kinh nghiệm khác nhau. Một kẻ luôn được dạy là chế độ tuyệt vời và chỉ chứng kiến những điều tuyệt vời. Một kẻ thì chỉ chứng kiến và được dạy về những điều tồi tệ của công an cộng sản.
Các tri kiến (cái biết, cái hiểu, cái thấy, niềm tin) của ta không bao giờ thoát ra khỏi kinh nghiệm (tiếp nhận qua sáu căn, sáu trần, sáu thức).
Cho nên, khoa học phương Tây nói, dù là bậc đại giác ngộ hay học giả cao siêu, anh ta vẫn phải làm nô lệ cho một thứ. Đó chính là KINH NGHIỆM của chính mình. Tuy nhiên, kinh nghiệm càng đa dạng, nhiều biến và phong phú thì tri kiến càng có độ khái quát và minh triết cao. Phương Đông cổ học đã chỉ ra rằng chỉ có Phật là thoát khỏi mọi ràng buộc. Nhưng nhiều nhà khoa học tâm lý không tin vào cảnh giới được mô tả trong Phật giáo.
Vậy với bọn dân đen chúng ta thì bài học ở đây là gì?
Bạn muốn thay đổi quan điểm, nhận thức, tri kiến, cảm xúc, thái độ của ai đó thì chỉ cần thay đổi thông tin và ổ dữ liệu. Nếu dữ liệu cũ của anh ta quá nhiều thì thay đổi rất gian nan. Bởi thế người Anh có câu, chó già khó dạy.
Xóa dữ liệu cũ (unlearning) khó hơn nhiều tiếp cái dữ liệu mới (learning). Bạn chỉ có thể lấy dữ liệu mới đổ vào để làm nhòa đi dữ liệu cũ mà thôi. Ví dụ có một cốc nước bẩn, bạn xối rất nhiều nước sạch vào thì nước bẩn tự bị đẩy đi mà không cần phải đổ bỏ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Một gia đình gần nhà tôi có một ông bố nghiện rượu. Hai thằng con sinh đôi của ông ta có hai cách phân tích dữ liệu khác nhau.
Thằng thứ nhất nghĩ: BỐ TA THẬT XẤU XA, TA LỚN LÊN SẼ KHÔNG BAO GIỜ UỐNG RƯỢU NHƯ ỔNG.
Thằng thứ hai nghĩ: BỐ TA XẤU XA THÌ KHÔNG THỂ TRÁCH GÌ TA. CỨ LÀM THEO ỔNG LÀ OK.
Do đâu mà có hai quan điểm khác nhau trong hai đứa trẻ sinh đôi và cùng tiếp cận một dữ liệu?
Đó là một bí ẩn. Bên Thiên chúa giáo cho rằng đó là MẶC KHẢI của chúa, lời dạy từ bề trên trong tiềm thức.
Bên Phật giáo gọi là nghiệp quả từ nhiều kiếp trước.
Chả biết đâu mà lần. Tôi thì coi đó là một bí ẩn cần khám phá tiếp.
CHỐI TỪ CƠ HỘI – NGHỆ THUẬT SỐNG ĐỈNH CAO
Ở kỷ nguyên chúng ta, mỗi cá nhân, thay vì tìm kiếm cơ hội, vồ lấy cơ hội, nắm bắt cơ hội, tạo ra cơ hội…, chúng ta cần phải học cách NÓI KHÔNG với các cơ hội.
Bạn nghe qua có vẻ kì cục phải không? Thực tế đây là một lời khuyên khôn ngoan nhất cho tuổi trẻ ngày nay.
Nhớ lại thời xưa, khi công nghệ thông tin và internet còn chưa xuất hiện. Để gặp được cơ hội thi triển tài năng, cơ hội tiếp cận giáo dục, tiếp cận tư liệu sách vở là một điều hiếm hoi và quý giá. Hiếm đến nỗi, để gặp nhà vua, mong dâng hiến tài sức vì sự hưng quốc an dân mà cũng phải chạy xuôi chạy ngược, vô cùng khó nhọc. Trước hết, anh ta phải gặp được tay quản gia của một quan tể tướng. Sau đó nhờ hắn cho gặp tể tướng để trình bày tài năng và nguyện vọng. Rồi lại nhờ tên tể tướng cho gặp vua. Tất thảy những bước đi đó, anh ta đều phải chi ra rất nhiều tiền bạc. Do đó, kẻ nghèo khó thì coi như bó tay luôn. Bởi thế mới có chuyện chàng tuấn kiệt nghèo khổ Phạm Ngũ Lão phải giả vờ đan sọt giữa đường, nhằm tiếp cận Hưng Đạo đại vương. Đó là chiến thuật PR bản thân cực khôn và khéo léo của Phạm Ngũ Lão.
Xa hơn thì có Khương Tử Nha (Lã Vọng) giả vờ câu cá bằng cây kim thẳng đứng để thu hút sự chú ý của vua Văn Vương ở đời nhà Chu bên Trung Quốc. Phùng Hoan thì gõ gươm hát nghêu ngao để đánh tiếng với Mạnh Thường Quân ở thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Các bạn nên tra google mấy điển tích này, đọc để mở mang tri thức.
