Tôi tiếp xúc với người Nhật không nhiều. Học cùng vài người bạn Nhật ở Mỹ; ăn phở với mấy đám sinh viên du lịch đến Việt Nam; dẫn hai cô gái Nhật đi vòng Hà Nội một ngày; làm việc với lãnh đạo CANON hai tuần. Đấy, tất cả chỉ có thế. Nhưng tôi rất yêu thích con người và văn hóa đất nước này. Chủ yếu qua sách vở và phim ảnh.
Khi nói về tính cách Nhật Bản, chúng ta thường nói đến sự kiên cường, kỷ luật sắt đá, xu hướng thượng tôn tập thể và một nền văn hóa thiên về thủ tiêu cái tôi ngạo mạn. Hẳn vậy, cũng vì lẽ đó mà họ làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Trong mắt người Mỹ mà tôi biết, trên thế giới này chỉ có Nhật là đáng kính nể về mọi mặt.
Một dân tộc sinh ra với vô vàn khó khăn. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khó khăn không hề nhìn thấy một sợi, một ly nào thuận lợi. Quốc đảo ấy bị chia cắt thành nhiều đảo nhỏ nên giao thông, hành chính rất bất tiện. Thêm vào đó là động đất, núi lửa, bão biển liên tục tấn công. Hơn thế, đất đai cằn cỗi, không có chút tài nguyên nào đáng kể.
Vậy mà chỉ bằng việc tự thiết lập tính kỷ luật hà khắc cho bản thân, Nhật Bản đã trở thành một siêu cường về kinh tế, tài chính số một thế giới. Như thế chẳng quá kỳ diệu hay sao?
Nhưng tương lai của Nhật Bản sẽ ra sao trong những thập kỷ tới? Đây quả là điều đáng quan tâm đối với đất nước chúng ta, một xứ sở có liên quan khá mật thiết với Nhật Bản về địa chính trị, và chịu ảnh hưởng lớn từ Nhật trên phương diện kinh tế tài chính.
Muốn hiểu tương lai của Nhật Bản thì phải bắt đầu từ tính cách người Nhật.
Lý Quang Diệu nói, Người Nhật có tính thượng tôn chủng tộc rất cao. Họ kiên quyết muốn giữ sự thuần chủng về nòi giống nên rất hạn chế kết hôn với ngoại tộc. Theo đó, chúng ta chỉ thấy gái Việt đi Hàn, đi Đài Loan lấy chồng chứ ít ai nghe nói đi Nhật làm vợ lẽ. Đã như thế, cơ hội cho một người nước ngoài được nhập cư trở thành công dân Nhật là rất nhỏ.
Xin nói thêm, tính thượng tôn chủng tộc của họ có nhiều điểm rất khác người Tàu và người Việt. Người Tàu và người Việt tự coi mình là vĩ đại (con Rồng cháu Tiên), cái gì tốt thì nhận hết cho mình (thông minh, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, nhân ái, thân thiện, dũng cảm…). Và tuyệt đối tộc Tàu, tộc Việt không chịu học hỏi châu Âu và không chịu hạ mình để tiếp thu văn minh thế giới.
Có một anh công nhân Việt Nam học lái xe ở Nhật. Khi giáo viên nói, hôm nay chúng ta sẽ học cách cài số lùi và lùi xe. Anh Việt Nam kiên quyết không học. Giáo viên hỏi tại sao, hắn nói: Dân nước tôi không bao giờ lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Nghe có vẻ điên khùng nhưng bạn đừng cười. Dân tộc ta phần đa đều giống như vậy.
Người Nhật thì khác, họ biết điểm yếu của mình và kiên quyết khắc phục điểm yếu đó. Ví dụ, họ học Hán tự và tinh hóa văn hóa của Trung Quốc, học kỹ nghệ của Tây Âu. Mục đích của họ là tiếp thu cái tốt nhất của thế giới để đẩy chủng tộc Nhật phát triển ở mức cao hơn.
Trở lại với chủ đề chính. Ông Lý Quang Diệu nói, cái tính thượng tôn chủng tộc đó, họ bị gặp khó khăn về sức lao động. Theo cụ Lý Quang Diệu, bi kịch chính của Nhật Bản nằm ở điểm này.
Thật vậy, nước Nhật hiện nay đang bị lão hóa dân số cao và nhanh nhất thế giới. Gánh nặng y tế, bảo trợ đè lên vai giới trẻ. Trong khi đó, giới trẻ lại không chịu sinh đẻ. Họ sợ đẻ thì mất việc làm và bị xấu xí ngoại hình. Mặc dù chính phủ khuyến khích đẻ nhưng các cô gái vẫn không tha thiết lắm. Thậm chí họ còn không nghĩ đến kết hôn.
Mỹ và Úc là hai xứ sở có tính linh động cao. Họ có cơ chế cho nhập cư những thành phần ưu tú, nhân lực có chất lượng cao và những ai lợi đến cho xứ sở của họ. Kết hôn thì khỏi bàn. Trái hẳn Mỹ Úc, Nhật có vẻ kiên quyết muốn thuần chủng, không pha tạp và lẫn lộn.
Chẳng biết khi bị dồn vào đường cùng thì họ sẽ xoay sở ra sao. Nhưng hiện tại phần đa quốc hội Nhật Bản vẫn không tán thành nới lỏng tự do nhập cư. Xã hội Nhật Bản vẫn không mặn mà ủng hộ việc hôn phối ngoài sắc tộc. Nếu đứa trẻ nào đó có mẹ Nhật, bố Mỹ thì nó phải mang quốc tịch Mỹ. Cơ hội mang quốc tịch Nhật là rất thấp.
Trước thế chiến thứ II, một sỹ quan tình báo cấp cao của Nhật nói: Nhật Bổn nên từ bỏ giấc mộng thiết lập đế chế Đại Đông Á. Bởi vì thế giới quá rộng lớn, người Nhật Bổn dù mạnh và hùng cường đến đâu cũng không thể cai quản nổi. Chiếm được rồi lại phải nhả ra thôi. Nguồn nhân lực sẽ không đủ nếu cứ duy trì sự thuần khiết chủng tộc như hiện tại.
Câu nói ấy đến nay vẫn đúng.