Một người có chứng đắc đạo quả A La Hán sẽ như thế nào? Bạn chỉ cần xem cách sống, sự hành xử của Mahatma Gandhi, Đạt Lai Lạt Ma và Làng Mai sư ông Thích Nhất Hạnh thì sẽ hiểu rõ.
Nói về công khai trí cho dân Việt và cho thế giới để ánh sáng tỉnh thức của đạo Phật được lan tỏa sâu rộng thì có thể nói sư ông Thích Nhất Hạnh xứng đáng xếp vào số ít người đi đầu.
Sư ông Làng Mai lập ra thiền phái nhập thế, đem đạo Phật để giải đáp những vấn đề của xã hội đang diễn ra. Thiền phái của thầy không nói đến kiếp sau, kiếp trước, không bàn về cõi cực lạc hay địa ngục. Thiền phái đó có thể xem là hiện thân đích thực của Phật giáo nguyên thủy, khi Như Lai còn tại thế.
1. Sư ông Làng Mai rất giản dị. Cái giản dị ấy là tự nhiên như sông núi, mây trời, không phải lên gồng, giả bộ. Sư ông không hề có tài khoản ngân hàng và xe cộ hay vật dụng nào đắt tiền. Sư ông chỉ có ba bộ quần áo nâu tiếp khách và ba bộ quần áo mặc ở phòng. Phòng của Sư ông cũng không có đồ đạc gì hiện đại hay đắt tiền. Tất cả đều màu nâu và vàng nghệ. Sư ông không uống trà loại 40 triệu/kg như những hòa thượng khác. Nếu người ta biếu thì sư ông tặng lại cho người khác. Cơm nước đều dùng chung với đệ tử. Uống và ăn đối với sư ông rất nhẹ nhàng. Một củ khoai, một ngụm nước lọc cũng xong bữa. Chính vì không sở hữu gì nên sư ông và đệ tử của Người không bị dính mắc, thân tâm rất an lạc, hạnh phúc.
2. Không sở hữu gì nhưng sư ông Thích Nhất Hạnh còn giàu hơn cả Phạm Nhật Vượng. Thật thế! Sư ông không có Lếch xù nhưng đi đâu, bất cứ khi nào (nếu sư ông muốn), đều có khoảng chục con Lếch xù phủ phục, sẵn sàng đưa sư ông đi. Sư ông không có nhà nhưng sư ông có thể ngủ lại ở bất cứ căn nhà sang trọng nào (nếu sư ông muốn). Nhiều người dâng tặng sư ông cả ngàn hec-ta đất để làm tu viện. Các tỷ phú Mỹ đã tặng sư ông cả hàng triệu USD sau khi nghe hai giờ thuyết pháp. Sư ông dùng tiền đó để mở mang Phật pháp, tuyệt nhiên không thay đổi lối sống của mình.
3. Sư ông nhận được sự tôn kính lớn từ quần chúng. Quần chúng ấy không phân biệt màu da, tiếng nói và tôn giáo. Người ta xếp hàng dài để ngóng sư ông bước ra từ máy bay. Nhiều người nhìn thấy sư ông thì òa khóc vì sung sướng. Họ quỳ rạp trước sư ông, hôn lên bàn chân của sư ông.
4. Bộ ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG của sư ông là tác phẩm kinh điển bậc nhất của Phật giáo, cũng là tác phẩm tóm gọn tất cả tư tưởng của sư ông. Ta muốn thấu hiểu Phật giáo mà không cần phải đọc gì khác thì hãy nghe hoặc đọc cuốn này khoảng 50 lần. Sách của sư ông rất lạ. Đơn giản thì đúng là đơn giản nhưng nói cao siêu thì cũng rất cao siêu. Trong 50 lần đọc đó, ta sẽ có 50 tầng giác ngộ khác nhau. Xong 50 lần nghiên cứu thì ta không cần phải đọc thêm bất cứ sách Thiền, sách Phật nào khác, kể cả sách của chính sư ông viết. Sách của Thích Minh Niệm, nhìn cho kỹ, cũng diễn dịch từ tư tưởng của sư ông Thích Nhất Hạnh mà ra.