Hẳn dân đọc sách còn nhớ chuyện nàng Chiêu Quân, một trong 4 đại mỹ nhân của Trung Hoa, chỉ vì không chịu đưa tiền đút lót cho tên thái giám hậu cung và bọn họa sỹ mà chịu số phận đau khổ nhiều năm trời. Số là ngày xưa, vua có nhiều cung tần mỹ nữ đến nỗi không thể đến gặp mặt tất cả. Người ta phải vẽ tranh, đóng thành catalogue, và đưa lên cho vua chọn. Cô nào đưa tiền cho họa sỹ thì được vẽ đẹp, đưa ít tiền hoặc không tiền thì bị vẽ xấu xí đi. Chiêu Quân bị dính đòn như thế. Đúng là một chuyện thật như bịa thời 0.4.
Chả bù cho thời 4.0 bây giờ, gái đẹp chỉ cần quăng dăm ba cái ảnh lên phây là có ngay hàng ngàn LIKE, tiếng đồn khắp thiên hạ. Bọn thái giám hết cửa làm ăn. Cũng như thế đó, tài năng như Phạm Ngũ Lão cũng chẳng cần đan sọt đợi ai. Chỉ cần lên FB đăng bài, hoặc tạo một vài cái profile quăng lên mạng là các công ty, tập đoàn lũ lượt gọi mời về. Lúc ấy, nói không với các cơ hội lại là bản lĩnh hơn đời của kẻ trí nhân.
Cũng như thế, trong giáo dục, ngày xưa, người ta phải lặn lội khổ sở mới đến được nhà thầy giỏi. Muốn thầy nhận cho vào học còn phải đủ đạo đức và tư cách. Khi dạy, thầy rút cuốn sách ở cạp quần ra, thi thoảng nhả cho vài chữ. Học trò đớp lấy đớp để, nghiền ngẫm cả tuần.
Bây giờ thì sao? Mở youtube ra thì cơ man nào là sách, video, bài giảng, phim, bản tin…đủ mọi thể loại. Giảng dạy từ việc gấp con hạc giấy cho đến sửa xe máy, học tiếng Anh, học excel, tin học văn phòng. Người học như muốn chết ngập trong bể thông tin. Chẳng những vậy, ngoài youtube còn có hàng tỷ trang giáo dục, sách bản mềm, vài tỷ kênh chia sẻ kiến thức của thập cẩm các loại diễn giả và nhà đạo tạo.
Vậy thì tại sao phải đi tìm kiếm cơ hội?
Hãy để cơ hội tìm kiếm bạn. Rồi từ hàng ngàn cơ hội ấy, bạn chọn ra một cái đúng với tiêu chí của mình rồi đi theo một cách kiên trì.
Thời này, thanh niên phải học cách buông và học cách nắm. Nắm lấy một thứ và buông bỏ những thứ vớ vẩn và ít quan trọng.
Cũng giống như đọc sách vậy, đọc cuốn nào cũng tốt cả, nhưng bạn phải đọc thứ mình cần trước để tinh thông, thành thạo cái nghề mình làm trước. Đọc sách cũng lại giống như chọn bạn, phải chơi và dành thời gian cho những kẻ xứng đáng làm bạn trước. Mà theo tôi, tuổi trẻ nên hạn chế tào lao với bạn bè. Chỉ nên gặp chúng nó để chơi thể thao xong rồi về. Nếu phải gặp ai đó vì công việc thì xong việc cũng về luôn.
Steve Jobs nói: “Học nói không với các ý tưởng luôn quan trọng hơn việc tập trung vào một ý tưởng. Phải biết buông bỏ những cơ hội nhỏ và lẻ tẻ mới có tinh lực để theo đuổi cái cốt yếu.”
Jack Ma cũng nói: “Tập trung nghĩa là nói không với các cơ hội. Vì mỗi ngày, tôi nhận được hàng ngàn ý tưởng trình lên từ nhân viên. Cứ chạy theo mấy ngàn dự án ấy thì tôi phá sản trong nháy mắt. Mặc dù những đề án đó đều rất tuyệt vời.”
QUAN SÁT LÀ BIỂU HIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP RÈN TƯ DUY CỦA KẺ LỖI LẠC
Trong chương I của sách ÓC SÁNG SUỐT, cụ Nguyễn Duy Cần có nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực quan sát, phân tích. Chính năng lực quan sát và cảm thụ vạn vật ở thế giới bên ngoài đã phân biệt người này và người kia.
Tại sao Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Tô Hoài đi Tây Bắc lại có thể sáng tác, viết ra hàng chục bài tùy bút, truyện ngắn hấp dẫn trong khi chúng ta chỉ chụp được dăm cái ảnh tung Phây?
Tại sao Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu nhìn trăng có thể làm thơ nhưng vợ Điền chỉ thấy trăng sáng sẽ giúp thị đỡ tốn hai xu dầu?
Đó chính là sự tinh tế của tâm hồn. Muốn luyện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế thì phải giỏi quan sát, phân tích.
