Khám phá mới nhất của tôi về tâm linh.
Từ rất lâu, những câu hỏi về sự sống trước và sau khi ta có sự sống luôn làm loài người băn khoăn, trăn trở. Ta là ai sau khi chết, ta là ai trước khi sinh ra, thực sự chưa có một câu trả lời nào thỏa đáng và rõ ràng.
Sách Trở Về Từ Cõi Sáng, Hành trình về Phương Đông do ông Nguyên Phong dịch và biên khảo có bàn rất nhiều về đề tài này. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện linh hồn của những người chết đi sống lại khá thú vị và có lý. Song lý luận về linh hồn vẫn còn đó nhiều sơ hở và bất cập.
Chẳng hạn, linh hồn có hình dạng không. Hình dạng ấy là gì. Tại sao vạn vật đều nằm trong luật SINH – TRỤ – DỊ – DIỆT còn linh hồn thì không bị tiêu diệt?
Theo lý thuyết của Phật giáo nguyên thủy mà suy thì linh hồn cũng sẽ chuyển hóa, phân tán, tái hợp mới như các nguyên tố hóa học vậy.
Nghĩa là, linh hồn cũng như thể xác, sẽ phân rã và tái hợp như bảng chữ cái ABC.
Đây là khám phá rất đáng nghe, xin quý vị hãy để tâm.
Bảng chữ cái có 26 chữ. Ta để A cạnh PPLE thì thành từ APPLE nhưng A có thể tổ hợp với các chữ cái khác để ra từ khác theo ba nguyên lý chi phối:
1. Số lượng thành tố chữ cái tham gia.
2. Số lần xuất hiện của từng chữ cái cá thể.
3. Trật tự sắp xếp của các chữ cái.
Từ CONGRATULATIONS được tạo thành do sự tham gia của 12 chữ cái. Chữ C xuất hiện 1 lần. Chữ O xuất hiện 2 lần ở vị trí 1 và vị trí 13. Nếu bỏ chữ C đi hoặc đổi vị trí của nó thì lập tức ra từ mới hoặc không ra từ nào cả. Các chữ cái khác cũng như thế.
Như vậy, vạn vật hình thành trên nguyên lý tương ưng, tương thích của các thành tố. Chừng nào chưa tìm được sự tương ưng, tương thích thì chưa kết hợp. Cụ thể như tinh trùng con dê thì không thể thụ tinh cho trứng của con gà. Hoặc kết hợp rồi mà môi trường (xúc tác) kém quá thì lại tan rã (trẻ em chết yếu trong bụng mẹ).
Gần đây, tôi thấy giả thiết này hợp lý và khoa học hơn cả khi áp dụng cho sự hình thành của vạn vật, trong đó có linh hồn.
Tại sao linh hồn lại không tan rã? Thật vô lý khi nói rằng vạn pháp đều tan mà linh hồn thì cứ trơ trơ tồn tại hết kiếp này sang kiếp khác.
Khi ta nói linh hồn đầu thai là vừa đúng cũng vừa sai.
Sai là ở chỗ, ta cho rằng có một nguyên bản linh hồn độc lập, chu du và đầu thai như người ta thay áo, thay quần. Quần áo ở đây là thân xác.
Hiểu đầu thai một cách khoa học thì phải như sự hình thành các từ và các chữ cái ABC vậy. Chữ cái phân cắt ra, tái hợp lại để thành chữ mới. Chữ cái không bao giờ biến mất nhưng nó hoàn toàn thay đổi vị trí và cách kết hợp.
THẾ NÀO LÀ NGƯỜI CÓ THIÊN TÀI TRỜI PHÚ?
Trời phú cho đứa bé một thiên tài, theo theo lý luận này, chính là các chữ cái/mảnh vụn quy định thiên tài đó đã hợp nhất một lần nữa trong bản thể mới. Còn sự tìm hợp và gặp nhau của các mảnh ghép đó là do vô tình, ngẫu nhiên hay có luật nhân quả thì cần phải khám phá tiếp.
Như vậy hiện tượng một đứa trẻ 9 tuổi có thể chơi đàn điệu nghệ hoặc nói dăm ba ngoại ngữ là điều có thể lý giải. Theo lý thuyết trên, các mảnh ghép về năng lực âm nhạc và ngoại ngữ của tiền kiếp của ai đó đã tìm gặp nhau và hợp tụ lại với nhau ở nơi cháu bé kia.
THẾ NÀO LÀ KẺ THIỂU CĂN?
Thiểu là ít. Thiểu căn là sinh ra đã không có mầm tốt như người thường. Rất khó giáo hóa và khó tiến bộ.
Nếu đối chiếu theo bảng chữ cái, thì từ đó bị ghép lệch hoặc sai chính tả. Người ta vẫn có thể đọc và hiểu được từ đó nhưng rõ ràng đó không phải là một từ chuẩn. Một người thiểu căn có lẽ là do những thành tố đen tối đã tìm về với nhau quá nhiều và kết tụ lại.
Nếu so sánh linh hồn như bảng chữ cái thì linh hồn đúng là không mất mà chỉ là thay đổi sự kết hợp và hoán vị. Vậy đừng nên sợ chết nữa nhé.
Tuy nhiên, được làm kiếp người cũng khó như ta bỏ các chữ cái N-G-Ư-Ơ-I và dấu huyền vào cái bát và lắc rộn lên rồi mở ra. Xác xuất được chuẩn chữ NGƯỜI còn khó hơn lên giời.
Vậy hãy trân quý kiếp này và sống cho ra sống.