5. Có giai thoại thú vị thế này: Có một nhà tỷ phú hảo tâm muốn liên kết với sư ông để xây dựng một đại Thiền viện ở Đà Lạt. Sư ông đưa ra yêu cầu: Không được đặt các tượng Phật, La Hán hay Bồ Tát. Chỉ đặt một pho tượng Thích Ca to bằng … ngón tay cái ở chính đường. Không được thắp hương và khấn vái. Thiết kế thiền viện phải tối giản và khiêm tốn. Chỉ được dùng sơn màu nâu. Nhà tỷ phú hảo tâm trố mắt ngạc nhiên. Sự liên kết đó bị hỏng. Ông ta không hiểu được tư tưởng của sư ông. Cứ tưởng sư ông cũng như hòa thượng khác, bày đặt chùa lộng lẫy, tượng đồng thật to để mong được thập phương cúng dường tam bảo, thu về lợi nhuận thô thiển. Ông ta đâu biết sư ông luôn coi Phật giáo là bộ môn khoa học phục vụ cho đời sống theo một cách thức rất thực tế.
THẦY THÍCH NHẤT HẠNH VỀ NƯỚC THÁNG 8/2017
Nói về công khai trí cho dân Việt và cho thế giới để ánh sáng tỉnh thức của đạo Phật được lan tỏa sâu rộng thì có thể nói thầy Thích Nhất Hạnh xứng đáng xếp vào số ít người đi đầu.
Không biết nên so sánh thầy với ai trong lịch sử Việt Nam. Không giống Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, trí năng và tuệ giác của thầy vượt xa mấy vị này. Đương nhiên công đức của thầy cũng không thể ai so sánh được. Tiếc là rất ít người công nhận điều này vì họ không hiểu và không chịu tìm hiểu.
Nghe nói lần này thầy đã về Đà Nẵng, cộng đồng Việt Nam đang rất xúc động và háo hức. Tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng gặp thầy hay không gặp là điều không quan trọng lắm. Đức Phật thế tôn xưa có nói: Ai hiểu Như Lai, làm theo được chánh pháp thì Như Lai luôn ở bên người ấy. Ai không hiểu Như Lai mà vẫn sùng kính Như Lai, không làm theo chánh pháp thì dẫu Như Lai ngay trước mắt vẫn giống như Như Lai đang ở xa ngàn dặm.
Cách đây tầm 3 năm, nhận được tin thầy sắp qua đời, tôi không buồn mà chỉ hơi suy tư.
Tôi viết:
Trần gian còn nhiều nỗi đọa đày
Sao thầy quảy dép thẳng về Tây?
Dẫu biết tử sinh không thể tránh
Mà biệt ly này cho mắt cay.
Nhưng ngẫm lại, thầy qua đời thì cũng như một cây đại thụ đã làm tròn sứ mệnh của mình. Đã đến lúc thân phàm của cây đại thụ cũng phải tàn hoại. Âu cũng là lẽ vô thường không ai tránh khỏi. Thầy đã sống trọn vẹn một cuộc đời đầy cao đẹp và ý nghĩa. Thầy ra đi thanh thản và vui vẻ thì chúng ta cũng không nên bi ai. Những tinh túy và con đường tỉnh thức thầy đã trao truyền cho chúng ta. Còn gì nữa mà phải đòi hỏi thầy phải tiếp tục cống hiến?
Nhưng thật hoan hỷ, thầy đã sống đến tận hôm nay để trở về cố thổ. Có lẽ như thái tử Tất Đạt Đa tìm về Ca Tỳ La Vệ lúc ngoài 80 tuổi. Phải chăng thầy Thích Nhất Hạnh muốn trở về nơi mình đã sinh ra để gửi lại chút xác thân cát bụi? Về lại nơi mà thầy đã chứng kiến bao chuyện bi ai, thê lương, bao nhiêu nước mắt đau khổ của người dân đã dâng thành biển Đông cuộn sóng, bao nhiêu máu đỏ chúng sinh đã thấm tràn ba miền tổ quốc, nơi thầy từng bị một số chúng sinh kết án “thành phần phản động, cần phải tiêu diệt gấp”. Dù thầy đã thành người của thế giới thì cái nơi đau khổ ấy vẫn là nơi thầy yêu thương nhiều nhất.
Nhờ có sự dạy bảo của thầy mà có con tỉnh thức hôm nay. Tạ ơn thầy đưa đường chỉ lối cho con quay về nương tựa. Xin từ xa gửi đến thầy sự tôn kính và lời tri ân sâu sắc.