Ông Vonte nói, tập vẽ là con đường luyện óc quan sát, phân tích và luyện đức kiên nhẫn hoàn hảo nhất. Học vẽ không nhất thiết phải để trở thành thợ vẽ hay họa sỹ.
Lại nữa, Phương Tây nói, học cần phải vui như chơi mới là giáo dục đỉnh cao. Tôi lại không tin điều này lắm. Nếu đúng thì cũng chỉ áp dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Tuy học cần có vui vẻ nhưng không hẳn lúc nào cũng dễ chịu. Ai nói sự học luôn dễ chịu là lừa dối. Học vẽ, học bơi, học ngoại ngữ, học võ…có những thời điểm rất cực. Nhưng cực nào cũng sẽ qua.
Khi xưa chúng tôi học đàn guitar, các đầu ngón tay rỏ máu vì dây đàn bằng sắt. Phải thọc tay vào chậu cát nóng để làm chai lỳ đầu ngón. Ai muốn thành tựu thì đều làm như thế. Không chừa ai cả. Đau đớn càng nhiều thì thành công càng lớn.
Cháu nào vượt thắng được giai đoạn cơ cực sẽ hưởng thành quả ngọt ngào. Hết khổ là vui, vốn lẽ đời!
CÓ NÊN HỌC THUỘC LÒNG?
Báo chí, truyền thông không đánh giá đúng mức vai trò việc học thuộc lòng trong phát triển nhận thức và kỹ năng ngôn ngữ. Đây là một sai lầm nguy hiểm, nó có ảnh hưởng âm ỉ và lâu dài trong tư duy giáo dục và nhận thức của nhiều người.
Học thuộc lòng đoạn thơ, bài thơ, bài văn, trích đoạn phim, một mẩu đối thoại rất có ích cho phát triển nhận thức và khả năng ngôn ngữ.
Sở dĩ như vậy vì ngôn ngữ có tính liên tưởng cao. Thuộc một câu, bạn có thể chế tác ra hàng tỷ câu tương tự. Khả năng vận dụng ngôn ngữ và phát triển tư duy cũng từ đó mà đi lên.
Học thuộc lòng thì mới có nguyên liệu thô cho tư duy. Bạn không thể tư duy và lập luận nếu không có dẫn chứng và nguyên liệu.
Hãy nhớ lại giáo dục thời những năm 80 trở về trước. Không học trò nào là không phải học thuộc bài văn hoặc thơ gì đó. Thậm chí không thuộc còn không cho vào lớp học. Càng về thời Nho học, việc thuộc lòng lại càng được đề cao. Những nhà nghiên cứu giáo dục ngày xưa không phải vô cớ mà họ đặt ra yêu cầu đó.
Đến mấy năm trở lại đây, không biết ở đâu tung ra lí luận phỉ báng và coi thường việc học thuộc lòng. Nhiều anh lười biếng bám vào đó, cổ súy và tung hô lý luận này. Từ đó đưa giáo dục vào chỗ sai lạc. Quản lý nhà nước hủy hoại giáo dục quốc dân là một phần nguyên nhân, một phần cũng là do truyền thông, báo chí đã đẩy giáo dục của ta đến thảm cảnh ngày nay.
Thực ra thuộc lòng rất cần thiết cho giai đoạn đầu phát triển tư duy ngôn ngữ. Càng về sau càng không cần thiết. Không cần thiết nhưng thuộc nhiều thì vẫn tốt hơn không thuộc.
Bản thân tôi tư duy kém nên luôn chỉ chăm chăm học thuộc. Thuộc hàng ngàn bài thơ, cả chữ Hán và tiếng Việt, thuộc cả hàng trăm trang văn (Dế mèn phiêu lưu ký, Tôi đi học, Người con gái Nam Xương,…). Dạng như Bình Ngô Đại Cáo, Hịch tướng sỹ, Bạch Đăng giang phú, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc thì khỏi bàn.
Và tôi cũng gặp một người tiền bối cực kỳ thành công, sức mạnh của ông ấy có tầm ảnh hưởng đến quốc gia (chả dám nêu tên) cũng thuộc lòng vô số trang sách như vậy. Thuộc từ thời vỡ lòng đến đại học.
Bạn có bao giờ thuộc lời thoại của một bộ phim chưa? Có bao giờ gần gần thuộc một cuốn sách tầm 500 trang chưa? Chắc là chưa. Vậy thì đừng bao giờ nói: Học thuộc chẳng ích gì! Ta chưa làm, sao lại có thể kết luận vội vàng? Bạn hãy thử một lần rồi bạn sẽ biết học thuộc lòng đem lại cho bạn những gì.
Giống như ta không hiểu nổi trạng thái Niết bàn là gì, lại đi phán xét về Niết bàn cứ vanh vách. Ta vẫn nói: “Tưởng Niết bàn thế nào. Hóa ra chẳng có cóc khô gì, chỉ là vô cảm diệt dục. Niết bàn thế, sống chẳng bằng chết!”
Nhưng………..ta đã đạt Niết bàn chưa nhỉ?
NGUỒN DATA SẼ QUYẾT ĐỊNH ĐỜI BẠN
Data ở đây được hiểu theo nghĩa rộng: Tất cả thế giới bên ngoài mà bạn đang sống với, đã nhìn thấy và thu nhận về. Bao gồm cả điều kiện tự nhiên, khí hậu, sách vở, xã hội, chế độ, đặc điểm lịch sử thời đại bạn đang sống.
Trong cuốn sách SAPIENS, tác giả đồng tính người Irael đã khẳng định lịch sử phát triển nhận thức của loài người là lịch sử thu thập và xử lý data.
Đây có thể là một phát hiện động trời.
Bấy lâu nay các nhà giáo dục học và các triết gia đều nói quá trình phát triển tư duy bao gồm VĂN (kinh nghiệm, những nhận về qua 5 giác quan) TƯ (phân tích, xử lý) TU (áp dụng, kiểm nghiệm).
Các học giả đều nói TƯ và TU mới là quan trọng và cần tập trung. Nhưng Harari hoàn toàn phản đối. Ông ta nói VĂN mới là giai đoạn quan trọng và mang tính quyết định.
Chúng ta không thể thoát khỏi kinh nghiệm của chính mình.
Tại sao một sinh viên ĐH (học thật, bằng thật, điểm thật) lại thất nghiệp? Đó là vì cái data anh ta nhận về không thích hợp với môi trường sống. Ví dụ bạn giỏi máy tính và phần mềm nhưng lại sinh sống ở một làng nghèo hẻo lánh tại châu Phi thì bạn đương nhiên trở thành vô dụng.
Ngược lại, Trần Hưng Đạo trở nên nổi danh và được tán tụng vì nguồn data của ông ấy (binh pháp) gặp đất dụng võ. Khi ấy may sao lại có quân Mông – Nguyên xâm lược và địa hình Việt Nam rất thuận cho tác chiến du kích. Các loại data ấy hợp nhất lại và làm nên sự nghiệp của Trần Hưng Đạo. Nếu ông ấy sinh ra vào thời hòa bình thì đương nhiên cái VĂN (data) của ông ấy hẳn nhiên trở thành vô dụng hoặc rất ít tác dụng. Khi đó, người ta sẽ cười ông và nói: Ông ấy có VĂN mà không có biết áp dụng.
Bà JK. Rowling khi còn trẻ, đăng kí vào học khoa VĂN HỌC CỔ HY LẠP. Hẳn nhiên như vậy nghĩa là bà ta đang làm theo sở thích, đam mê mà bạn bè gọi là điên rồ. Và hẳn nhiên bà ta sẽ trở thành kẻ có VĂN và không được áp dụng vì xã hội này chẳng mấy ai cần VĂN HỌC CỔ HY LẠP. Bà trở thành thất nghiệp, ăn bám xã hội. Chồng chê nên đòi li hôn. Bà phải nuôi con nhỏ với đồng tiền trợ cấp thất nghiệp.
Năm 1991, trên con tàu đi từ Manchester về London, bà đã phác thảo ra một cuốn sách mà sau này trở thành kỷ lục thế giới.
Năng lực sáng tạo của bà thật đáo để. Bà gom kiến thức văn học Hy Lạp cổ của mình lại để bịa ra bộ truyện truyền kỳ HARY PORTER nổi tiếng bậc nhất lịch sử văn học thế giới. Bộ sách ấy đưa bà trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng nhất nước Anh. Tổng giá trị thương hiệu của Hary Porter là 14,5 tỷ USD, tương đương 5 lần tài sản của Phạm Nhật Vượng.
Harari cho rằng, TƯ và TU là một phản xạ bản năng và có thể rèn luyện để cải thiện. Tuy nhiên, ông ta vẫn nhấn mạnh vai trò quyết định của VĂN (data).
“Bạn là những gì bạn đọc được, nhìn thấy, nghe thấy. Cho tôi biết bạn đọc gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai.”
Những câu nói này rất phổ biến trên mạng xã hội. Tuy nhiên chúng ta vẫn không hiểu đúng vai trò của data cho đến khi Harari làm cho loài người sáng mắt sáng lòng.
BÀI HỌC 1:
Bạn sẽ trở thành người được gọi là thành đạt nếu bạn học được những thứ mà môi trường và những người xung quanh bạn đang cần. Tuy nhiên, cái khó là bạn phải đón đầu được thời đại. Bạn biết đấy, xã hội thay đổi theo từng giờ. Đoán được cái gì sẽ cần thiết và được sủng ái ở tương lai quả là việc không đơn giản. Tôi luôn cho rằng đó là khả năng cảm thụ nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật, khả năng rung động và truyền cảm xúc sẽ thắng thế và được sủng ái.
Vì sao vậy? Thời đại 4.0 thì máy móc và trí thông minh nhân tạo sẽ làm được rất nhiều thứ. Duy chỉ có truyền cảm hứng là một năng lực đặc biệt của con người. Không có máy móc nào thay thế nổi.
BÀI HỌC 2:
Nếu bạn có tri thức và data mà xã hội đang chưa cần thì có nghĩa là nó sẽ trở nên rất cần thiết. Do data của bạn cao cấp, khác biệt và quý hiếm đến mức xã hội bạn đang sống không đủ năng lực sử dụng. Bạn giỏi võ công thì đừng chỉ đi làm vệ sỹ. Sao bạn không thử đi đóng phim hành động? Ứng tuyển vào Hollywood xem sao. Bạn có đôi mắt nhìn xuyên qua các chất liệu, sao không đi sòng bạc kiếm tiền mà lại chỉ nhìn xuyên qua quần áo đàn bà xem quả nào to quả nào nhỏ?
Hóa ra trên đời không có tri thức, không có data nào vô ích, chỉ là ta chưa thu thập đủ lớn mà thôi.
Theo tôi, cách tốt nhất để ứng dụng data là VIẾT SÁCH. Hãy làm như bà JK. Rowling nếu bạn tin tưởng data của mình thực sự đáng giá, quý hiếm và thú vị. Xã hội không cho bạn kiếm ăn chỉ vì xã hội muốn bạn làm tỷ phú.
MỘT TƯ DUY GIÁO DỤC HOÀN TOÀN MỚI
Sau đây là quan điểm của tôi về giáo dục thời đại bùng nổ công nghệ và máy móc, thời đại mà trí thông minh nhân tạo (AI) bắt đầu thay thế dần trí thông minh con người. Kính mong quý vị phụ huynh đọc và nghiên cứu một cách nghiêm túc.
1. Thời đại AI (trí thông minh nhân tạo – Artificial Intelligence) có nghĩa là sự sản xuất tự động hóa (automatization) sẽ chiếm dần đi một số phần công việc thiên về chính xác và logic như trong ngành kế toán, ngân hàng, cơ khí, sản xuất dây chuyền… Nói “một số phần công việc” vì không phải lĩnh vực nào robot và AI cũng có thể thay thế được con người. Ví dụ như trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lí nhân sự, robot chỉ là công trợ phụ trợ tương đối. Lãnh đạo quản lí có tính truyền cảm hứng và am hiểu tâm lý, khoản này thì robot không thể làm nổi. Dù trăm năm, nghìn năm nữa cũng không thay thế nổi con người.
2. Còn nói đến văn học, nghệ thuật, văn hóa, thẩm mỹ, những lĩnh vực liên quan quá nhiều đến cảm xúc thì robot chắc chắn bó tay. Suy ra, ngành phiên dịch cũng không bao giờ bị mất việc hẳn, đặc biệt như dịch tiểu thuyết, thơ ca, sách truyền cảm hứng. Sẽ không có máy dịch nào làm tốt được như con người, dù một tỉ năm nữa.
3. Các phụ huynh, các thầy cô, các học sinh hiện nay đang làm gì?
Tôi thấy người ta đổ xô đi học robot và STEM gì đó rất ồn ào. Hình như có gì hơi sai sai. Tại sao tôi nói vậy?
Bạn không thể học robot và STEM để đấu lại được với trí thông minh nhân tạo. Dù bạn dùng cả đời, bạn cũng không thể dùng trí thông minh thông thường của mình để đấu lại được máy móc. Một máy tính cho phép trong một giây, một phần mềm cờ vua có thể tính được hai tỷ nước đi. Con người dù thông minh cỡ nào cũng đấu không lại máy. Đó là tuyên bố của kiện tướng cờ vua thế giới năm 1995, sau khi ông ta đấu thử với một cỗ máy tính đời cổ lỗ sĩ (tính đến thời điểm này.)
Vậy ta học STEM và cho trẻ chơi với robot để làm gì? Nếu để điều khiển robot thì xin thưa, một bà lão bán trà đá cũng có thể dùng iphone nhoay nhoáy sau vài lời chỉ dẫn. Nghĩa là robot không cần mất nhiều thời gian để sử dụng. Cứ ngẫm như tôi mà ra, không hề có ai dạy dùng máy tính, mò mẫm 2 tháng mà cũng biết dùng tương đối giỏi những thao tác căn bản.
Vậy là ta cho con đi học STEM và robot để sản xuất robot ư? Đây là công việc không hề dành cho đám đông! Sản xuất ra robot là công việc của những nhà chuyên môn. Con cái chúng ta, nếu yêu thích và giỏi về máy móc thì cho đi theo nghề đó. Nếu không thích và không giỏi thì tại sao phải đâm đầu vào mấy cỗ máy vô hồn ấy từ bé tí?
VẬY TA NÊN LÀM GÌ?
Hãy cho con học các ngành nghệ thuật, cảm xúc (thiết kế, mỹ thuật, làm đẹp, văn thơ, âm nhạc, kể chuyện, diễn thuyết, ngoại ngữ…). Dù giỏi dù kém thì cũng nên phải học vì đó là lợi thế duy nhất của chúng ta khi đối diện với thời đại của máy móc. Đó là những lĩnh vực mà robot hoàn toàn bất lực.
Tại sao con hổ lại thi bơi với con cá heo? Tại sao con khỉ thi chạy với con ngựa vằn? Chúng ta đang đem cái sở đoản của mình (thông minh logic) để đấu với máy móc. Thật là một bài tính ngu ngốc. Sao không đem cái sở trường (trí thông minh cảm xúc – emotional intelligence) mà đấu với máy móc?
Hãy đọc cuốn MỘT TƯ DUY HOÀN TOÀN MỚI để thêm thông tin nhé. Bạn sẽ hiểu ý kiến của tôi nêu trên không phải là suy luận tào lao.
NGOẠI NGỮ GIÚP THAY ĐỔI TƯ DUY
Một người giỏi ngoại ngữ
Biết cởi trói tư duy
Được đại khai nhãn giới
Người khác khó so bì.
Cả khả năng logic
Mạch lạc trong văn phong,
Kẻ nào biết ngoại ngữ
Cũng ăn đứt thằng không.
Những kẻ phiên dịch giỏi
Kiến thức như biển trời
Sao đại biểu quốc hội
Bỏ tiếng Anh không xài?
Bởi vì chính cánh ấy
Đếch biết ngoại ngữ gì
“Muốn hiểu rõ ngoại ngữ
Hãy học thêm nữa đi.”
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI ĐÁNG YÊU
Bài viết này tặng cho các bạn thanh thiếu niên.
Nhớ lại hồi trước, tôi có một tư duy sai lầm rằng cứ dung quan đẹp đẽ, giỏi giang và thành đạt thì chắc chắn mọi người yêu quý.
Sai lầm này rất phổ biến trong giới thanh niên.
Thực ra để được thiên hạ yêu mến, bạn không cần phải có những yếu tố trên. Thậm chí những yêu tố trên còn khiến bạn dễ có thêm nhiều kẻ thù.
Để người ta yêu mến vừa khó cũng vừa dễ. Bạn hãy làm theo 5 điều sau đây:
1. Luôn tươi cười, hài hước.
2. Ít phàn nàn, kêu ca.
3. Chân thành giúp người khác.
4. Tự lực. Tránh tối đa việc làm phiền.
5. Hạn chế thất hứa. Trách nhiệm cao.
Trong 5 điều trên, không hề có bóng dáng của tài năng hay thành đạt. Tại sao vậy?
Thực tình, người ta phần lớn có “thị dục huyền ngã” rất to. Nghĩa là luôn coi trọng bản thân mình và thấy mình quan trọng hơn người khác. Bởi thế, đối diện với một kẻ tài năng và thành đạt, phản xạ tự nhiên của con người là cố tìm cho ra điểm yếu để kết án. Mục đích là chứng tỏ bản thân vẫn hơn kẻ kia ở điểm nào đó.
Như thế, có thể suy ra là, càng có tài và càng thành đạt, bạn càng có nguy cơ trở thành chướng ngại vật trong mắt kẻ đồng trang lứa, những kẻ cùng ăn cùng ngủ cùng làm. Dù họ có nói thế nào bạn cũng đừng tin trăm phần trăm là họ vô tư tuyệt đối.
Này, một bí mật khủng khiếp nhé! Ngay cả anh chị em ruột thịt cũng có những cạnh tranh và đố kị tinh vi sâu thẳm bên trong như thế. Hễ có dịp, hễ có thể, hễ có liên quan là họ bắt đầu nảy sinh cạnh tranh và khát khao vượt lên bạn.
Hình như chỉ có cha mẹ và con cái là không có một phân, một li đố kị với nhau. Ngoài ra, tất thảy đều ra sức soi mói tìm lỗi để hạ gục nhau từ trong sâu thẳm lương tâm. Đây là điều mà sách ĐẮC NHÂN TÂM đã chỉ ra rất rõ. Các thiền sinh, tu sĩ đi học đạo và cá nhân mỗi chúng ta cũng luôn phải nỗ lực để vượt lên khỏi cái thị dục huyền ngã này.
KẺ THÀNH ĐẠT VÀ TÀI NĂNG PHẢI LÀM GÌ?
Nếu bạn tốt số sinh ra đẹp đẽ, lớn lên thành đạt và tài năng hơn người thì bạn phải hết sức CẨN TRỌNG với mọi HÀNH VI và LỜI NÓI.
Lão tử có đúc kết ra chân lý sau:
Nước sở dĩ thắng tất cả vì nó mềm, không tranh hơn thua với ai. Đất sở dĩ không ngã vì nó ở nơi thấp nhất.
Người trí nhân, để tránh họa sát thân và kẻ xấu ám hại, nên lặng lẽ, âm thầm, nói ít làm nhiều. Ăn mặc giản dị. Ở nhà nhỏ, đi xe bé. Hễ làm cho ai điều tốt gì thì cung kính, khéo léo.
Kẻ ra ân cần cung kính chứ không phải kẻ nhận ân. Các bạn thấy lạ chưa? Vì kẻ nhận ân ở dưới, kẻ ra ân ở trên. Kể nhận ân rất dễ bị tổn thương và mong manh. Kẻ ra ân, bởi thế, phải nâng niu và cẩn trọng từng HÀNH VI nhỏ.
SỰ KHỐN CÙNG CỦA SÁCH SELF-HELP
Đây là thể loại sách tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc và khai mở tư duy thành công với những tên tuổi nổi tiếng như Jack Canfield, Napoleon Hill, Adam Khoo…Những sách self-help có tiếng ở Việt Nam bao gồm CHA GIÀU, CHA NGHÈO, DẠY CON LÀM GIÀU, BÍ QUYẾT TAY TRẮNG THÀNH TRIỆU PHÚ, LÀM CHỦ TƯ DUY-THAY ĐỔI VẬN MỆNH… Ở Sài Gòn, thể loại sách này có từ trước 1975 với tác phẩm nổi tiếng là ĐẮC NHÂN TÂM do cụ Nguyễn Hiến Lê dịch.
Thể loại sách này rộ lên ở Việt Nam khoảng tầm 17 năm nay. Chúng đem lại cho tác giả, nhà in và các chương trình giảng dạy ăn theo hàng trăm tỷ USD. Ở Việt Nam có nhiều đại gia NLP kiếm hàng trăm tỷ VND mỗi năm nhờ công cụ này. Sách self-help và các khóa học truyền động lực là vô cùng cần thiết và là hòn đá tảng trong kinh doanh đa cấp và bảo hiểm.
Gần đây, tôi tình cờ đọc được một bài viết mổ xẻ tính chất sai lầm và phản động của sách self-help. Lời lẽ trong bài đó rất táo tợn và dữ dội. Bản thân tôi không đánh giá sách self-help tệ hại đến như vậy. Tôi chỉ nhận định rằng loại sách này có những tác dụng rất lớn nhưng cũng có những điểm yếu chí mạng trong lập luận nền móng.
Ở đời, muốn khen một thứ gì đó thì dễ. Muốn chê cái gì đó (có bài có bản) thì rất khó. Bởi vì khen thì không hiểu cũng khen được nhưng đã chê thì phải hiểu sâu và cặn kẽ. Nếu không sẽ bị phản đòn dữ dội. Tôi không tự mãn nhưng có thể khẳng định mình đã đọc sách self-help đủ nhiều để chỉ ra điểm yếu của loại sách mà được hầu như tất cả giới trẻ tung hô này.
Tôi có một người bạn đã từng dự hầu như tất cả các lớp NLP. Anh ta thao thao giảng về các kiến thức học được với một giọng đầy hào sảng và hứng khởi. Tôi lặng yên nghe hàng giờ nhưng thú thực tôi không xúc động lắm. Nói chính xác hơn, tôi đã từng xúc động mạnh như cậu ta ở thời điểm cách đây 15 năm, khi tôi chưa nghiên cứu Phật giáo.
Sau khi nghe cậu ta nói xong, tôi bắt đầu chia sẻ về bản chất của thành công theo cách nhìn của Phật giáo và quan điểm của Phật giáo về khả năng giác ngộ và tiến hóa của cá nhân, bản chất của cảm xúc và NLP. Cậu ta chết lặng. Một tuần sau, cậu ấy đã dọn sạch những sách self-help và sống trầm mặc như một ông già. Cậu ấy quay ra nghiên cứu lý luận của Phật học và nhận ra: Phật giáo lý giải cuộc sống theo một cách rất công tâm và khách quan nhưng không hề phủ nhận nỗ lực cá nhân, không thủ tiêu sự phấn đấu. Trái lại, Phật giáo còn đặt sự nỗ lực của cá nhân ở tầm quan trọng cao hơn cả Tây Âu.
NỀN TẢNG LÝ LUẬN
Nền tảng lý luận mấu chốt của sách self-help là CON NGƯỜI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC TẤT CẢ, AI CŨNG THÀNH THIÊN TÀI NẾU BIẾT CÁCH VÀ KIÊN TRÌ THEO ĐUỔI MỤC TIÊU. Lý luận này khiến con người ta được thăng hoa, có niềm tin tuyệt đối vào bản thân và sự nỗ lực cá nhân. Khổ nỗi đây là một lý luận ngụy biện.
Trong Phật học, sự nỗ lực cá nhân luôn được khuyến khích và đề cao nhưng cái thành quả thì Phật khẳng định không phải ai cũng như nhau. Thành công của một cá nhân phụ thuộc vào chằng chịt những nhân duyên và tương tác phức tạp, tinh vi chứ không đơn thuần “muốn là được” như sách Tây thường viết.
Ví dụ thế này. Cũng là một ông Bill Gates nhưng ông ta sinh ở Mỹ thì khác mà ở Việt Nam sẽ khác. Cùng là Bill Gates, cùng sinh ở Mỹ nhưng sinh vào thế kỷ 19 sẽ khác, sinh vào thế kỷ 21 cũng sẽ khác biệt lớn. Vậy để có ông Bill Gates như chúng ta thấy thì ông ta phải sinh ở Mỹ, trong điều kiện môi trường ấy, thời gian ấy mới ra kết quả như hiện nay. Điều này không ai có thể chối cãi được.
Ngoài ra, thiên tính bẩm sinh của mỗi cá thể cũng khác nhau. Mỗi cá thể chúng ta sinh ra có một hạt nhận thức bên trong như hạt sen ở đáy hồ. Trong thời gian 2 năm, với điều kiên môi trường như nhau nhưng có hạt thì ngoi lên mặt nước, thành cây sen, đơm hoa. Có hạt thì chỉ lấp ló mặt nước. Có hạt ra cây nhưng không ngoi lên khỏi mặt nước. Có hạt lại không thể mọc thành mầm. Nhận thức của con người cũng không đồng đều như vậy.
Chính Phật trong quá trình hành hóa, Ngài cũng thất bại nhiều lần khi gặp những kẻ có bộ não u mê và ác tính quá dày. Không phải ai Ngài cũng độ được dù cho đạo lực của Ngài rất cao siêu.
Nhưng Phật không hề thủ tiêu nỗ lực mà luôn cho rằng chỉ có chính cá nhân mỗi con người mới giải thoát và đem lại hạnh phúc cho bản thân anh ta, không thể trông ngong ở thế lực bên ngoài.
SỰ THẬT VAI TRÒ CỦA CẢM XÚC
Ai đọc nhiều sách self-help đều nhận ra tác động mà sách đem lại chỉ nằm ở cảm xúc. Khi đọc sách và ngồi trong phòng học thì hừng hực khí thế tự tin và quyết tâm cao độ. Khi ra khỏi sách khoảng 1 tuần thì cảm hứng lại về số 0. Một số khác thì chuyển sang trạng thái quá khích, cho rằng mình có thể xẻ núi lấp sông. Họ lao đầu vào những thứ khó xơi như thiêu thân mà không chịu học tập và rèn luyện dần dần từng bước nhỏ.
Cụ Lê Thẩm Dương nói cảm xúc là kẻ thù của thành công thì chỉ đúng một nửa. Cảm xúc có tác dụng đấy chứ. Trong tình yêu, ban đầu xuất phát là từ cảm xúc. Sau đó là tìm hiểu. Hiểu rồi thì mới có yêu thương đúng nghĩa. Nhiều cặp yêu không bền và đổ vỡ vì họ chỉ mới ở ngưỡng cảm xúc thì đã kết luận mình yêu và đi đến hôn nhân mà chưa trải qua giai đoạn tìm để hiểu.
Trong con đường đến với Phật cũng vậy. Người ta đến với Phật ban đầu là do cảm xúc mến mộ và tôn kính vô thức. Sau đó ta phải tiến tới tìm hiểu, chất vấn, nghi ngờ, phân tích, bắt bẻ để thấu hiểu Phật. Khi hiểu sâu rồi thì mới đi tới đi theo làm theo và đắc ngộ. Tiếc rằng dân chúng cũng thường chỉ dừng ở ngưỡng cảm tình mến mộ mà thôi. Rất ít ai hiểu Phật là gì.
CHỐT SALE NHỜ CẢM XÚC LÀ TRÒ MA GIÁO 
Chốt sale là thuật ngữ của dân kinh doanh, ý nói doanh số bán hàng tính đếm bằng số khách hàng thực sự mở ví nộp tiền sau khi thuyết phục.
Ở các lớp tuyên truyền bảo hiểm, đa cấp hoặc giáo dục đa cấp thường chốt sale vào cuối buổi – lúc cảm xúc của khách hàng thăng hoa tột đỉnh. Tỷ lệ chốt sale lúc đó cao ngất trời. Nhưng khi về nhà nằm thủ thỉ với vợ hoặc chồng thì mới vỡ lẽ mình đã chi tiền sai. Tại sao vậy? Vì khi cảm xúc thăng hoa, ta đã làm theo cảm xúc chứ không làm theo lý trí.
Cảm xúc đến rồi cũng sẽ có lúc ra đi. Nhưng thấu hiểu thì là mãi mãi. Tin yêu và mua hàng phải dựa trên thấu hiểu mới vững bền.
Bởi lý do này, người ta mới kết luận đa cấp, bảo hiểm là lừa đảo. Kết luận này hơi thái quá và oan ức. Nhưng thủ đoạn nhè lúc người ta không làm chủ được tuệ giác để chốt sale thì cũng chẳng khác lừa đảo là bao nhiêu.
Các lớp NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG, NLP luôn chốt sale vào cuối buổi học nhử mồi. Các lớp chia sẻ bán hàng đa cấp cũng vậy. Họ còn thuê cả học viên làm cò mồi. Bọn chúng ngồi bàn đầu hô hoán inh ỏi và mở ví xuống tiền ầm ầm để tạo hiệu ứng. Làm thế, nói là lừa đảo cũng chẳng oan là mấy.
Hôm nào đó rảnh rỗi, tôi sẽ offline chia sẻ thêm nhiều chi tiết hay về chủ đề này vì còn quá nhiều điều muốn nói thêm.

Related posts

SANG ĐỖ DẠY CON TRAI – P7

Đỗ Cao Sang

CẢM ƠN BỆNH TẬT

Đỗ Cao Sang

NGUYỄN TUÂN

Đỗ Cao Sang

Leave a Comment